Thứ tư, 14/04/2021 13:47 GMT+7

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: KH&CN đã có những bước tiến rất đáng ghi nhận

Tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chiều ngày 13/4/2021, đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá, nhìn lại 5 năm qua, KH&CN đã có những bước phát triển rất đáng ghi nhận, góp phần lớn vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, để đất nước phát triển nhanh và bền vững phải có những đột phá từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ngũ Hiệp.
 

Cùng tham dự buổi làm việc có đồng chí Châu Văn Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Sĩ Hiệp – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Đỗ Hoàng Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài Chính; đồng chí Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Đặng Nguyên Anh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

Về phía Bộ KH&CN có đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; các đồng chí Lãnh đạo Bộ KH&CN; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

Khẳng định vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Ngũ Hiệp.
 

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, giai đoạn vừa qua, KH&CN từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015); Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.

Chỉ số ĐMST của Việt Nam (GII) năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng  mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển. Hiện nay có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao (đạt xấp xỉ 1 tỷ đô-la Mỹ liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017), đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo.

Cùng với đó, số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN; Đầu tư cho KH&CN đã có sự dịch chuyển tích cực. Nếu như 10 năm trước đây kinh phí hoạt động KH&CN chủ yếu dựa vào Ngân sách Nhà nước (chiếm khoảng 70-80% tổng đầu tư cho KH&CN), thì đến nay đầu tư cho KH&CN từ Ngân sách Nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%; Nghiên cứu KH&CN đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 (đầu tư nghiên cứu khoa học trong một thời gian dài là nền tảng để các tổ chức nghiên cứu phát triển các sản phẩm như test Kit, vắc xin,...).

Đánh giá về những thành tựu của ngành KH&CN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, 5 năm qua, lĩnh vực KH&CN có những bước phát triển rất đáng ghi nhận, góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp vào xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, trực tiếp nhất là Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học lớn như Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử); xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam (Quốc chí); phục vụ nghiên cứu các xu thế mới của thế giới như cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội 5.0…

Lĩnh vực khoa học cơ bản đạt được nhiều thành tựu thể hiện qua các xếp hạng, công bố nghiên cứu quốc tế. Đặc biệt, KH&CN ứng dụng thể hiện qua trình độ công nghệ có những bước tiến rõ nét như tăng năng suất các nhân tố tổng hợp hay những sản phẩm (từ hàng tiêu dùng đến máy móc tối tân, hiện đại) do các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận công nghệ của thế giới, có cải tiến hoặc có những công nghệ tự phát triển. 

Nắm chắc tất cả nguồn lực KH&CN

Tại buổi làm việc, các đồng chí Lãnh đạo Bộ và đại diện các bộ ngành, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; giải pháp để doanh nghiệp chủ động đầu tư vào KH&CN, cơ chế để lập viện nghiên cứu trong doanh nghiệp; làm sao để doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; cơ chế đột phá để xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học;…
 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngũ Hiệp.
 

Về định hướng thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để Việt Nam có thể bứt phá, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, không có cách nào khác là chúng ta phải có những đột phá mới để KH&CN trở thành sức mạnh, động lực thực sự. Bộ KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc từ nhiều năm nay và “càng về sau càng khó”.

Đồng thời, cần dựa trên nghiên cứu xu thế KH&CN của thế giới, tìm ra những cái mới để kiến nghị. Phó Thủ tướng dẫn ví dụ, khi nói về Cách mạng công nghiệp 4.0 có một số công nghệ ưu tiên cần tập trung như công nghệ về sức khỏe, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, tích trữ năng lượng… Bộ KH&CN cần kiến nghị chi tiết hơn, xác định rõ những công nghệ trọng điểm cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam.

Bộ KH&CN phải xác định, quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu KH&CN của Việt Nam trong thời kỳ mới, ngoài hai Viện hàn lâm, 2 ĐHQG, các Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ, ngành, cần đặc biệt lưu ý đến các trường đại học, các viện nghiên cứu thuộc doanh nghiệp. Từ đó, xác định nguồn lực Nhà nước sẽ tập trung đầu tư vào đâu, mức độ đến đâu, từ ra đề bài nghiên cứu, hỗ trợ về cơ chế tài chính, chính sách đến khuyến khích, động viên doanh nghiệp tham gia vào phát triển, củng cố hệ thống các cơ sở nghiên cứu KH&CN.

