Thứ hai, 30/11/2020 15:11 GMT+7

Hội thảo Quốc gia về Tiến bộ trong xạ trị ung thư

Từ ngày 26-27/11/2020, tại Hà Nội, Bệnh viện K đã chủ trì, phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia về Tiến bộ trong xạ trị ung thư.

Tham dự Phiên toàn thể Hội thảo vào sáng ngày 27/11/2020 có GS. TS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, GS. BS. Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam; các Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam; Ban Giám đốc Bệnh viện K; Giám đốc các trung tâm ung bướu lớn trên cả nước gồm Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội; đại diện các Bộ, ngành liên quan và trên 500 đại biểu là các lãnh đạo, nhà quản lý, chuyên gia, bác sỹ, kỹ thuật viên, kỹ sư vật lý chuyên ngành xạ trị từ các trung tâm, cơ sở ung bướu trên cả nước và đại diện một số công ty, doanh nghiệp cung cấp thiết bị xạ trị tại Việt Nam. Hội nghị còn có sự tham dự, báo cáo của các chuyên gia trong lĩnh vực xạ trị của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore theo hình thức trực tuyến. TS. Trần Bích Ngọc – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ tham dự Hội thảo.
 

GS. TS. Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K phát biểu khai mạc Hội thảo.
 

Theo thống kê của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2018 Việt Nam có gần 115.000 bệnh nhân tử vong vì ung thư và gần 165.000 ca mắc mới tập trung ở 5 loại ung thư chính là ung thư gan (15,4%), phổi (14,4%), dạ dày (10,6%), vú (9,2%) và ung thư đại trực tràng (8,9%). Tính đến cuối năm 2018, tổng số người đang mắc ung thư tại Việt Nam là trên 300.000 người.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS. Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh ung thư ngày càng trở thành gánh nặng lớn đối với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo, các nước đang phát triển. Công tác phòng, chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức đối với nền y học của cộng đồng. Trong ba phương pháp điều trị ung thư phổ biến là phẫu trị, xạ trị, hóa trị, xạ trị là phương pháp phổ biến nhất, đóng góp khoảng 50% trong điều trị ung thư nói chung. Xạ trị có thể áp dụng ở mọi giai đoạn của bệnh, kể cả điều trị bổ trợ, giảm nhẹ đối với ung thư ở giai đoạn muộn. Đến nay ở nước ta, sự phát triển của y học hiện đại cùng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến đã nâng cao chất lượng điều trị ung thư và chất lượng cuộc sống của người dân.
 

GS. TS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội thảo.
 

Phát biểu tại Hội thảo, GS. TS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế luôn dành nhiều sự quan tâm tới công tác phòng, chống bệnh không truyền nhiễm nói chung và ung thư nói riêng. Việt Nam đã ban hành các Chiến lược, quy hoạch về phòng chống ung thư là cơ sở quan trọng cùng với sự nỗ lực của các bệnh viện, viện trường, các địa phương, sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành và các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành ung thư Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện, xây dựng và chuẩn hóa phác đồ điều trị ung thư trong đó có xạ trị; Chuyển giao các kỹ thuật điều trị ung thư hiện đại để thu hẹp khoảng cách chẩn đoán, điều trị ung thư giữa bệnh viện Trung ương và cơ sở y tế tuyến dưới; Phát triển mạnh mô hình chẩn đoán, điều trị bệnh từ xa; Tăng cường công tác hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học để học tập kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới về ung thư, xạ trị cho Việt Nam; GS. TS. Trần Văn Thuấn đồng thời cũng giao nhiệm vụ cho các cơ sở ung bướu lớn như Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Tp. HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy cần từng bước nghiên cứu, triển khai công nghệ xạ trị proton, xạ trị hạt nặng để sớm đưa công nghệ xạ trị ung thư hiện đại này có mặt ở Việt Nam.

Xạ trị ung thư đã được áp dụng ở nước ta từ năm 1923 bằng các ống tiêm có chứa phóng xạ radium và bước đầu sử dụng các máy phát tia X. Theo báo cáo của Cục Năng lượng nguyên tử (NLNT), ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế của Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ và kết quả tích cực trên cả 3 lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị và điện quang. Ngành ung thư nước ta đã đạt được nhiều kết quả như: nhận thức của người dân về ung thư được nâng cao; công tác phát hiện sớm ung thư được tăng cường với tỷ lệ phát hiện sớm tăng lên khoảng 5-10%; nhiều công nghệ hiện đại trong điều trị ung thư đã được áp dụng thành công ở nước ta; mạng lưới phòng chống ung thư đã phủ khắp đất nước với 78 bệnh viện, trung tâm, khoa, đơn vị ung bướu trong đó có 42 khoa, trung tâm ung bướu có thiết bị xạ trị, đáp ứng cơ bản nhu cầu khám, chữa bệnh ung bướu của người dân. Cả nước có khoảng 100 thiết bị xạ trị, trong đó trên 70 thiết bị xạ trị gia tốc rất hiện đại đã được trang bị ở nhiều bệnh bệnh viện lớn. Kiến thức xạ trị tiên tiến luôn được cập nhật, hiệu quả điều trị ung thư ngày cao. Xạ trị ngày càng trở thành công cụ “thần kỳ” trong điều trị ung thư. Các kỹ thuật xạ trị - xạ phẫu ung thư tiên tiến như 3D CRT, IMRT, IGRT, VMAT, SRS, SBRT… đã được thực hiện thành công ở nước ta mang lại hiệu quả điều trị tích cực đối với nhiều loại bệnh ung thư, đặc biệt các loại ung thư khó như ung thư đầu, cổ và hệ thần kinh trung ương, ung thư ở trẻ em…

Hiện nay Cục NLNT cũng đang hợp tác với các cơ quan của các bộ, ngành liên quan xây dựng Quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong đó có lĩnh vực y tế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Từ năm 2000 đến nay, nhiều hội thảo về Ung thư đã được tổ chức tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên chưa có hội thảo chuyên đề riêng về xạ trị. Hội thảo Quốc gia về Tiến bộ trong xạ trị ung thư là Hội thảo đầu tiên về chuyên ngành xạ trị được tổ chức với mục đích kết nối các cán bộ y tế công tác trong lĩnh vực xạ trị trên cả nước và các chuyên gia quốc tế nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau cập nhật những kiến thức mới nhất về xạ trị của thế giới với hy vọng góp phần thúc đẩy về chuyên môn xạ trị, góp phần đáng kể hơn nữa trong chẩn đoán, điều trị ung thư của Việt Nam. Hội thảo bao gồm 3 phiên hội thảo chuyên đề với 22 báo cáo trong và ngoài nước tập trung vào các chủ đề: điều trị ung đầu cổ và hệ thần kinh trung ương, điều trị tổng hợp, điều trị ung thư ở trẻ em. Trong khuôn khổ Hội thảo, ngày 26/11/2020 đã diễn ra chương trình đào tạo liên tục cho bác sỹ xạ trị, kỹ thuật viên và kỹ sư y vật lý dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành về xạ trị của các trung tâm ung bướu lớn trên toàn quốc.

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 1216

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)