Thứ ba, 01/12/2020 16:23 GMT+7

Nghiên cứu, xây dựng danh mục các hóa chất độc hại thuộc danh mục hóa chất cần xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và thiết lập khoảng cách an toàn

Cùng với sự phát triền mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, số lượng và chủng loại hóa chất được sử dụng ở Việt Nam ngày càng nhiều và phong phú. Tuy vậy thực tế cho thấy, danh mục hóa chất cần xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và thiết lập khoảng cách an toàn là những hóa chất nguy hiểm nhưng doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý gặp khó khăn khi tra cứu thông tin liên quan: an toàn, hướng dẫn, cảnh báo, phương pháp xử lý…

Để đảm bảo cung cấp thông tin về an toàn đối với tất cả mọi người làm việc tiếp xúc với sản phẩm hóa chất trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, nên việc xây dựng cuốn sổ tay tra cứu các tính chất độc hại nguy hiểm của hóa chất đã và đang được quan tâm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy cần có cuốn tài liệu tham khảo chính thức để người dùng có thể dễ dàng sử dụng để tìm kiếm thông tin cần thiết về hóa chất phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, sang chiết, vận chuyển, sử dụng… được an toàn.

Việc xây dựng cuốn sổ tay tra cứu các tính chất độc hại, nguy hiểm của hóa chất, đã và đang được quan tâm đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Ở những quốc gia phát triển, các tài liệu tra cứu không đơn thuần dưới dạng văn bản giấy, sách, báo mà đã được xây dựng thành phần mềm để thuận lợi cho việc tra cứu thông tin.

Tại Mỹ, Viện Quốc Gia về an toàn và Sức khỏe nghề nghiệp - NIOSH đã đưa ra “Pocket Guide to Chemical Hazards”. Cuốn sổ tay hướng dẫn này đưa ra thông tin và dữ liệu ngắn gọn của 677 hóa chất và nhóm chất được khuyến cáo ở mức độ nguy hại và mức độ giới hạn cho phép tiếp xúc đối với người lao động.

Ngoài ra các thông tin về vệ sinh công nghiệp trong cuốn sổ tay hướng dẫn này giúp cho người dùng nhận biết và kiểm soát các hóa chất nguy hiểm liên quan đến đặc thù nghề nghiệp, các hóa chất thường xuyên xuất hiện trong các hoạt động kinh doanh, pha chế, sản xuất, sử dụng… hóa chất.

Tại Nhật Bản, Viện quốc gia về Công nghệ và đánh giá NITE (National Institute of Technology and Evaluation) đã xây dựng bộ tài liệu tham khảo đối với hóa chất theo hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất GHS. Một số hóa chất được ưu tiên lựa chọn so với những hóa chất khác, sau quá trình phân loại đánh giá (dựa trên nguyên tắc đánh giá rủi ro) được cập nhật vào cuốn sổ tay và đưa thông tin đến người sử dụng hóa chất.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp lượng hóa chất được sản xuất,  nhập khẩu, sử dụng ngày càng nhiều dẫn đến yêu cầu bức thiết trong việc kiểm soát sự nguy hiểm của hóa chất nhằm phòng ngừa những sự cố hóa chất có thể gây thiệt hại nặng nề về sức khỏe con người và môi trường.Vì lý do đó mà nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Cục Hóa chất phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Vũ Thị Hương cùng thực hiện.

Sau thời gian nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài “Nghiên cứu, xây dựng danh mục chi tiết các hóa chất độc hại thuộc danh mục hóa chất cần xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và thiết lập khoảng cách an toàn” đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra với một số kết quả chính như sau:

- Xây dựng được Sổ tay tra cứu an toàn hóa chất gồm các hóa chất nguy hiểm nằm trong danh mục hóa chất phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và thiết lập khoảng cách an toàn.

- Trong Sổ tay đã cung cấp một số thông tin dựa trên những tài liệu đáng tin cậy về tính chất hóa lý, độc học, các chỉ dẫn cơ bản để giảm thiểu tác động của hóa chất với sức khỏe con người. Tài liệu này sẽ giúp ích cho các tổ chức cá nhân có hoạt động liên quan đến hóa chất như sản xuất, kinh doanh sang chiết, vận chuyển, sử dụng… an toàn.


*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13843/2016) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1061

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)