Bộ KH&CN cũng cần rà soát, hệ thống lại các chương trình, nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu KH&CN ở các cấp. Xác định rõ công nghệ trọng điểm cần ưu tiên. “Bộ KH&CN làm đầu mối xác định sản phẩm trọng điểm quốc gia thuộc mọi ngành nghề, không nhất thiết phải thuộc các đề tài do Bộ bảo trợ, hỗ trợ vốn, tiêu chí do mình xây dựng, có nhiều tiêu chí nhưng phải là sản phẩm trí tuệ của Việt Nam, công nghệ của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặt câu hỏi “Vậy làm thế nào để KH&CN thực sự trở thành động lực, thực sự trở thành sức mạnh?”, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý vốn Ngân sách Nhà nước dành cho KH&CN theo tinh thần quản lý thống nhất, liên thông, ứng dụng công nghệ, minh bạch, công khai để khắc phục những bất cập, vướng mắc trước đây.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta quản lý thống nhất tất cả yêu cầu, nhiệm vụ KH&CN ở tất cả các cấp, tạo nguồn lực để lựa chọn những người làm hiệu quả nhất để giao đề tài, nhiệm vụ.

Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính phải tin học hoá toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành. Bộ KH&CN phải làm sao nắm chắc được tất cả nguồn lực KH&CN (con người, tài sản, sở hữu trí tuệ) của cả đất nước, ở tất cả các chuyên ngành; quản lý toàn bộ, thống nhất các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học, công khai, minh bạch và thực hiện giám sát ngang hàng.

Về cơ chế lấy doanh nghiệp làm trung tâm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính, xây dựng cơ chế hạch toán tài chính đối với những doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN, đào tạo hướng theo chuẩn quốc tế.

Có cơ chế để các doanh nghiệp tăng cường lập Quỹ phát triển KH&CN. Để doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia, Bộ KH&CN phải trực tiếp tham gia tư vấn, xây dựng chính sách cụ thể, vướng ở điểm nào, sửa ra sao, từ nguồn vốn, thuế, đất đai cho đến cơ chế hạch toán tài chính doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp cận thị trường. “Bằng chính sách thuế, tín dụng, đấu thầu… thì không cần khuyến khích, doanh nghiệp cũng tự động đầu tư vào KHCN bởi vì đây là lợi ích trực tiếp. Cơ chế gì để doanh nghiệp lập viện nghiên cứu?”, Phó Thủ tướng nói.

Cùng với đó, làm sao để các Sở KH&CN “bận rộn” hơn, phải đưa được KH&CN về địa phương. Đây là câu chuyện cực kỳ quan trọng. Bộ KH&CN cần có hướng dẫn cụ thể, theo đó Sở KH&CN giúp tỉnh nêu yêu cầu, đầu bài, Bộ KH&CN tập hợp thành các nhóm nhiệm vụ KH&CN, công khai để đội ngũ KH&CN đều được tiếp cận, thực hiện. Có như vậy vai trò của các Sở KH&CN mới lên.

Về những khó khăn của doanh nghiệp ĐMST (Start-up), Phó Thủ tướng cho rằng phải làm sao tạo sự cộng hưởng của hệ thống khởi nghiệp sáng tạo và trung tâm ĐMST, muốn vậy điều cần thiết nhất là sửa bằng được các quy định tham gia thị trường cho doanh nghiệp start-up.

Bộ KH&CN cũng cần hình thành những đầu bài lớn, công nghệ lõi, dự án lớn về khoa học cơ bản “đặt hàng” hai Viện hàn lâm; phối hợp với hai Đại học Quốc gia, các đại học lớn để thực hiện các sản phẩm, công nghệ trọng điểm quốc gia.

Phó Thủ tướng ủng hộ các đề xuất, kiến nghị của Bộ, trong đó có việc cấp vốn điều lệ (2.000 tỷ) cho Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (theo Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 29/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia), đồng thời đề nghị Bộ Tài chính xem xét; duy trì áp dụng cơ chế tài chính đặc thù cho Cục Sở hữu trí tuệ trong giai đoạn sau năm 2021 để tạo điều kiện chủ động về nguồn lực đầu tư, phát triển các hoạt động sở hữu trí tuệ; Viện VKIST cần tích cực tiếp cận phương thức của Hàn Quốc, nghiên cứu các bước chuyển đổi dần, tiếp tục thực hiện đến khi có cơ chế mới.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngũ Hiệp.
 

Trước những yêu cầu và kỳ vọng của Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy đổi mới hệ thống ĐMST quốc gia, tích cực làm việc với các bộ ngành để giải quyết vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp, để doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống ĐMST, sử dụng hiệu quả quỹ dành cho KH&CN.

Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&CN luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp thành lập viện nghiên cứu. Đây là nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Đồng thời tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm trọng điểm quốc gia, sản phẩm có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội không chỉ dừng lại ở thương hiệu; Tích cực phát huy vai trò của các sở KH&CN ở địa phương; Bộ KH&CN có vai trò là đầu mối đầu tư để phát triển KH&CN ở các cơ sở giáo dục đại học; Triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST trong một số dự án KH&CN cụ thể hoặc trong một số nhóm đối tượng đặc thù; Xây dựng cơ chế vượt trội, đặc thù (về tài chính, nhân sự, tổ chức bộ máy,...) đối với Viện VKIST để hoạt động đúng theo mục tiêu thành lập.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2164

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)