Thứ tư, 21/01/2015 07:35 GMT+7

Hội thảo Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn

Ngày 17/01/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn...

Tham dự hội thảo còn có ông Nguyễn Quân, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội; ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện các Bộ ngành khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; các Viện, trường có liên quan.


Chủ tịch UBMTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân thăm gian hàng tại Hội thảo


Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Trần Đức Viên, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định, thực tiễn đã chứng minh để tạo động lực cho sự phát triển cần phải đổi mới thông qua các chính sách đúng quy luật, hợp lòng dân. Đặc biệt là đổi mới về tổ chức, về chính sách và cơ chế quản lý. Trước những khủng hoảng về mô hình tổ chức sản xuất tập thể vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, sức sản xuất ngành nông nghiệp giảm sút, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 100/CT-TƯ (Khoán 10) chính thức quy định chủ trương thực hiện cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng tới nhóm và người lao động. Khoán 10 đã khơi dậy các tiềm năng to lớn ẩn dấu trong từng hộ gia đình nông dân, từ chỗ không thiết tha đến ruộng đất, nông dân đã có ý thức chăm sóc và sử dụng đất đai có hiệu quả cao. Nhờ đó, nông nghiệp ở nước ta phát triển mạnh mẽ, tạo được những thành tựu trong nhiều năm liền đáng tự hào, góp phần quan trọng cho việc phát triển nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, những năm gần đây khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với kinh tế thế giới thì ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và bất cập. Hội thảo “Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn” đã tập trung vào một số vấn đề chính như: Trao đổi thảo luận kết quả thực hiện những chính cho phát triển nông nghiệp nông thôn đang thực hiện, đề xuất những chính sách mới cần thiết cho quá trình tái cơ cấu; Thảo luận và kiến nghị các khía cạnh quy hoạch sản xuất và vùng chế biến sâu nông sản, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ; Đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch nguồn lực tích tụ tăng quy mô sản xuất nông nghiệp; Tìm ra cơ sở gắn kết người sản xuất và tiêu dùng trong chuỗi giá trị nông sản, thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển và thảo luận thực trạng sắp xếp lại các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp và đề xuất các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, con đường tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp Việt Nam không gì khác là cần phải tái cơ cấu dựa trên trụ cột chính là những chính sách hợp lý của Chính phủ, áp dụng công nghệ cao và doanh nghiệp sẽ là người giữ vai trò nhạc trưởng. Hai yếu tố này sẽ giữ vai trò quyết định nhất đưa nền nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi khó khăn.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại Hội thảo

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là việc làm không thể thiếu trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế xã hội. Trong tái cơ cấu nền nông nghiệp thì doanh nghiệp sẽ giữ vai trò quan trọng. Nhiều công ty đã thành công từ mô hình người nông dân sẽ góp vốn, trở thành cổ đông và cùng hưởng lợi ích. Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng giúp tái cơ cấu nền nông nghiệp thành công đó là sự đầu tư trở lại cho nghiên cứu khoa học của các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Các doanh nghiệp này trích một phần nhỏ cho nghiên cứu thì chắc chắn nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Cần đầu tư hiện đại hóa nền nông nghiệp từ khâu giống đến thị trường xuất khẩu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, vấn đề cần thiết để tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công là cần thay đổi đơn vị sản xuất. Nếu với nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì khó áp dụng công nghệ cao từ đó rất khó để có những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao và xuất khẩu. Mô hình liên kết sản xuất hợp tác xã hoặc giữa các hộ sản xuất và doanh nghiệp là phù hợp trong quá trình này.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ tái cơ cấu đầu vào và đầu ra của sản phẩm, tháo gỡ thế khó “2 gọng kìm” giúp nông dân; sản xuất nông nghiệp phải chủ động được về giống tốt, do đó cần xây dựng trung tâm giống, có sự liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu; thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp – nhà khoa học; doanh nghiệp – người nông dân, hợp tác xã – nông dân,… Bên cạnh đó cũng cần hình thành thị trường bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp; tái cơ cấu chi của nhà nước cho nông nghiệp. Thực hiện được những vấn đề này thì quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp sẽ thành công.

Lượt xem: 1382

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)