Thứ ba, 03/11/2015 09:26 GMT+7

Kỳ vọng vào sự chuyển mình khoa học và công nghệ Thủ đô

Được đánh giá là trung tâm chuyển giao công nghệ lớn nhất nước, sự kiện khánh thành Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ Hà Nội tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vừa qua cho thấy tầm nhìn và quyết tâm của Lãnh đạo thành phố...

Khu phức hợp liên thông về KH&CN lớn nhất cả nước

Ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, sự kiện khánh thành Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ Hà Nội tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xem như một dấu ấn quan trọng trong sự phát triển KH&CN của Thủ đô.

Để có được tầm vóc như ngày hôm nay, phải ghi nhận quá trình chuẩn bị và được sự quan tâm giúp đỡ của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND Thành phố Hà Nội, sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Bắt đầu từ ngày 31/10/2011, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5092/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Trung tâm được triển khai xây dựng từ tháng 12/2012, với diện tích 2,1 ha, là khu phức hợp liên thông về KH&CN lớn nhất cả nước, từ nghiên cứu, sản xuất và giám định công nghệ. Đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2010- 2015. Dự án đã được xây dựng, lắp đặt trong 3 năm với tốc độ khẩn trương, đúng tiến độ, chất lượng.

Với diện tích 2,1 ha, đây là khu phức hợp liên thông về KH&CN lớn nhất cả nước, từ nghiên cứu, sản xuất và giám định công nghệ. Trung tâm thiết kế cho 200 nhà khoa học làm việc tại 5 khu trong tổ hợp gồm: Khu Phần mềm; Khu Nghiên cứu và Triển khai; Khu Giáo dục và Đào tạo; Khu Dịch vụ tổng hợp Trung tâm; Khu Nhà ở kết hợp Văn phòng; Khu Giải trí và Thể dục thể thao. Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ là đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Trung tâm có hệ thống khép kín, gồm xưởng sản xuất, các công nghệ cơ khí chế tạo; điện tử và tự động hóa; các thiết bị giám định và phân tích công nghệ. Các lĩnh vực công nghệ được nghiên cứu - chuyển giao và thẩm định trong Trung tâm rất đa dạng và được tối ưu hóa, bao gồm: Công nghệ cơ khí chế tạo, Công nghệ điện tử - tự động hóa, Công nghệ tiết kiệm năng lượng và Công nghệ môi trường. Trung tâm sẽ đồng bộ từ khâu nghiên cứu, nhập dây chuyền cho đến khâu ra sản phẩm, kết nối từ nhà khoa học đến doanh nghiệp tiêu thụ sản xuất.

Với sự đầu tư lớn và quy mô lớn cho thấy sự kỳ vọng gì của Chính phủ và Thành phố Hà Nội đã đặt lên “vai” Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ non trẻ này. Theo đó, Trung tâm có các thiết bị nghiên cứu hiện đại trên thế giới có thể kết nối các nhà khoa học tại các viện, trường và phòng thí nghiệm trọng điểm tại Thủ đô, đồng thời, là nơi liên kết nghiên cứu cho các nhà khoa học Việt kiều và nhà khoa học quốc tế trong các chương trình hợp tác KH&CN. Trung tâm sẽ không chỉ là nơi phục vụ công tác quản lý nhà nước về KH&CN, tiếp nhận các kết quả nghiên cứu để sản xuất thử, hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa sản phẩm mà còn phục vụ nhu cầu nghiên cứu mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trên địa bàn Thủ đô.

