Thứ bảy, 12/09/2015 20:06 GMT+7

Nguyễn Bá Hải: Nhà khoa học nhiều đam mê và không ngại mạo hiểm

Xuất thân trong một gia đình thuần nông nhưng chàng thanh niên Nguyễn Bá Hải của thế hệ 8X đã biết vượt lên những khó khăn của cuộc sống. Với hiệt huyết của tuổi trẻ, với niềm đam mê, dấn thân và sự sáng tạo của người làm khoa học, Hải đã gặt hái khá...


Nguyễn Bá Hải nhận giải thưởng “10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014”


TS. Nguyễn Bá Hải hiện là giảng viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu trọng điểm Robot sinh học (Biorobotics Lab) và Giám đốc Trung tâm Dạy học số của trường. Có lẽ thành tích đầu tiên đến với Hải là vị trí “á khoa” khi thi vào Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 2002 rồi bốn năm sau là “thủ khoa” chuyên ngành ô tô khi tốt nghiệp ra trường. “Em có phải là người may mắn?” – “Không ạ, em thất bại và gặp khó khăn nhiều, nhưng có lẽ niềm đam mê nghiên cứu và sự dấn thân cho đam mê ấy đã giúp em có được kết quả khiêm tốn như ngày hôm nay”.

Hải cho rằng, điều cần thiết đối với một nhà khoa học là niềm đam mê nghiên cứu và không ngại mạo hiểm, không ngại khó khăn, biết chấp nhận thất bại.“Em hiểu được câu nói “thất bại là mẹ thành công”, bởi em thất bại cũng không ít, nhưng không hề nản lòng và biết rút kinh nghiệm sau những lần thất bại đó”. Có lẽ nhờ vậy mà Hải đã có những thành tích đáng nể như ngày hôm nay: trở thành tiến sĩ chuyên ngành robot sinh học khi mới 27 tuổi, hoàn thành 5 sáng chế quốc tế ở tuổi 28, 1 sáng chế tại Việt Nam, 6 công trình công bố quốc tế, 10 đề tài nghiên cứu trong nước và quốc tế. Trong các kết quả nghiên cứu quan trọng của Hải, có lẽ phải kể đến sản phẩm thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị, còn được gọi là “mắt thần”, máy pha cafe công nghệ Nhật – Việt – Ý, bộ thí nghiệm đa năng cho người học lập trình robot, robot sửa khuyết tật các đường cống.

“Mắt thần” từ khi ra đời đến nay vẫn là thiết bị hiện đại nhất ở Việt Nam hỗ trợ người khiếm thị. “Mắt thần” từng đoạt giải Nhân văn trong cuộc thi Robocon Techshow 2012, đoạt giải Nhất Nhà sáng chế Việt Nam trong tuần của Đài Truyền hình Việt Nam. Qua nhiều phiên bản, “mắt thần” từ cấu tạo phức tạp, trọng lượng ban đầu nặng tới 2 kg với giá 20 triệu đồng, đến nay chỉ như một chiếc kính thông thường. Chỉ cần đeo vào, người khiếm thị có thể yên tâm xác định được những vật cản ở xung quanh mình trong khoảng cách 120 cm từ người đeo. Hải đã sản xuất hơn 1.000 chiếc kính, trong đó 90% dùng để tặng cho những người mù nghèo khó như các bác thương bệnh binh, người hát rong, người bán vé số dạo, giáo viên khiếm thị dạy học tại nhà và đặc biệt là trẻ em. “Em thương các em nhỏ nhất vì các em sẽ phải sống trong bóng tối với một thời gian dài hơn những người khác. Em chỉ mong mình mang lại niềm vui cho các em, để các em có thêm sức lực và niềm tin vào cuộc sống” – Hải tâm sự. Sản phẩm “mắt thần” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế. Không bằng lòng với kết quả hiện có, Hải và các bạn vẫn không ngừng nghiên cứu với mục tiêu sẽ cho ra “mắt thần” phiên bản mới, với nhiều chức năng hơn như có tiếng nói thông báo, giúp người dùng xác định được màu sắc, bản đồ 3D…Gần đây, đã có một số người khiếm thị ở Mỹ, Đức, Phần Lan, Tây Ban Nha đã tin dùng “mắt thần” như một người bạn hỗ trợ cho việc đi lại an toàn và thuận lợi hơn.

