Thứ năm, 12/06/2014 17:04 GMT+7

Bộ trưởng kiểm tra công tác khảo sát địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2

Để chuẩn bị cho công tác thẩm định an toàn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã dẫn đầu Đoàn công tác của Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia (ATHNQG) kiểm tra công tác khảo sát địa điểm dự...

Đoàn công tác đã làm việc với các nhà tư vấn Nhật Bản (JAPC), tư vấn Nga (E4) và Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung, kiểm tra thực địa tại một số khu vực khảo sát, kiểm tra kho lưu các mẫu lõi khoan và trao đổi về các yêu cầu khảo sát bổ sung cũng như công tác quản lý các nhà thầu của Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2, trong thời gian qua Tư vấn Nhật Bản đã nhiều lần tổ chức hội thảo, báo cáo trung gian. Đến nay về cơ bản không có thông tin gì mới ngoài việc đã đưa ra được dự thảo kế hoạch khảo sát bổ sung. Hội đồng đã xem xét và cho ý kiến về kế hoạch khảo sát bổ sung của Tư vấn JAPC, trong đó tập trung vào việc xác định tuổi của đứt gãy, nghiên cứu độ sâu và góc cắm của đứt gãy Đông Hòn Gió, bổ sung phương pháp đánh giá nguy hiểm động đất bằng phương pháp xác suất, làm rõ cơ sở tính toán rung động nền khi sử dụng tuổi của thềm biển 120.000-130.000 năm và biên độ cực đại của động đất M=9,4 được sử dụng để tính toán độ cao sóng thần. Vấn đề các đứt gãy ở địa điểm Ninh Thuận 2 và lân cận đã được trao đổi thảo luận gồm:
Đứt gãy Đông Hòn Gió: Tư vấn Nhật Bản đã xác định và được các chuyên gia Hội đồng đồng ý là có. Tuy nhiên, sự khác nhau là về quy mô đứt gãy cũng như các thông số sử dụng trong tính toán độ nguy hiểm động đất. Tư vấn Nhật Bản cũng đã chấp thuận khảo sát bổ sung về đứt gãy Đông Hòn Gió;
Đứt gãy pre-FS (hoặc đứt gãy Hòn Đeo): Tư vấn Nhật Bản đã khảo sát trên cơ sở một số dấu hiệu đã được các nhà địa chất Việt Nam xác nhận từ khi lập báo cáo tiền khả thi. Tư vấn Nhật Bản rất quan tâm đến khả năng có đứt gãy này vì nó cắt qua địa điểm, nếu khẳng định có biểu hiện hoạt động thì địa điểm có thể bị loại trừ. Tuy nhiên cho đến nay thì Tư vấn Nhật Bản đã phát biểu rằng đây đúng là một đứt gãy nhưng nó không hoạt động. Tuy nhiên vấn đề này cần được tiếp tục khảo sát bổ sung, đặc biệt là phân tích tuổi hoạt động của đứt gãy;
Đứt gãy Núi Bà Dương: Tư vấn Nhật Bản đã xác định trên cơ sở phân tích viễn thám và khảo sát thực địa. Dựa vào kết quả khảo sát địa chất thực địa Tư vấn Nhật Bản cho rằng đứt gãy này có khả năng hoạt động. Tuy nhiên, dựa vào kết quả nghiên cứu địa mạo các thềm biển cổ, Tư vấn Nhật Bản lại cho rằng đứt gãy này không có khả năng hoạt động. Tổng hợp hai tiêu chí, họ kết luận rằng đứt gãy này không có khả năng hoạt động. Tuy nhiên, các chuyên gia Hội đồng cho rằng cơ sở để đưa ra kết luận này chưa thuyết phục trong khi vị trí, quy mô của nó so với địa điểm cũng rất quan trọng (theo bản vẽ Tư vấn Nhật Bản cung cấp thì nó còn dài hơn và gần địa điểm hơn so với đứt gãy Đông Hòn Gió). Vì vậy chuyên gia Hội đồng cho rằng cần có các nghiên cứu bổ sung.

Đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, trong thời gian qua Tư vấn Nga, ngược lại, rất ít tổ chức hội thảo, báo cáo trung gian. Duy nhất có một hội thảo hồi tháng 7/2012 thì cũng chung chung và hầu như không đề cập đến vấn đề đứt gãy hoạt động. Đến nay Hội đồng cũng như các chuyên gia nắm được quá ít thông tin, trong khi Tư vấn Nga hầu như phủ nhận sự có mặt của đứt gãy tại địa điểm cũng như ở lân cận. Do địa điểm chủ yếu bị phủ bởi các trầm tích Đệ Tứ nên kết quả đo địa vật lý và khoan là rất quan trọng để trên cơ sở đó có thể nhận định về khả năng tồn tại các đới phá hủy, dập vỡ kiến tạo, đứt gãy. Tư vấn Nga cũng áp dụng 02 phương pháp đánh giá độ nguy hiểm động đất đối với địa điểm dự kiến. Trừ phương pháp thứ hai là rõ ràng và do các nhà khoa học Việt Nam thực hiện thì phương pháp thứ nhất (phương pháp kinh nghiệm Piotrovsky-Kaje), mặc dù theo Tư vấn Nga là phổ biến ở Nga nhưng dường như là khá mới mẻ không chỉ đối với các nhà khoa học Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Theo đó, trên cơ sở các đới địa động lực (geo-dynamic zone, có thể hiểu nôm na là các đứt gãy) đã được xác định, vùng nghiên cứu được chia ra các khối địa động lực (geo-dynamic block) và độ nguy hiểm động đất được gán (theo kinh nghiệm) cho từng khối này. Ở đây các chuyên gia Hội đồng thấy có một tồn tại, đó là tư vấn Nga chỉ dựa trên cơ sở phân tích viễn thám, và có thể là các tài liệu địa chất hiện có của Việt Nam, để vạch định ra các đới địa động lực, từ đó phân chia các khối địa động lực. Theo chuyên gia Hội đồng thì việc làm này chưa đủ cơ sở và cũng chưa rõ cơ sở khoa học của việc dẫn xuất từ các khối địa động lực này ra các thông số chỉ thị cho độ nguy hiểm động đất, mà theo Tư vấn Nga, là dựa trên kinh nghiệm. Các chuyên gia của Hội đồng cũng đã khuyến cáo cho tư vấn Nga về các nội dung khảo sát bổ sung.

