Thứ ba, 13/10/2015 13:25 GMT+7

Cục An toàn bức xạ và hạt nhân làm việc với chuyên gia IAEA về việc thực hiện thanh sát trong giai đoạn tiếp theo

Ngày 12-14/10/2015, tại Trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ đã diễn ra đợt làm việc giữa Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) và Đoàn chuyên gia thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để thảo luận thực hiện thanh sát trong giai đoạn...

Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn chuyên gia của IAEA đã được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh tiếp và nghe báo cáo. Thứ Trưởng nhấn mạnh vai trò của IAEA trong việc giúp đỡ Việt Nam đạt được “Kết luận mở rộng” đồng thời nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc sử dụng vật liệu hạt nhân vì mục đích hoà bình và đề nghị IAEA tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tham dự đợt làm việc, về phía Cục ATBXHN, có PGS. TS Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục ATBXHN; Tiến sĩ Nguyễn Nữ Hoài Vi, Trưởng phòng An ninh và Thanh sát hạt nhân và các cán bộ liên quan. Về phía IAEA có ông R. Zarucki, Trưởng Bộ phận thanh sát OA3 và bà S. Abd Elrahman, chuyên gia thanh sát phụ trách Việt Nam.

Việt Nam đã thực hiện Hiệp định Thanh sát với IAEA từ năm 1989 và Nghị định thư bổ sung từ năm 2012. Tháng 5/2015, IAEA đã có “Kết luận mở rộng” về hoạt động hạt nhân tại Việt Nam.

Theo Hiệp định Thanh sát, IAEA thực hiện thanh sát đối với Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt một năm một lần. Riêng đối với các cơ sở có lượng nhỏ vật liệu hạt nhân như Viện Công nghệ Xạ Hiếm, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, IAEA thực hiện thanh sát 4 năm một lần. Ngoài việc thanh sát của IAEA, hàng năm Việt Nam phải gửi báo cáo kế toán vật liệu hạt nhân cho IAEA theo mẫu quy định (khoảng 6 báo cáo một năm).

Từ tháng 9/2012, sau khi Nghị định thư bổ sung được phê chuẩn, hàng năm Việt Nam phải gửi các khai báo theo yêu cầu của Nghị định thư và chuyên gia thanh sát của IAEA vào thực hiện tiếp cận bổ sung (chỉ được báo trước 24 tiếng). Tính đến nay, Việt Nam đã nộp 52 khai báo cho IAEA và tiếp nhận thành công 08 tiếp cận bổ sung.

IAEA thực hiện thanh sát hạt nhân đối với khoảng 180 quốc gia trên thế giới. Hàng năm, trên cơ sở thực hiện thanh sát tại chỗ, tiếp nhận các báo cáo kế toán vật liệu hạt nhân theo Hiệp định Thanh sát cũng như khai báo theo Nghị định thư bổ sung và thu thập thông tin từ các nguồn công khai, IAEA thực hiện đánh giá về chương trình hạt nhân của từng quốc gia, lập thành Báo cáo thực hiện thanh sát trình lên Hội đồng Thống đốc IAEA (thường là vào tháng 5 hàng năm).

Đối với Việt Nam, với sự chuẩn bị chu đáo của Cục ATBXHN trong giai đoạn chuẩn bị phê chuẩn Nghị định thư bổ sung cũng như nỗ lực của Cục và sự hợp tác chặt chẽ của các cơ sở chịu thanh sát trong nước trong quá trình thực hiện, chỉ sau 2 năm thực hiện Nghị định thư bổ sung, tháng 05/2015, IAEA đã trình Hội đồng Thống đốc về việc IAEA đã đạt được “Kết luận mở rộng” đối với Việt Nam, theo đó không có vật liệu hạt nhân, hoạt động hạt nhân nào của Việt Nam không được khai báo. Nói một cách khác, tất cả vật liệu hạt nhân, hoạt động hạt nhân của Việt Nam đã được khai báo. Với kết luận như vậy, IAEA sẽ thực hiện cách tiếp cận tổng quát về thanh sát đối với Việt Nam, trong đó IAEA sẽ đánh giá một cách tổng hợp về các hoạt động hạt nhân, vật liệu hạt nhân của Việt Nam.

Đây là một bước tiến lớn của Việt Nam trong lĩnh vực thanh sát hạt nhân, thể hiện sự minh bạch trong các hoạt động hạt nhân, và do đó củng cố sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình điện hạt nhân của nước ta./.

Lượt xem: 1100

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)