Thứ tư, 30/12/2020 15:44 GMT+7

Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm tinh dầu tràm

Ngày 03/12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4656/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00096 cho sản phẩm tinh dầu tràm “Huế”. Hội sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Tinh dầu tràm Huế là một sản phẩm nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên Huế, là món quà không thể thiếu của mỗi du khách khi đến với Huế. Tinh dầu tràm Huế là sự tiếp nối danh tiếng và kế thừa chất lượng cùng phương pháp sản xuất dầu tràm Huế vốn đã rất nổi tiếng từ thời nhà Nguyễn. Trong suốt hơn 350 năm giai đoạn chín Chúa, mười ba Vua nhà Nguyễn, dầu tràm Huế luôn nằm trong danh mục các sản phẩm phải cống nộp (tiến Vua)1. Tương truyền, tổ nghề dầu tràm xứ Huế là những người thợ nấu dầu sả từ Đàng Ngoài theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập ấp, khai hoang và nơi khởi nguồn nghề chưng cất dầu tràm ở chân đèo Phước Tượng thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó, những người chưng cất dầu tràm nơi đây được coi là những “cây đại thụ trong nghề”.

Với danh tiếng là sản phẩm tiến Vua, dầu tràm Huế đã được buôn bán khắp Đông Dương vào những năm 30 của thế kỉ XX và trở thành một sản phẩm thương mại nổi tiếng. Người đặt nền móng cho việc thương mại hóa này là từ gia đình Tôn Thất, một gia đình hoàng tộc thuộc dòng dõi Định Viễn Quận Vương (hoàng tử thứ 6 của vua Minh Mệnh) với việc mở ra hơn 3.000 đại lý buôn bán dầu tràm tới tất cả các nước Đông Dương2.

Nhờ công dụng cùng với sự nổi tiếng rộng rãi, dầu tràm Huế đã được tặng thưởng rất nhiều danh hiệu cao quí như: Long bội tinh (năm 1930); Kim Khánh hạng nhì và Ngân tiền hạng ba (năm 1931); Chứng chỉ danh dự cùng một pho tượng gỗ tại cuộc đấu xảo Trí tri Hải Phòng; Ngân tiền hạng nhất và phần thưởng hạng nhất tại cuộc Đấu xảo Mỹ nghệ Huế; Chứng chỉ danh dự tại cuộc Đấu xảo Khoa học Hà Nội; Bằng cấp hạng nhất (tại hội chợ Phụ nữ Sài Gòn).

Cứ như thế, theo thời gian, người dân xứ Huế tiếp tục truyền thống nấu dầu tràm để lưu giữ nghề ông cha để lại, đồng thời liên tục đúc kết kinh nghiệm sản xuất và phát huy sáng tạo để tạo ra sản phẩm có chất lượng ngày một nâng cao, đáp ứng nhu cầu cũng như các yêu cầu về chăm sóc sức khỏe của con người trong giai đoạn mới. Việc chuyển từ "nấu" dầu tràm sang phương pháp "chưng cất" của người Huế đã tạo ra sản phẩm tinh dầu tràm với hàm lượng dược chất cao hơn hẳn sản phẩm thời xưa, đặc biệt là hàm lượng Cineol (từ 40-60%).

Thị trường tiêu thụ của tinh dầu tràm Huế tiếp nối thị trường tiêu thụ của sản phẩm dầu tràm truyền thống, đó là thị trường tiêu thụ không chỉ có trên địa bàn Huế mà trên khắp cả nước và các quốc gia khác ở khu vực châu Á, châu Âu hay châu Mỹ.

Tinh dầu tràm Huế có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng (không nồng, không hắc), hương thơm lưu lại lâu và không bị bám dính trên da sau khi bay hơi.

Đặc thù của sản phẩm tinh dầu tràm “Huế” có được là do cây tràm trong khu vực địa lý được trồng trên đất Feralit và đất cát, đất có hàm lượng Fe và hàm lượng Mg2+ cao (hàm lượng Fe từ 4,17 - 6,17 mg/kg, hàm lượng Mg2+ từ 1,0 - 2,96 meq/100g), đất chua (độ pH từ 3,25 - 5,57) và nghèo dinh dưỡng, ít mùn (hàm lượng mùn từ 0,78 - 4,13 %).

Thừa Thiên Huế là tỉnh có lượng mưa nhiều nhất nước, lượng mưa trung bình hằng năm đạt 2.500 đến 3.800 mm cao hơn trung bình cả nước với lượng mưa từ 1.500 đến 2.000 mm. Tuy nhiên, lượng mưa lớn đó chỉ tập trung trong một thời gian ngắn từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm là thời gian thu hoạch tràm nguyên liệu chủ yếu tại Thừa Thiên Huế, số ngày mưa của tỉnh Thừa Thiên Huế là khoảng 59 ngày với tổng lượng mưa trung bình là 612 mm, thấp hơn nhiều so với các khu vực địa lý khác như Quảng Bình, Quảng Trị, Long An, Tây Ninh. Đây là một trong những lý do dẫn tới tinh dầu tràm Huế có hàm lượng Cineol cao hơn. Điều này phù hợp với các nghiên cứu của tác giả Khuất Thị Hải Ninh (2009, 2016)3, lượng mưa thấp vào mùa khô làm tăng hàm lượng tinh dầu và tăng tỷ lệ Cineol, lượng mưa cao vào mùa mưa làm giảm hàm lượng và giảm tỷ lệ Cineol trong lá tràm.

