Thứ sáu, 27/11/2020 22:06 GMT+7

Ngày Hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020 (AI4VN 2020): Hướng tới nhiều lĩnh vực trọng yếu

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020 (AI4VN 2020) với chủ đề "Trí tuệ nhân tạo ứng phó với đại dịch COVID-19" đã chính thức khai mạc sáng 27/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự ngày hội có: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM Vũ Hải Quân; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng; Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Kỳ Phùng; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Cường, cùng hơn 500 chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, startup.
 

Đại biểu tham dự lễ khai mạc AI4VN.
 

AI cần được tiếp cận ở nhiều góc

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm nay có chủ đề "Trí tuệ nhân tạo ứng phó với đại dịch Covid-19"(AI in pandemic: Adapting to the new normal). Sự kiện được tổ chức thường niên, là dịp để các nhà khoa học, công nghệ sẽ chia sẻ công nghệ mới về AI, tiềm năng ứng dụng cũng như kiến nghị giải pháp để phát triển công nghệ AI cho Việt Nam thông qua kết nối các thành phần bên trong hệ sinh thái từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, startup đến cộng đồng AI.

Chương trình AI4VN 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP HCM, Báo điện tử VnExpress tổ chức. AI4VN tổ chức thường niên được kỳ vọng trở thành động lực thúc đẩy công nghệ AI tại Việt Nam, thông qua kết nối các thành phần bên trong hệ sinh thái từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, startup đến cộng đồng AI. Mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI hướng tới nhiều lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam như y tế, giáo dục, thương mại, tài chính, nông nghiệp...
 

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại Lễ Khai mạc
 

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, cho rằng, từ khoá trí tuệ nhân tạo (AI) đang được tìm kiếm và quan tâm nhiều trong những năm gần đây. AI là tâm điểm trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng đây không phải là lĩnh vực mới. Ở Việt Nam, từ 30-40 năm trước đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trước đây, AI được xếp là một ngành khoa học hàn lâm, dành cho những nhà toán học và công nghệ thông tin xuất sắc, thường tách biệt với người dân, chưa có nhiều ứng dụng.

Gần đây, với sự hội tụ của nhiều công nghệ như dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây, Deep Learning, trí tuệ nhân tạo gần với cuộc sống, tạo ra nhiều thành tựu mới, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống.

"Con người sẽ giao tiếp nhiều với máy tính hơn, máy tính giúp những nhà quản trị đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, những người tàn tật có thể trở lại cuộc sống bình thường dễ dàng hơn", Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ.

Hiện nay, tiếp cận với AI không đơn thuần chỉ là câu chuyện của các nhà nghiên cứu, đặc biệt không đơn thuần của của các nhà toán học, nhà công nghệ thông tin. AI cần được tiếp cận ở góc độ rộng hơn: quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng và nguồn tài sản mới ngày nay là dữ liệu.

TP HCM đã phát đi thông điệp về trí tuệ nhân tạo: nền tảng của thành phố thông minh

Phát biểu khai mạc, thay mặt UBND TP HCM, Giám đốc Sở KH&CN TP HCM Nguyễn Việt Dũng nói rằng trong những năm qua, TP HCM đã phát đi thông điệp về trí tuệ nhân tạo là đề án xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh trong giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mới đây nhất UBND TP HCM đã ban hành chương trình chuyển đổi số.
 

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại Lễ Khai mạc
 

"Là một trong những tỉnh thành đầu tiên phê duyệt chương trình chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, trong đó trọng tâm là chương trình thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại thành phố", ông Nguyễn Việt Dũng nói.

Giám đốc Sở KH&CN TP HCM bày tỏ mong muốn sẽ kết nối các nguồn lực từ cộng đồng quốc tế, các bộ, ngành trung ương và cộng đồng nghiên cứu khoa học trí tuệ sáng tạo để hỗ trợ TP HCM trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo và đặc biệt là ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực quản trị nhà nước, dịch vụ công, sản xuất kinh doanh cũng như các lĩnh vực trong đời sống, xã hội.

"Với sự kiện hôm nay, TP HCM mong muốn lắng nghe các tầm nhìn, kinh nghiệm từ cộng đồng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo để chia sẻ những tri thức đó, hướng đến những ứng dụng cụ thể cho chương trình phát triển của thành phố trong thời gian tới để sau sự kiện này biến những tri thức đó thành hành động cụ thể đưa những ứng dụng trí tuệ nhân tạo thành hiện thực tại thành phố cũng như cả nước".
 

Các diễn giả tham luận tại AI4VN sáng 27/11

 

Những chuyên gia AI đầu ngành hội tụ tại AI4VN 2020

Các chuyên gia về dữ liệu lớn, học máy (machine learning), thị giác máy tính… sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu phát triển và giải pháp kỹ thuật AI.

- GS Yoshua Benjo, Thành viên sáng lập Element AI, Canana sẽ có bài trình bày về Phương án tiếp cận đào tạo AI ở các nước đang phát triển và lời khuyên cho nhân lực Việt Nam.

- TS Bùi Hải Hưng, Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo, Vingroup sẽ chia sẻ từ ví dụ thực tế nơi ông đang làm việc.

- TS Đỗ Trung Thông sẽ chia sẻ về một số ứng dụng của công nghệ AI. TS Thông có 5 bằng sáng chế về Thị giác máy tính và Trí tuệ nhân tạo.

- GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, Tập đoàn Vingroup, sẽ có bài chia sẻ về Kho dữ liệu mở phục vụ AI.

- PGS.TS Thoại Nam Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM, sẽ nói về hệ thống cơ sở hạ tầng tính toán cho HPC-AI-Bigdata và triển vọng máy tính lượng tử.

- Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty FPT smart Cloud với chia sẻ về AI thời bình thường mới ở FPT.

- PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM sẽ có bài trình bày trong phiên khai mạc. Ông Quân lấy bằng Tiến sĩ ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Tổng hợp Trento, Italy.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1880

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)