Thứ năm, 20/05/2021 15:34 GMT+7

Kỳ 2 - Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo qua góc nhìn của các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp

Thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) nổi bật trong thời gian qua cho thấy, ngành KH&CN đã có những bước phát triển mang tính đột phá, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước, góp phần đảm bảo quốc phòng và an ninh, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Đảng và Nhà nước giao.

Bài 2: Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo dưới góc nhìn của nhà khoa học

Thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) nổi bật trong thời gian qua cho thấy, ngành KH&CN đã có những bước phát triển mang tính đột phá, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước, góp phần đảm bảo quốc phòng và an ninh, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Đảng và Nhà nước giao.

Việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp đã mang đến diện mạo và sức cạnh tranh mới trên trường quốc tế. Điều đó càng minh chứng cho sự hợp tác công - tư, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển KH,CN&ĐMST giải quyết những vấn đề đặt ra từ cuộc sống. Trong mối quan hệ đó, các nhà khoa học đóng vai trò hạt nhân quan trọng để tạo nên những thành tựu hiện hữu, những giá trị khó có thể đong đếm được. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KH,CN&ĐMST đã và đang được ngành KH&CN cụ thể hóa, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách phù hợp, vượt trội, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để các nhà khoa học nghiên cứu, sáng tạo.

Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 cũng là dịp để các nhà khoa học Việt Nam nhìn lại những nỗ lực sáng tạo, cống hiến trí tuệ, nhiệt huyết và tâm sức để đưa nền KH&CN nước nhà phát triển, đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng và an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự thâm nhập ngày càng tăng của KH&CN vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội, lực lượng KH&CN đã và đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được người dân và xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, nhiều nhà khoa học đã có những chia sẻ quý giá về vai trò, tác động của KH,CN&ĐMST.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN tổng hợp và trân trọng giới thiệu:


GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: KH,CN&ĐMST đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp

KH,CN&ĐMST đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đưa nước ta trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản, nhiều nông sản Việt Nam đã có mặt trên các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, nâng cao đời sống nông dân và làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Ví dụ như, KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

 

GS.TS. Mai Trọng Khoa - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai: Rất ấn tượng vì Việt Nam có Ngày KH&CN

Rất ấn tượng vì Việt Nam chúng ta có ngày 18/5 - Ngày KH&CN Việt Nam. Đây là dịp để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Không những vậy, đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. 

 

GS.TS. Vũ Thị Thu Hà - Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu, Bộ Công thương: Kỳ vọng vào những cơ chế chính sách đột phá

Tôi nhận thấy lĩnh vực KH&CN ở nước ta đang ngày càng được quan tâm, thể hiện qua đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo lời của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “KH&CN được xác định là “động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại” góp phần thực hiện các mục tiêu cụ thể của nước ta trong giai đoạn tới”.

Chúng tôi tin tưởng rằng, ngành KH&CN sẽ có những cơ chế chính sách phù hợp, thực sự đột phá để sử dụng một cách thực sự hiệu quả nguồn nhân lực KH&CN quốc gia”. 

 

GS.TS. Từ Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng học viện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: KH,CN&ĐMST có vai trò đặc biệt quan trọng với trường đại học

KH,CN&ĐMST có vai trò đặc biệt quan trọng với trường đại học. Nghiên cứu khoa học là cách hiệu quả nhất để giảng viên cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, qua đó cải thiện chất lượng giảng dạy. Nghiên cứu khoa học cũng giúp sinh viên làm giàu kiến thức và kỹ năng, hình thành tư duy phản biện, chuẩn bị tốt hơn cho công việc trong tương lai. Thông qua hoạt động đổi mới sáng tạo, giảng viên, sinh viên được khuyến khích tìm hiểu và sử dụng các phương thức mới trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu, nhờ vậy nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà trường.

 

PGS.TS. Nguyễn Quang Địch - Viện trưởng Viện Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: KH,CN&ĐMST - chìa khóa khai thác tri thức mới

KH,CN&ĐMST là chìa khóa để phát triển đội ngũ nhân lực trình độ cao, góp phần mở rộng khả năng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước và chuyển đổi mô hình đào tạo từ chiều rộng sang chiều sâu. Trong các cơ sở giáo dục đại học, mô hình thuần túy đào tạo đã có bước chuyển rõ nét sang mô hình đào tạo kết hợp với nghiên cứu. Đồng thời, KH,CN&ĐMST là chìa khóa để khai thác tri thức mới phục vụ mục tiêu ươm tạo công nghệ và khởi nghiệp.

 

GS.TS. Đinh Ngọc Thạnh – Chuyên gia IoT Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu: Tầm nhìn, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân về KH&CN

Việt Nam chúng ta có một ngày riêng cho KH&CN thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc coi trọng, xây dựng và phát triển KH&CN. Ý nghĩa rất lớn lao, để tới ngày này mỗi năm chúng ta lại nhìn lại bản thân và nhắc nhở nhau về tầm quan trọng của KH&CN và một mục tiêu còn đó của bản thân, của đất nước. Mỗi chúng ta cùng cố gắng trang bị và trau dồi kiến thức KH&CN, chúng ta sẽ có một đất nước KH&CN, từ đó việc trở thành một nước phát triển chỉ là vấn đề thời gian.