Về vấn đề phối hợp giữa hai Tư vấn trong trao đổi và thống nhất các số liệu và kết quả khảo sát: Theo chuyên gia của Hội đồng thì các báo cáo trung gian đến nay cho thấy rõ là kết quả khảo sát địa điểm của hai Tư vấn là quá khác biệt và dường như là không thể chấp nhận được, đặc biệt là về những nội dung rất quan trọng như đứt gãy, độ nguy hiểm động đất - sóng thần, trong bối cảnh vùng công tác của hai Tư vấn có sự giao thoa và hai địa điểm ở khá gần nhau, gần như chắc chắn là có cùng chung một bối cảnh kiến tạo, đặc điểm địa chất và lịch sử phát triển địa chất. Tư vấn Nhật Bản thì hầu như tự thực hiện nhiệm vụ khảo sát, trong khi Tư vấn Nga thì lại thuê rất nhiều nhà thầu phụ của Việt Nam. Vấn đề là EVN hay Tư vấn Nga đã quản lý các nhà thầu phụ Việt Nam như thế nào để bảo đảm chất lượng các kết quả nghiên cứu khảo sát như năng lực nhà thầu, phương pháp khảo sát, quy trình bảo đảm chất lượng,… Đây là các vấn đề mà Hội đồng đã dành thời gian trao đổi với Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như các nhà tư vấn Nhật Bản và Nga.

Để hỗ trợ cho công tác thẩm định an toàn địa điểm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tạo điều kiện cho việc triển khai các đề tài nghiên cứu có liên quan trong 2 năm qua, trong đó có thiết lập các hệ thống quan trắc tại địa điểm. Việc duy trì hoạt động của hệ thống quan trắc sau khi kết thúc các đề tài nghiên cứu này đã được các chuyên gia của Hội đồng trao đổi, thảo luận và báo cáo Chủ tịch Hội đồng.

Kết thúc chương trình làm việc tại Ninh Thuận, Chủ tịch Hội đồng ATHNQG đã có phát biểu tổng kết, trong đó Chủ tịch đã đánh giá cao sự cố gắng của các nhà tư vấn Nhật Bản (JAPC) và Nga (E4) trong việc triển khai thực hiện các nghiên cứu, khảo sát địa điểm dự án xây dựng NMĐHN. Để hoàn thiện các nghiên cứu khảo sát của các tư vấn Nhật Bản và Nga, Chủ tịch Hội đồng đề nghị:
- Các nhà tư vấn Nhật Bản và Nga cần khẳng định trong báo cáo của mình các nội dung quan trọng sau: có hay không các đứt gãy ở khu vực của địa điểm, đứt gãy đó có hoạt động hay không, tuổi của các đứt gãy và phương pháp tính toán giao động nền PGA.
- Việt Nam sẽ sử dụng tư vấn quốc tế để thẩm định các báo cáo của tư vấn Nhật Bản và Nga. Để bảo đảm độ tin cậy của các báo cáo, đề nghị Tư vấn Nhật Bản và Nga cần thống nhất về số liệu và phương pháp đánh giá động đất.
- Để giúp cho các tư vấn có thể giải đáp cũng như đề xuất cụ thể kế hoạch khảo sát bổ sung, Chủ tịch Hội đồng cũng yêu cầu các chuyên gia của Hội đồng tổng hợp các vấn đề cần yêu cầu các nhà tư vấn làm rõ bằng văn bản gửi cho Văn phòng Hội đồng để chuyển cho EVN và tư vấn. Sau khi tư vấn hoàn thiện công tác chuẩn bị sẽ đề nghị EVN tổ chức để tư vấn Nhật Bản và Nga báo cáo với Hội đồng trước khi phía Việt Nam chính thức tổ chức thẩm định an toàn địa điểm.

Đối với việc triển khai nghiên cứu và quan trắc tiếp tại địa điểm của các chuyên gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu chủ nhiệm các đề tài khẩn trương hoàn thành thủ tục nghiệm thu và trên cơ sở đó có kiến nghị cụ thể về việc nghiên cứu tiếp cũng như tổ chức quan trắc tiếp về động đất, dịch chuyển GPS bảo đảm đủ chu kỳ theo quy định.

Lượt xem: 1270

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)