Thứ ba, 29/10/2013 13:44 GMT+7

Hội thảo về Tăng cường hội nhập công nghệ Quốc tế góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong ngành Nông nghiệp Việt Nam

Nhằm tăng cường hội nhập Quốc tế góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong ngành nông nghiệp Việt Nam, vừa qua Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hội nhập Khoa học và Công nghệ Quốc tế; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (KHNNVN) - một đơn vị đầu ngành...


TS. Mai Hà - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ KH&CN phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/10/2013 tại Sở KH&CN tỉnh Hải Dương. Tham dự Hội thảo về phía các cơ quan quản lý Trung ương có: ông Mai Hà - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, bà Lê Kim Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương. Về phía khách Quốc tế có: TS. Rod Lefroy - Giám đốc vùng Châu Á của Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) và các cộng sự, TS. SeoungHee Lee - Chuyên gia cao cấp của Tổng cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế của Hàn Quốc tại Việt Nam và các cộng sự, TS. Nguyễn Quốc Vọng - Giáo sư trường Đại Học RMIT(Austraslia) - Phó tư vấn trưởng Dự án Nâng cao chất lượng an toàn nông sản và phát triển khí sinh học do Bộ NN&PTNT chủ trì, TS. Dong Kong Lee - Chuyên gia tư vấn của Tổng cục phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc. Về phía đơn vị tổ chức có Viện KHNNVN/ viện Cây lương thực và Cây thực phẩm; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN Quốc tế; Sở KH&CN Hải Dương. Về phía các cơ quan quản lý ở địa phương có sự tham gia của lãnh đạo các Sở KH&CN của các tỉnh như: Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình...


TS. Nguyễn Quốc Vọng - Giáo sư trường Đại Học RMIT chia sẻ kinh nghiệm từ Australia về Chính sách thúc đẩy KH&CN để nâng cao tính cạnh tranh trong nông nghiệp

Tham luận của các chuyên gia tại Hội thảo đã tập trung phân tích những thành tựu đạt được của ngành Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, với những nét chính như: nông nghiệp đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong hai thập kỷ qua, chủ yếu là các ngành sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản đều có tốc độ phát triển đáng kể. Thành tựu nổi bật nhất vẫn là sản xuất lúa gạo, sản lượng lúa gạo tăng theo hàng năm, đỉnh cao là năm 2012 đạt 8,1 triệu tấn với kim ngạch 3,7 tỷ USD. Tiếp đó là kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã phát triển vượt bậc. Đã có những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như cao su, cà phê, gạo, sắn… Nông nghiệp góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống nhân dân, thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn, ổn định chính trị, an sinh xã hội.
Có được những thành tựu kể trên là nhờ Đảng và Nhà nước đã đổi mới chính sách (điển hình là CT 100 của Ban Bí thư Trung ương, Khóa IV, tháng 1-1981 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Khóa VI về Nông nghiệp ngày 5-4-1988). Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng đã có sự đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư cho thủy lợi (diện tích gieo trồng lúa năm 1986 là 5,70 triệu ha, đến năm 2000 đã đạt 7,66 triệu ha). Nguyên nhân thành công thứ ba phải kể đến đó là chúng ta đã áp dụng được các tiến bộ KH&CN vào nền nông nghiệp nước nhà, trong đó có công nghệ hợp tác Quốc tế, nhập khẩu (đặc biệt là các loại giống mới). Đóng góp trong thành công chung đó còn có sự chịu khó, cần cù và thông minh của nhân dân lao động.


Toàn cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công được nêu ra, các tham luận cũng chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại, nổi cộm cần tích cực khắc phục và đẩy mạnh trong thời gian tới như: tập trung đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng một số trung tâm xuất sắc, trước mắt là công nghệ sinh học và biến đổi khí hậu; đầu tư ngân sách cho các dự án song phương và đa phương trên cơ sở chia sẻ kinh phí; đầu tư ngân sách để Việt Nam là thành viên chính thức của một số tổ chức nghiên cứu Quốc tế có uy tín, để chuyên gia Việt Nam tham gia các Màng lưới nghiên cứu Quốc tế và làm việc tại các trung tâm này; mời chuyên gia Quốc tế và Việt kiều trong một số lĩnh vực ưu tiên đến Việt Nam nghiên cứu và giảng dạy tại các Trung tâm xuất sắc; đẩy mạnh xây dựng các phòng thí nghiệm hỗn hợp; nhập khẩu công nghệ và tài liệu công nghệ; tăng cường điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam tham dự các Hội thảo Quốc tế; Ưu tiên nghiên cứu về chiến lược, chính sách của các nước có chung sản phẩm xuất nhập khẩu với Việt Nam; tăng cường nghiên cứu, đổi mới mô hình tổ chức, quản lý để phát huy nội lực, tiềm lực tốt nhất có thể được...
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu và khách mời tham gia đã được ban tổ chức đưa đi thăm một số mô hình trình diễn tiêu biểu như: mô hình ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất một số loại rau, hoa, quả có giá trị kinh tế cao, mô hình duy trì phát triển cây ăn quả nhập nội quý hiếm và một số cây ăn quả đặc sản, mô hình phát triển rau quả công nghệ cao, đầu tư tối thiểu, hiệu quả kinh tế tại Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Lượt xem: 1066

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)