Ngoài “mắt thần”, Nguyễn Bá Hải và các bạn trong nhóm còn nghiên cứu, chế tạo nhiều sản phẩm hữu dụng khác như bộ thí nghiệm đa năng cho người tự học lập trình và robot, Sản phẩm này do nhóm của Hải nghiên cứu và gia công, hiện bán khá chạy ở thành phố Hồ Chí Minh và gần đây được một số doanh nghiệp và trường học tin dùng, doanh thu cho bộ thí nghiệm nhỏ này lên đến hơn 500 triệu đồng. Các phiên bản liên tục được nâng cấp và hiện là phiên bản thứ 9, có nhiều tính năng hơn, giúp ích nhiều hơn cho doanh nghiệp nhờ cơ chế chống nhiễu. Các sản phẩm khác của nhóm như robot di động dùng trong xây dựng, robot có thể giám sát qua camera, tìm khuyết tật và phun keo công nghiệp để sửa đường ống bị vỡ… cũng đã được nhóm chuyển giao cho một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty CP Bốn phương. Đối với máy pha cà phê, bằng cách kết hợp công nghệ Nhật – Việt – Ý đã tạo nên thương hiệu cho cafe JAVI, nhóm đã cho ra đời sản phẩm đầu tiên sau hai năm nghiên cứu và nửa tỷ đồng chi phí. Ưu điểm của máy là mỗi lần pha sẽ cho 10 ly cà phê đậm đặc theo đúng sở thích của người Việt Nam, thời gian chỉ mất 10 phút. Cũng chính từ sản phẩm này, Hải và các bạn đã mở thêm chuỗi quán cà phê take-away mang tên JaviCafe, tạo thêm công ăn việc làm cho khoảng 10 người khó khăn trong xã hội.

Để có được những thành công ấy, Hải đã phải trải qua nhiều gian nan, thử thách. Khó ai có thể biết rằng, thầy giáo trẻ Nguyễn Bá Hải của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh hôm nay đã từng trải qua nhiều thời kỳ khó khăn của cuộc sống học sinh, sinh viên. Hải sinh ra ở một vùng quê thuần nông là huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình thuần nông: ông nội làm nghề mộc, bố mẹ làm ruộng, bản thân mình cũng giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa thời ấy, vừa học vừa lo chăn trâu nuôi bò.


Nguyễn Bá Hải tặng kính cho một người mù hát rong


Quyết tâm thi đậu vào Trường đại học Sư phạm kỹ thuật thành phồ Hồ Chí Minh của Hải rồi cũng thành sự thật, trở thành niềm vui vô bờ bến của cả gia đình. “Vô Sài Gòn học đại học, em thấy mọi người học tiếng Anh nhiều quá, nói tiếng Anh thạo quá nên em tìm cách học tiếng Anh” – Hải kể lại những ngày đâu “thoát ly” gia đình. Do thiếu tiền, em phải mày mò tự học, mượn sách vở của bạn bè. “Tính em thấy mình kém cái gì thì phải học cái ấy nên em rất chịu khó học tiếng Anh, cũng may là em thấy tiếng Anh không quá khó”. Vài năm sau đó, chính Hải lại là người thành lập câu lạc bộ tiếng Anh trong trường và giờ thì đang tham gia… giảng dạy môn tiếng Anh tại đây.

Bước chân vào trường đại học, Hải theo chuyên ngành kỹ thuật ô tô nhưng sau đó lại đam mê robot. Không có đồ dùng, thiết bị để nghiên cứu, Hải phải đi bán kính dạo kiếm thêm tiền. Say mê đọc sách nhưng cũng không có tiền mua sách, Hải lại đi bán sách dạo, “cũng chẳng đâu xa mà ngay tại cổng trường”. Sau bốn năm miệt mài sách vở, năm 2006, Hải tốt nghiệp ngành ô tô với vị trí “thủ khoa” của ngành và trúng truyển đợt tuyển dụng của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, trở thành cán bộ Khoa Cơ khí động lực.

Năm 2006, Hải lên đường đi học cao học rồi sau đó là tiến sĩ tại Trường đại học Công nghệ Hàn Quốc. Tại đây, em tham gia nhiều dự án, tự mày mò làm thí nghiệm và rồi đã làm ra được bộ thí nghiệm đơn giản với giá rẻ cho những người yêu kỹ thuật không có điều kiện tiếp cận các bộ thí nghiệm đắt tiền của các phòng thí nghiệm. Cũng từ sản phẩm này mà em đã viết được một cuốn sách có tên “Lập trình LabVIEW” ngay trong thời gian học cao học ở xứ sở kim chi, sau này được Nhà xuất bản quốc gia Hồ Chí Minh xuất bản. Cuốn sách đã được em tặng cho nhiều bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Từng trải qua thời gian khó khăn của người sinh viên, Hải vẫn duy trì việc tặng sách cho người khó khăn ham học kỹ thuật tại đường link https://goo.gl/gQEsRe .

Trở thành Thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật cơ khí năm 2008 rồi Tiến sĩ năm 2010, Hải tiếp tục thực hiện được ước mơ lớn của mình. Tại Hàn Quốc, em có 5 sáng chế được công nhận, đó là các sáng chế về hệ thống lái gián tiếp điện tử dựa trên cảm biến dòng điện, ghế thông minh cho ô tô, thiết bị tái tạo năng lượng cho ô tô, giao diện điều khiển phương tiện từ xa và giải pháp điều khiển giảm nhiễu tốc độ động cơ điện.


Bộ thí nghiệm đa năng, một sản phẩm “bán chạy” của Hải và các bạn trong nhóm


Ngẫm lại quá trình học tâp và nghiên cứu của mình, Hải cho rằng, nghiên cứu khoa học cần có sự đam mê và dấn thân vì đam mê đó, thích trải nghiệm cái mới, dám đương đầu và chấp nhận thất bại. Em tâm sự: “Khi đã có nơi đặt hàng, em và các bạn làm ngày làm đêm, quên cả ngày nghỉ, quên cả… gia đình. Khoa học để từ ý tưởng ra đến sản phẩm là không thể dừng lại. Nghiên cứu khoa học giống như hình cái phễu: số ý tưởng lên đến cả ngàn, số thí nghiệm thực hiện trong phòng thí nghiệm ở đơn vị hàng trăm nhưng kết quả thành công có lẽ chỉ ở mức hàng chục, còn số sản phẩm được chuyển giao có lẽ không quá 5, số sản phẩm sống lâu bền được trên thị trường có lẽ chỉ là 1, 2. Trong số hàng trăm đề tài em và các bạn trong nhóm đã làm, tính ra chỉ có “mắt thần”, bộ thí nghiệm đa năng và công nghệ pha cafe là có “sức sống” lâu bền hơn cả”.

Nghiên cứu khoa học là vậy. Ở Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cũng có không ít những trường hợp như Nguyễn Bá Hải. Đa số các em đều trưởng thành từ các phong trào sáng tạo của trường, nhiều em đang nắm các cương vị chủ chốt về nghiên cứu và phát triển sản phẩm ngoài doanh nghiệp. Nhận xét về Nguyễn Bá Hải, PGS.TS.Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: “Niềm đam mê nghiên cứu khoa học không phải tự nhiên có trong mỗi con người mà hình thành nhờ môi trường sống và làm việc. Trong trường hợp của Bá Hải hội tụ cả hai yếu tố trên. Xuất phát từ một miền nghèo khó của đất nước là Đông Sơn (Thanh Hóa), trong những năm đầu, để có thể tồn tại và học tập ở thành phố, Hải phải năng động, làm đủ nghề để kiếm sống và phục vụ việc học tập. Cũng nhờ môi trường học tập trong nhà trường, từ những sân chơi sáng tạo cho sinh viên như Robocon (Hải từng là đội trưởng), thi dancing robot, xe tiết kiệm nhiên liệu, xe năng lượng mặt trời… mà ngọn lửa đam mê nghiên cứu trong Hải và các bạn trẻ khác đã không ngừng được hun đúc”.

Dám dấn thân, không ngại mạo hiểm, làm việc hết mình, lan tỏa tình yêu thương, biết hy sinh bản thân trước những thú vui chơi là những gì mà Nguyễn Bá Hải nói về bản thân và những đồng nghiệp của mình. Chúc em và các bạn sẽ luôn thành công trên con đường khoa học và mong rằng, Việt Nam sẽ có nhiều hơn nữa những thanh niên như Hải - những người chủ tương lai của đất nước./.

Lượt xem: 1619

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)