 

TS. Đỗ Việt Bình - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện KH&CN quân sự: ĐMST góp phần đổi mới tư duy, phương pháp, cách tiếp cận cho cán bộ nghiên cứu

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính trị trọng tâm là hoạt động chủ yếu thường xuyên liên tục nhằm tạo ra những sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng của Viện KH&CN quân sự nói chung và Viện Công nghệ thông tin nói riêng. ĐMST có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần đổi mới tư duy, phương pháp, cách tiếp cận cho cán bộ nghiên cứu đồng thời mở rộng phạm vi, rút ngắn thời gian nghiên cứu, tăng hàm lượng khoa học tạo ra những sản phẩm có tính đột phá, có tính ứng dụng cao.

 

TS. Lê Xuân Tuấn - Phó Trưởng khoa An ninh thông tin, Học viện An ninh nhân dân: KHCN&ĐMST đã thay đổi về chất trong công tác giáo dục, đào tạo

Hiện nay, tại Học viện An ninh nhân dân nói riêng và khối các trường, học viện Công an nhân dân nói chung, KH,CN&ĐMST, nhất là công nghệ cao đã và đang có những đóng góp hết sức rõ nét, giúp thay đổi về chất, đi vào chiều sâu trong công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường. Bên cạnh đó, việc ứng dụng KH&CN cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy của giáo viên, học tập của sinh viên; chuyển từ việc truyền thụ tri thức một chiều sang việc định hướng cho sinh viên chủ động, sáng tạo trong tiếp cập, tiếp thu tri thức nhờ hạ tầng công nghệ hiện đại với nhiều hình thức học tập đa dạng, đảm bảo được chất lượng đào tạo kể cả trong các tình huống khó khăn khách quan như tình hình dịch bệnh hiện nay.

 

GS.TSKH. Phạm Hoàng Hiệp – Viện Toán học, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam: Nền KH&CN của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà nghiên cứu khoa học. Kinh phí đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học thông qua các quỹ đầu tư phát triển khoa học cũng đã được quan tâm và tăng theo thời gian. Đối với Trung tâm nghiên cứu và đào tạo toán học dưới sự bảo trợ của UNESCO nơi tôi công tác hàng năm đều được sự quan tâm của Nhà nước về kinh phí và cơ chế tổ chức. Ngày 12/5/2021, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện giữa Việt Nam và Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp quốc về thành lập Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu toán học dưới sự bảo trợ của UNESCO tại Hà Nội, Việt Nam. Với sự quan tâm và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ KH&CN, tôi tin rằng nền KH&CN của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.

Tôi kỳ vọng, những nghiên cứu khoa học và ĐMST sẽ ngày càng bám sát vào thực tiễn cuộc sống và sản xuất để giải quyết được ngày càng nhiều nhu cầu phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Hiện nay, Việt Nam đang có bước phát triển nhanh trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa xã hội. Tôi tin rằng KH,CN&ĐMST sẽ có đóng góp nhiều hơn nữa trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam.

 

PGS.TS. Phạm Tiến Sơn - Trường Đại học Đà Lạt: Cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa với các nhà khoa học trẻ

Sự ra đời của Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) đã đem đến một luồng không khí mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản, và đối với ngành Toán thì Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), với mô hình hoạt động chuẩn mực quốc tế đã hỗ trợ được rất lớn cho các nhà khoa học – giảng viên tại các trường đại học. Trong khi kinh phí dành cho hoạt động khoa học ở các trường đại học nói chung còn rất khiêm tốn thì đây là một hình thức hỗ trợ hết sức hiệu quả. Mặt khác, cần phải thừa nhận rằng do kinh phí hoạt động khá hạn chế, cả Quỹ NAFOSTED và cả Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đều chỉ có thể có mức tài trợ cho các nhóm nghiên cứu vừa phải, số lượng được xét duyệt không cao. Vì thế, cơ hội dành cho các nhà khoa học đã thành danh sẽ nhiều hơn, và các nhóm nghiên cứu trẻ, dù có nhiều tiềm năng, sẽ ít được chú ý hơn. Đối với các nhà khoa học trẻ, chúng ta cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa.

 

TS. Dương Tuấn Hưng - Trưởng phòng Hoá môi trường, Viện Hoá học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam: Hạnh phúc khi chứng kiến nhiều thành tựu KH&CN ý nghĩa

Tôi rất vui mừng và tự hào vì trong những năm qua Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 được ghi nhận và đề cập với không khí hào hứng, nhiều sự kiện, thông tin trao đổi liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp của chúng tôi. Điều đó cho thấy sự trân trọng và nhận thức đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Xã hội đối với vai trò của KH&CN trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Đồng thời, Ngày 18/5 cũng là dịp để nhìn nhận về những đóng góp của mình, đóng góp của tất cả những cá nhân, tổ chức đối với sự nghiệp KH&CN của quốc gia. Tôi vô cùng hạnh phúc chứng kiến nhiều thành tựu ý nghĩa, thiết thực của KH&CN đặc biệt trong bối cảnh cả nước, toàn hệ thống chính trị quyết tâm, dốc sức phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo mục tiêu kép mà Đảng, Chính phủ đã đề ra.

 

TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu - Trường Đại học Tôn Đức Thắng: Tăng cường năng lực KH&CN mở ra những cơ hội mới cho đất nước

Theo thời gian, các cơ chế chính sách KH&CN đã được cải thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học, kích thích hoạt động ĐMST. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của Bộ KH&CN cũng như sự ủng hộ của xã hội đối với sự phát triển KH&CN nước nhà.

Tôi hy vọng, với những thành tựu KH&CN trong thời gian qua không những giúp giải quyết các vấn đề dân sinh, phát triển kinh tế xã hội, mà còn giúp tăng cường tiềm lực quốc phòng, đảm bảo an ninh quốc gia. Đồng thời, tăng cường năng lực KH&CN và mở ra những cơ hội mới cho đất nước trước xu thế hội nhập./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1371

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)