Cây tràm là cây ưa nắng. Khi số giờ nắng tăng thì cây sẽ quang hợp được nhiều hơn, đồng thời quá trình hô hấp giảm. Điều này dẫn tới, cây tổng hợp được nhiều chất hơn, trong đó có Cineol. Tổng số giờ nắng trung bình năm tại Thừa Thiên Huế là 1.900 giờ - phù hợp với sự phát triển của cây tràm, cho chất lượng tinh dầu tràm cao.

Ngoài điều kiện địa lý tự nhiên, tinh dầu tràm Huế vẫn luôn giữ được danh tiếng và chất lượng của mình còn là do phương pháp sản xuất được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong đó công đoạn thu hoạch nguyên liệu, thời gian nấu tràm nguyên liệu và quá trình gia nhiệt là công đoạn quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới tính ổn định về chất lượng tinh dầu tràm.

Tại khu vực địa lý, từ khoảng tháng 3 đến tháng 8, người dân tiến hành chọn cành lá bánh tẻ có độ dài khoảng 30 cm, lá dày, to có vị cay trên cây tràm trên 4 tuổi để thu hái (thu hái 2 lần/cây, lần 2 cách lần 1 khoảng 3 - 4 tháng).

Người dân trong khu vực địa lý chú trọng tới thời gian bắt đầu cấp nhiệt cho nồi nấu tràm cho đến khi kết thúc công đoạn nấu tràm, thời gian này luôn nằm trong khoảng từ 4 -5 giờ. Thời gian nấu quá ngắn dưới 4 giờ thì tinh dầu tràm thu được có chất lượng không cao, do chưa chiết xuất được hết tinh dầu trong lá tràm. Thời gian nấu quá 5 giờ, tinh dầu sẽ lẫn các tập chất khác. Trong quá trình chưng cất tinh dầu tràm, nhiệt độ trong khi chưng cất được kiểm soát chặt chẽ.

Khi bắt đầu chưng cất, người dân cung cấp nhiệt lượng lớn để nước trong nồi sôi nhanh, sau đó, nhiệt lượng được cung cấp đều và vừa phải (duy trì nhiệt độ trong nồi nấu tràm từ 100 - 120oC). Nếu nhiệt độ duy trì quá cao (lớn hơn 145oC) sẽ gây tràn chất lỏng vào ống ngưng, trong đó có nhựa cây sau này hòa tan vào dầu làm giảm chất lượng tinh dầu. Bên cạnh đó, nhiệt độ cao sẽ dẫn tới những cấu phần ester, Cineol trong tinh dầu tràm bị thủy giải cho ra acid và alcol ảnh hưởng xấu tới chất lượng tinh dầu. Nhiệt độ quá thấp (nhỏ hơn 80oC) tuy không ảnh hưởng lớn tới chất lượng tinh dầu tràm, nhưng ảnh hưởng tới năng suất tinh dầu thu được.

Khu vực địa lý: Xã Phong Xuân, xã Phong Sơn, xã Phong An, xã Phong Hiền, xã Phong Hòa, xã Phong Bình, xã Phong Chương, xã Điền Lộc, xã Phong Mỹ, xã Phong Thu, xã Điền Môn, xã Điền Hòa, xã Điền Hương, xã Phong Xuân và thị trấn Phong Điền thuộc huyện Phong Điền; Xã Lộc Bổn, xã Lộc Thủy, xã Lộc Tiến, xã Lộc Sơn, xã Lộc An, xã Lộc Hòa, xã Lộc Điền, thị trấn Lăng Cô và thị trấn Phú Lộc thuộc huyện Phú Lộc; Xã Quảng Lợi, xã Quảng Vinh, xã Quảng Thái và thị trấn Sịa thuộc huyện Quảng Điền; Xã Hương Thọ, phường Hương Văn và phường Hương Vân thuộc thị xã Hương Trà; Xã Thủy Phù, xã Thủy Bằng, xã Phú Sơn, xã Dương Hòa và phường Thủy Phương thuộc thị xã Hương Thủy; Phường An Cựu, phường An Đông, phường An Hòa, phường An Tây, phường Hương Long, phường Hương Sơ, phường Kim Long, phường Phú Bình, phường Phú Cát, phường Phú Hậu, phường Phú Hiệp, phường Phú Hòa, phường Phú Hội, phường Phú Nhuận, phường Phú Thuận, phường Phước Vĩnh, phường Phường Đúc, phường Tây Lộc, phường Thuận Hòa, phường Thuận Lộc, phường Thuận Thành, phường Thủy Biều, phường Thủy Xuân, phường Trường An, phường Vĩ Dạ, phường Vĩnh Ninh, phường Xuân Phú thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế./.

________

1 Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Bộ Đại Nam Thực Lục (Bản dịch của Viện Sử học), Nhà xuất bản Giáo dục.

2 Nguyễn Đức Nhuận (1934), “Một tấm gương sáng chói trong trường dinh nghiệp nước nhà: Ông Viễn Đệ và dầu Khuynh Diệp”, Phụ nữ Tân văn, số 249, ngày 5/6/1934, tr.16-18.

3 Khuất Thị Hải Ninh (2009). Nghiên cứu khảo nghiêm và chọn lọc một số xuất xứ mới có hàm lượng và chất lượng tinh dầu cao và khả năng nhân giống hom của Tràm năm gân (Melaleuca quinquenervia) tại Ba Vì - Hà Nội. Luận văn Thạc sỹ Lâm nghiệp, Trường Đại học Lâm nghiệp.

Khuất Thị Hải Ninh (2016). Nghiên cứu chọn giống và nhân giống tràm có hàm lượng tinh dầu và tỷ lệ 1,8-cineole cao. Luận án Tiến sỹ Lâm nghiệp, Trường Đại học Lâm nghiệp.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 906

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)