Thứ tư, 04/12/2013 09:58 GMT+7

Bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn gen động, thực vật tại Việt Nam

Nhằm định hướng kết quả hoạt động KH&CN về quỹ gen trong thời gian qua và xác định định hướng đáp ứng các yêu cầu trong hai Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thời gian tới, ngày 03/12/2013 tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức...


Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu, đại diện Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công thương,… và đại diện các cơ quan ban ngành có liên quan.

Hội nghị tập trung vào một số hoạt động như: Tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động KH&CN về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật giai đoạn 2001 - 2013; Tiến hành thảo luận để rút ra kinh nghiệm về công tác quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quỹ gen; Tập trung thảo luận những nội dung chính cho Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen và định hướng chiến lược các nhiệm vụ quỹ gen trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và đề xuất các giải pháp thực hiện,…


Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hơn 25 năm qua, Nhà nước đã quan tâm đến công tác quản lý, bảo tồn nguồn gen động vật, thực vật, vi sinh vật và coi nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen làm nhiệm vụ quốc gia có tính cấp bách cần được thực hiện thường xuyên và hàng năm. Đặc biệt, hệ thống mạng lưới quỹ gen quốc gia đã được hình thành và củng cố trên cơ sở 17 cơ quan đầu mối và hơn 70 tổ chức tham gia, phối hợp thực hiện thuộc 7 bộ, ngành trung ương và 63 tỉnh thành trên cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh vai trò quan trọng mang tính sống còn của việc bảo tồn và phát triển các nguồn gen tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng, hiện nay, vấn đề nguồn gen động thực vật ở nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc, nên việc chú trọng tìm ra các giải pháp, phương hướng thúc đẩy hoạt động KH&CN về quỹ gen là vô cùng cấp thiết, nhất là trong việc thu hút nguồn đầu tư của xã hội với lĩnh vực KH&CN về nguồn gen.

Ngoài ra, Việt Nam là một trong những trung tâm có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới gồm 802 loài cây trồng, 17 loài gia súc, gia cầm chính. Việt Nam còn có nguồn gen thủy sản và vi sinh vật phong phú. Đồng thời, Việt Nam đã xác định được khoảng 49.200 loài sinh vật bao gồm: khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dước nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; khoảng trên 11.000 loài sinh vật biển. “Đây chính là những nguồn gen bản địa quý của đất nước cần phải bảo vệ, gữi gìn và phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ KH&CN, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương, Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội,… cùng các nhà khoa học, quản lý đã tham luận và tập trung phân tích về hiện trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn nguồn gen của mỗi địa phương, đơn vị; khẳng định rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của công tác bảo tồn nguồn gen nói chung, công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về quỹ gen nói riêng.

Đặc biệt các đại biểu đều thống nhất việc tăng cường áp dụng các tiến bộ KH&CN trong lưu giữ, bảo quản, tư liệu hóa nguồn gen cũng như thu hút, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao cho hoạt động bảo tồn nguồn gen; đẩy nhanh việc khai thác và phát triển các nguồn gen thành sản phẩm thương mại đối với các nguồn gen có tính trạng quý hiếm, có giá trị kinh tế thành các giống bổ sung vào bộ giống quốc gia, tạo ra một số sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.


Bộ trưởng Nguyễn Quân trao tặng bằng khen cho đại diện tập thể và cá nhân xuất sắc về hoạt động KH&CN quỹ gen

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể xuất sắc có nhiều đóng góp trong hoạt động KH&CN về quỹ gen giai đoạn năm 2001 - 2013 gồm: Trung tâm Tài nguyên thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Viện Chăn nuôi; Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Viện Dược liệu (Bộ Y tế); Bảo tàng Giống chuẩn Vi sinh vật, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) và các cá nhân: ông Lương Quang Phiệt, Chuyên viên chính Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN); ông Võ Văn Sự, nguyên Trưởng Bộ môn Động vật quý hiếm và Đa dạng sinh học, Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Lượt xem: 3452

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)