Tham dự hội thảo, có các đồng chí: Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN; Phùng Bảo Thạch - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ KH&CN); Vũ Văn Khiêm - Cục trưởng, Phạm Ngọc Minh - Phó Cục trưởng và Lãnh đạo Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN; Ông Park Jun Ho- Trưởng Văn phòng đại diện Viện Công nghiệp Công nghệ Hàn quốc (KITECH) tại Việt Nam; Giáo sư Anthony John Peacock - Giám đốc điều hành Hiệp hội các Trung tâm hợp tác nghiên cứu Cộng hòa Úc (CRC); Tiến sĩ Hamish Robin Hawthorn - Giám đốc điều hành của Chương trình ATP Innovation tại Sydney (GS Đại học công nghệ Sydney và Đại học quốc gia Australia) và hơn 100 đại biểu là Lãnh đạo các đơn vị đến từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, viện, trường đại học tại các tỉnh thành phía Nam.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, KH&CN là công cụ hữu hiệu để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp(DN). Vì vậy, những bài học kinh nghiệm về hoạt động KH&CN của các trường đại học, viện nghiên cứu của Hàn Quốc, Australia, Việt Nam không chỉ phục vụ cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) mà còn đóng góp cho viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các cơ chế chính sách, các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN phục vụ sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.
Ông Park Jun Ho - Trưởng Văn phòng đại diện KITECH tại Việt Nam chia sẻ, cách đây 40 năm, Hàn Quốc cũng đã rất khó khăn để tìm cho mình hướng đi trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Do có sự đầu tư đúng hướng của Chính phủ, ý thức của các DN nên hiện nay Hàn Quốc được đánh giá là một trong những nước hàng đầu của thế giới về hoạt động R&D.Với phần trình bày của ông Park, KITECH hiện đang thực hiện 13 dự án hướng dẫn hỗ trợ DNVVN. Trong những dự án này, một số được thực hiện từ việc hỗ trợ của ngân sách nhà nước (50 – 100%), một số do Viện tự huy động. Doanh nghiệp cũng phải chịu những chi phí liên quan từ 25 – 50% tùy theo từng lĩnh vực. Một số dự án Việt Nam có thể học tập làm theo bởi chi phí không lớn nhưng mang lại hiệu quả cao như: xây dựng phòng thí nghiệm theo mô hình phát triển; cử nhân lực đến doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ Trung tâm khởi nghiệp,... Ông Park Jun Ho cho biết thêm, các kỹ sư, tiến sĩ của Viện sẽ đến trực tiếp để giúp các DN tìm hiểu nguyên nhân và tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Ông Park Jun Ho khẳng định, về lâu dài, nếu chỉ trông chờ vào đầu tư của Chính phủ thì sẽ tạo sự ỷ lại và khó tạo động lực cho DN phát triển hoạt động R&D. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, bản thân các DN phải coi R&D là một trong những mục tiêu phát triển của chính mình.
Giáo sư Anthony John Peacock cho biết, ngay từ những năm 1990, chính phủ đã thành lập Chương trình các Trung tâm hợp tác nghiên cứu (CRC) với mục đích kết nối ngành công nghiệp và các nhà nghiên cứu với nhau để cùng hợp tác, giải quyết những thách thức trong nghiên cứu KH&CN. Theo đó, hoạt động của CRC được quản lý bởi một Ban giám đốc và chính phủ sẽ theo dõi tiến độ thông qua các báo cáo hằng năm. Chính phủ Australia quan tâm đến việc hỗ trợ cho các DNVVN và có những chính sách ưu tiên để ươm tạo các DN công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN sâu rộng hơn nữa trong cả nước. Ông khuyến nghị nên có một chính sách ổn định và xuyên suốt- đây là một điều tất yếu cho sự phát triển DN.
Tiến sĩ Hamish Hawthorn (ĐH Sydney) chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng một chương trình ươm tạo thành công, thì việc liên kết giữa các vườn ươm và các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng để tạo ra giá trị cho cả hai bên. Theo ông, cần phải sàng lọc những doanh nghiệp có chất lượng để ươm tạo nhằm hạn chế những rủi ro về mặt thời gian và tài chính. Đối với mỗi doanh nghiệp khác nhau thì cần những yêu cầu khác nhau (tư vấn, cơ sở hạ tầng). Vì vậy cần phải điều chỉnh các chương trình ươm tạo cho phù hợp với nhu cầu luôn thay đổi của doanh nghiệp. Tại Khu công nghệ Đổi mới Australia ở Sydney, bên cạnh việc nhận nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các DN, còn có đầy đủ cơ sở hạ tầng để cho DN thuê nhằm sản xuất thử. Khu công nghệ này thực sự là một vườn ươm công nghệ mà ở đó, các công ty với quy mô nhỏ sẽ được hỗ trợ ươm tạo từ 5-8 năm đối với lĩnh vực khoa học sự sống, và từ 3-6 năm đối với lĩnh vực phần mềm.
Tham gia trình bày về hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, PSG.TS. Huỳnh Quyền cho biết, quan điểm của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh khi hợp tác với doanh nghiệp là phải thực hiện “4 cùng”: sáng tạo, đầu tư, thực hiện và chia sẻ lợi nhuận và rủi ro trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với thực trạng hiện nay của doanh nghiệp còn non trẻ tại Việt Nam. Từ đó, hoạt động hợp tác với doanh nghiệp được kết nối, xúc tác bởi các đơn vị chuyên nghiệp như Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, phòng khoa học công nghệ,... Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng một mô hình chuyển giao công nghệ hiện đại, hoàn toàn mới ở Việt Nam, trong đó lấy doanh nghiệp và thị trường khoa học và công nghệ làm chủ đạo.
Tại Hội thảo, các đại biểu trong và ngoài nước cùng nhau thảo luận, chia sẻ những thành công và bài học kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, ươm tạo, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất - kinh doanh của các DNVVN.
Kết luận hội thảo, thay mặt Ban Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cảm ơn các nhà khoa học, các đại biểu đã đến tham dự, báo cáo và thảo luận tại hội thảo và cho rằng hội thảo đã chia sẻ những thông tin hết sức bổ ích, thiết thực giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, cơ quan quản lý.Thứ trưởng mong rằng cần hơn nữa những hội thảo, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm phục vụ phát triển DNVVN hiệu quả trong thời gian tới.
Một số hình ảnh Hội thảo: