Thứ sáu, 25/12/2015 09:10 GMT+7

Phát huy giá trị lịch sử truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở thành phố Hải Phòng

Sáng 23/12/2015, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hải Phòng tổ chức Tọa đàm khoa học “Phát huy giá trị lịch sử truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở thành phố Hải Phòng”. Tại Buổi tọa đàm, đại diện các sở, ban,...

Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm

Các ý kiến bàn luận tại tọa đàm cho thấy, Hải Phòng là thành phố có bề dày truyền thống lịch sử. Những truyền thống ấy được ghi dấu trong những di tích lịch sử, những di chỉ khảo cổ và lưu lại trong ký ức người dân thành phố thông qua tên gọi các nhân vật và những sự kiện lịch sử. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố diễn ra nhanh chóng, tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát huy các giá trị lịch sử truyền thống của thành phố. Để giữ gìn, phát huy các giá trị này, nhiều năm qua, thành phố và các quận, huyện đã tiến hành khôi phục, tổ chức nhiều lễ hội gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu như: Lễ hội kỷ niệm nữ tướng Lê Chân với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Lễ hội kỷ niệm vua Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Các lễ hội gắn với chiến thắng Bạch Đằng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 3 năm 1288,… Bên cạnh đó, việc bảo lưu các địa danh cổ, những sự kiện, nhân vật lịch sử, những di tích lịch sử - văn hóa cũng được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố dành sự quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.

Bên cạnh đó, việc định hướng khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị này thông qua việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích, phục hồi và phát triển các lễ hội truyền thống đã được nhiều địa phương quan tâm. Nhờ đó, góp phần quan trọng phát triển du lịch, và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, và thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới của thành phố. Tuy vậy, thực tế cho thấy, vẫn còn có những địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Bên cạnh đó, tại các trường học, hoạt động truyên truyền, giáo dục các giá trị này cho học sinh phổ thông cũng được chú trọng. Thay vì giảng lý thuyết suông như trước kia, giáo viên tại một số trường đã đổi mới phương thức giảng dạy môn lịch sử bằng cách cho học sinh tham quan, du lịch tới những địa danh lịch sử của thành phố như: Thành nhà Mạc, Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đền Nghè, tham quan bảo tàng thành phố,… Qua đó, học sinh được quan sát và tìm hiểu những nét đẹp về văn hóa, lịch sử của từng địa danh và cảm thấy hứng thú hơn với môn học… Để học sinh tất cả các trường được học theo hình thức thực tế cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cá nhân, tổ chức và đặc biệt là sự quan tâm của nhà trường và tâm huyết của các thầy cô. Nếu hình thức học thực tế được nhân rộng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tuyên truyền, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống cho các em học sinh.

Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của thành phố, các đại biểu đề xuất thành phố dành sự quan tâm và tạo mọi điều kiện phát huy giá trị lịch sử truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.

Lượt xem: 1322

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)