Thứ sáu, 28/03/2014 08:54 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba

Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân đã diễn ra trong một ngày rưỡi, từ chiều ngày 24/3 đến hết ngày 25/3/2014, tại La Hay - Hà Lan. Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao của 53 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế là Cơ quan năng lượng nguyên tử...

Bài phát biểu của Thủ tướng tại Phiên toàn thể sáng ngày 25/3/2014 đã nêu rõ những đóng góp của Việt Nam vào sự thành công của Hội nghị. Cụ thể là Việt Nam đã từng bước xây dựng hệ thống pháp luật về an ninh hạt nhân, bảo đảm kiểm soát các nguồn phóng xạ, đào tạo đội ngũ cán bộ và xây dựng văn hóa an ninh cho các cơ quan có liên quan, đồng thời tích cực tham gia các công cụ pháp lý và sáng kiến quốc tế có liên quan đến hạt nhân. Từ Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất năm 2010 và lần thứ hai năm 2012 đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư bổ sung (9/2012); gia nhập và phê chuẩn Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và Phần Sửa đổi (10/2012); hợp tác với IAEA, Liên bang Nga và Hoa Kỳ hoàn thành việc chuyển trả toàn bộ số nhiên liệu uran có độ làm giàu cao đã qua sử dụng về Liên bang Nga, kết thúc thành công chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt (7/2013); gia nhập Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ (10/2013).

Hội nghị lần này được cho là rất thành công với việc các Nhà lãnh đạo cùng cam kết ngăn chặn những kẻ khủng bố lấy được vật liệu hạt nhân có thể sử dụng làm vũ khí hạt nhân. Thông cáo chung của Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần này đưa thêm nhiều cam kết mới, bao gồm:

- Giảm lượng vật liệu hạt nhân nguy hiểm mà khủng bố có thể sử dụng làm vũ khí hạt nhân (urani có độ làm giàu cao và plutoni).
- Cải thiện an ninh đối với vật liệu phóng xạ (bao gồm cả urani có độ làm giàu thấp) có thể sử dụng làm bom bẩn.
- Tất cả các quốc gia tham gia Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân sẽ thực hiện theo các hướng dẫn của IAEA về an ninh hạt nhân. Đặc biệt, 35 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cam kết đưa các hướng dẫn này vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong nước.
- Giám định hạt nhân là một công cụ quan trọng trong đấu tranh chống lại việc sử dụng vật liệu hạt nhân bất hợp pháp vì có thể xác định được nguồn gốc của vật liệu hạt nhân cũng như đường di chuyển của vật liệu hạt nhân.
- Tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác quốc tế. Sự tin tưởng lẫn nhau sẽ cho phép hợp tác hiệu quả hơn và dễ dàng đánh giá liệu vật liệu hạt nhân trên toàn thế giới có được bảo đảm an ninh hay không.
- Các quốc gia tham gia cũng đã đặt cơ sở cho một cấu trúc an ninh hạt nhân hiệu quả và bền vững, bao gồm các điều ước quốc tế, các hướng dẫn và các tổ chức quốc tế, trong đó IAEA đóng vai trò quan trọng.
- Liên quan đến việc sử dụng vật liệu hạt nhân trong các ngành công nghiệp, Hội nghị xác định, chính phủ và các ngành công nghiệp cần hợp tác chặt chẽ. Việc bảo đảm an ninh cho vật liệu hạt nhân phải được điều chỉnh bằng pháp luật, nhưng cũng không để ảnh hưởng đến hoạt động của các ngành công nghiệp một cách không cần thiết.

Tham dự Hội nghị lần này, Việt Nam tiếp tục tham gia 06 sáng kiến đa phương tự nguyện, đó là các sáng kiến về: Tăng cường an ninh của chuỗi cung ứng đường biển, Bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, Tăng cường thực hiện an ninh hạt nhân, Tuyên bố chung về loại bỏ urani có độ làm giàu cao, Tuyên bố chung an ninh mở rộng, Tuyên bố chung về các Trung tâm đào tạo và hỗ trợ an ninh hạt nhân.

Về tương lai của Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân, các Nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị tiếp theo tại Hoa Kỳ vào năm 2016.

Lượt xem: 915

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)