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: Sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ khẳng định chủ trương nhất quán của Thành phố trong việc tập trung đầu tư, phát triển KH&CN, coi KH&CN là tiền đề cho việc thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Sẽ tập trung một số sản phẩm công nghệ cao trọng điểm

Có tổng vốn đầu tư lên tới 600 tỷ đồng, với mô hình nghiên cứu và sản xuất hiện đại, Trung tâm được kỳ vọng sẽ cho ra đời các sản phẩm công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Dự án được đầu tư với hệ thống trang thiết bị, phần mềm và cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, chế thử; thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, góp phần phát triển tiềm năng tri thức trên địa bàn; tạo ra các sản phẩm KH&CN bằng công nghệ cao, chất lượng tốt, hiệu quả cao và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô và cả nước dựa trên việc khai thác các lợi thế so sánh về nhân lực, điều kiện tự nhiên, xã hội của Thành phố Hà Nội. Trên cơ sở các trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, định hướng phát triển của Trung tâm trong thời gian tới sẽ tập trung vào các lĩnh vực và sản phẩm sau: Sản xuất bóng đèn LED từ wafer và đèn LED hiệu suất công suất cao phục vụ cho chiếu sáng dân dụng, công nghiệp, chiếu sáng kích thích phát triển vật nuôi, cây trồng.


Đại diện Lãnh đạo Bộ KH&CN, UBND Thành phố Hà Nội và các ban ngành thăm quan khu sản xuất bo mạch điện tử (Ảnh: Ngọc Anh)


Sản xuất pin Mặt Trời từ các tấm Cell có hiệu quả cao, giá thành phù hợp với thị trường đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Một lĩnh vực mà Trung tâm cũng rất chú trọng phát triển là vi mạch. Trung tâm sẽ nghiên cứu, thiết kế một số IC nguồn chuyên dụng phục vụ các sản phẩm đồ gia dụng và công nghiệp; Thiết kế và chế tạo các sản phẩm công nghệ cao sử dụng chip điện tử; Thiết kế chip điện tử tương tự và điện tử số dựa trên công nghệ CMOS theo tiêu chuẩn công nghiệp; Sản xuất một số sản phẩm Inverter biến đổi DC/AC nối lưới điện.


Hệ thống pin năng lượng mặt trời- sản phẩm trọng điểm của Trung tâm
(Ảnh: Ngọc Anh)

Nghiên cứu một số sản phẩm đồ gia dụng thông minh, sản phẩm phụ trợ phục vụ lắp ráp oto, nghiên cứu công nghệ tính toán mô phỏng trong lĩnh vực cơ điện tử, máy công cụ công nghệ cao…

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu KH&CN là không thể thiếu, chính vì vậy, Trung tâm sẽ đẩy mạnh liên kết với các nhà khoa học trong và ngoài nước, các tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử - tự động hóa và cơ khí để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ hiện đại, tăng năng lực sản xuất trong nước như hợp tác tiếp nhận công nghệ và gia công sản xuất pin Mặt trời cho đối tác Hàn Quốc, Đức, Ý, Đài Loan… Hợp tác với TI, Toshiba, Analog Devices trong việc cung cấp giải pháp và linh kiện điện tử. Ngoài ra là hợp tác ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô cũng sẽ được chú trọng.

Có thể thấy, định hướng và nhiệm vụ của Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ là rất rõ ràng. Sự quyết tâm của Hà Nội trong việc đầu tư cho KH&CN được thể hiện thông qua sự ra đời của Trung tâm. Ưu đãi đi đôi với trọng trách, áp lực kỳ vọng cho sự phát triển của Trung tâm là không nhỏ. Chính vì vậy, ông Lê Xuân Rao kiến nghị, để Trung tâm phát huy tối đa năng lực trong thời gian tới, Trung tâm rất mong muốn Lãnh đạo Chính phủ, Sở KH&CN, Thành phố Hà Nội quan tâm một số vấn đề sau: Quan tâm, bổ sung thêm biên chế cho Trung tâm để phù hợp với mục tiêu, quy mô, định hướng phát triển của Trung tâm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, quan tâm, cấp kinh phí trong giai đoạn đầu Trung tâm đi vào hoạt động để phát huy hiệu quả của dự án. Và cuối cùng, đó là có chính sách ưu tiên mua sắm công đối với các sản phẩm, công nghệ cao do các tổ chức KH&CN công lập nghiên cứu, sản xuất.

Lượt xem: 953

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)