Tại Hội nghị AMMST-16, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN đã tập trung thảo luận các vấn đề nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới trong khu vực ASEAN, hướng tới hình thành Cộng đồng chung ASEAN từ sau năm 2015.
Các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua Dự thảo Chương trình hành động Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN giai đoạn 2016-2025 (APASTI), trong đó có các nội dung về tầm nhìn, mục tiêu hoạt động, các nhiệm vụ chiến lược APASTI, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban KH&CN ASEAN (COST). Đây là văn kiện mang tính định hướng quan trọng cho hoạt động của Cộng đồng khoa học ASEAN trong giai đoạn 10 sắp năm tới, khi mà Cộng đồng chung ASEAN đã được hình thành.
Phát biểu tại Hội nghị AMMST-16, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã khẳng định việc triển khai thực hiện APASTI giai đoạn 2016-2025, vận hành Quỹ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN (ASTIF), hoạt động của các Tiểu ban thuộc COST, và hợp tác với các đối tác đối thoại của ASEAN cần phải tương thích với nội dung, định hướng trong các văn kiện của Cộng đồng chung ASEAN từ sau năm 2015. Trong đó, Bộ trưởng cho rằng các nước ASEAN cần sớm cùng nhau xây dựng Kế hoạch triển khai APASTI khả thi và hiệu quả, sớm hoàn thiện Quy chế hoạt động của Ban Tư vấn COST (BAC); và ủng hộ các sáng kiến của ASEAN COST về việc thúc đẩy Mạng lưới cơ quan pháp quy hạt nhân ASEAN (ASEANTOM), Nhóm Công tác kỹ thuật ASEAN về nhà máy điện hạt nhân (TWG-TPP), Nhóm đặc trách ASEAN về cảnh báo sóng thần sớm (TTF-TW).
Trước khi Hội nghị AMMST-16 khai mạc, trong khuôn khổ hợp tác của Ủy ban KH&CN ASEAN, đã diễn ra các cuộc họp: (i) Hội nghị Ủy ban KH&CN ASEAN lần thứ 70 (COST-70); (ii) Cuộc họp Cơ quan tư vấn Kế hoạch hành động ASEAN về KH&CN (ABAPAST-27); (iii) Cuộc họp Cơ quan tư vấn của Quỹ Khoa học ASEAN (ABASF-26); (iv) Cuộc họp Tiểu ban về cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn lực KH&CN (SCIRD-48).
Trong thời gian qua, thông qua cơ chế hợp tác ASEAN COST, hoạt động hợp tác nội khối ASEAN, và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác đối thoại về khoa học, công nghệ và đổi mới đã liên tục được tăng cường. Qua đó, góp phần thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập quốc tế về KH&CN của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.