Tham dự hội thảo có các chuyên gia của IAEA, EC và các đại biểu là đại diện các nước khu vực Đông Nam Á: Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Mi-a-ma, Lào, Campuchia, Phi-líp-pin và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Vương Hữu Tấn nhấn mạnh an ninh hạt nhân là mối quan tâm chung hiện nay của cộng đồng quốc tế trong đó có Việt Nam. Cục trưởng cũng nhấn mạnh đến cam kết của Việt Nam được khẳng định tại các Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân cũng như hành động của Việt Nam nhằm tăng cường an ninh hạt nhân. Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với IAEA cũng như các nước như Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc trong lĩnh vực an ninh hạt nhân. Một dự án quốc gia về an ninh hạt nhân đã được Chính phủ phê duyệt năm 2010 với các nội dung chính như cải thiện hạ tầng an ninh hạt nhân, phát triển nguồn nhân lực, ngăn chặn buôn bán trái phép, các biện pháp an ninh cho NMĐHN. Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp (INSSP) của IAEA cho Việt Nam đã được triển khai từ năm 2011 và cập nhật năm 2014. Cục trưởng cho biết thêm, là cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia, Cục ATBXHN có kế hoạch thành lập một Trung tâm xuất sắc về an ninh và thanh sát hạt nhân để hỗ trợ cho các hoạt động an ninh hạt nhân tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Kamel Abbas, chuyên gia EC cho biết sáng kiến Trung tâm CBRN nhằm hỗ trợ cho chính sách CBRN, tăng cường năng lực đối với việc giảm thiểu nguy cơ CBRN ở cấp vùng và quốc gia, hỗ trợ năng lực ứng phó với các thách thức CBRN. Hiện một mạng lưới với các đầu mối quốc gia từ 30 nước và 250 nhóm CBRN quốc gia đã được thiết lập. Dự án 28 của Trung tâm CBRN về an ninh nguồn phóng xạ nhằm hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á phát triển một hệ thống an ninh quốc gia tích hợp đối với vật liệu phóng xạ và hạt nhân.
Mục đích của Hội thảo nhằm nâng cao hiểu biết về các yếu tố cần thiết để ứng phó với các hành động phạm tội hoặc không được phép liên quan đến vật liệu hạt nhân hoặc chất phóng xạ khác và nhấn mạnh sự cần thiết cải thiện năng lực ứng phó với các sự kiện an ninh hạt nhân.
Trong 4 ngày, qua các bài trình bày, bài tập thực hành, thảo luận nhóm, nghiên cứu trường hợp, Hội thảo sẽ đề cập, trao đổi và thảo luận về các nội dung: hoạt động được phép và không được phép liên quan đến vật liệu hạt nhân, các khái niệm cơ bản về bức xạ và bảo vệ bức xạ, phát hiện, ngăn chặn và ứng phó với các sự kiện an ninh hạt nhân, năng lực ứng phó an ninh hạt nhân, giám định pháp y hạt nhân...