Thứ năm, 19/11/2020 11:14 GMT+7

Hội thảo “Nhu cầu, cơ hội và thách thức trong hoạt động kết nối, chuyển giao công nghệ khu vực Trung du, miền núi phía Bắc”

Chiều 17/11/2020, tại Thái Nguyên, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thái Nguyên và Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) tổ chức Hội thảo “Nhu cầu, cơ hội và thách thức trong hoạt động kết nối, chuyển giao công nghệ Khu vực miền núi phía Bắc”.

Tham dự sự kiện có đồng chí Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đồng chí Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên; lãnh đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và một số vụ, viện trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên và một số sở, ngành, hiệp hội của tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo Đại học Nông lâm và Đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên; một số viện nghiên cứu, trường Đại học, các tổ chức trung gian về chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên.
 

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết, Đại học Thái Nguyên là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước, là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của khu vực Trung du, miền núi Bắc bộ, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước.
 

GS.TS. Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo.
 

Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ KH&CN, giai đoạn 2015-2020, Đại học Thái Nguyên triển khai thực hiện 8 chương trình KH&CN, 45 đề tài cấp Nhà nước, 3 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ GD&ĐT; 02 Chương trình KH&CN cấp bộ; 408 đề tài cấp bộ và đại học; thực hiện 77 đề tài cấp tỉnh; 7 đề tài, 18 dự án hợp tác quốc tế với tổng kinh phí là 3,44 triệu đô la Mỹ. Đại học Thái Nguyên đứng trong top 10 các trường đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam, xếp hạng 3/35 về chỉ số nội lực, công bố 6.998 bài báo khoa học, trong đó có 5.083 bài được đăng trên các tạp chí trong nước, 1.328 bài đăng trên các tạp chí quốc tế; đặc biệt, có 587 bài được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Đồng thời, Đại học Thái Nguyên có 21 sản phẩm KH&CN được công nhận sở hữu trí tuệ, trong đó có 7 Quyết định bảo hộ giống cây trồng, 01 sáng chế được ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Cùng với đó, Đại học Thái Nguyên đã xây dựng mạng lưới cung cầu KH&CN với Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang với hàng trăm sản phẩm KH&CN là các quy trình, giải pháp kỹ thuật sẵn sàng được chuyển giao; thành lập Trung tâm cung ứng nguồn nhân lực và hỗ trợ khởi nghiệp của Đại học; ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác toàn diện với 14 tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, ký hàng trăm hợp đồng chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đến nay, Đại học Thái Nguyên đã có Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp thành lập Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi vào hoạt động với những kết quả bước đầu. Từ năm 2017, Đại học đã phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên tổ chức được một số diễn đàn “Thắp lửa khởi nghiệp” và cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” cho sinh viên và giảng viên trẻ toàn Đại học Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, thu hút được hàng trăm lượt cán bộ, giảng viên, sinh viên và thanh niên trong Tỉnh tham gia.

Tại Hội thảo, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã giới thiệu “Sổ tay hướng dẫn hoạt động điểm kết nối cung - cầu công nghệ” nhằm thống nhất hoạt động của các Điểm kết nối cung - cầu công nghệ; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường liên kết các Điểm kết nối cung cầu công nghệ, các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN.
 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng và các diễn giả tại phiên thảo luận.
 

Trong phần thảo luận tại Hội thảo, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Văn Tùng, đại diện đến từ một số viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức trung gian về chuyển giao KH&CN đã nêu ra nhiều vấn đề về liên kết ứng dụng, chuyển giao công nghệ giữa trường đại học với doanh nghiệp; vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, các hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, thực tế nhu cầu ứng dụng, tiếp nhận công nghệ trong bối cảnh hiện nay,... Các diễn giả là đại diện lãnh đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Đại học Thái Nguyên đã giải đáp những nội dung liên quan. Qua các ý kiến trao đổi giữa các đại biểu và các diễn giả tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã đánh giá cao về kết quả của Hội thảo. Thông qua hội thảo đã kết nối được các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đã phần nào giải quyết các thắc mắc, băn khoăn và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống cho khu vực Trung du và miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung./.

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1725

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)