Thứ sáu, 15/11/2013 15:02 GMT+7

Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh truyền thông KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên”

Trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị Giao ban khoa học và công nghệ (KH&CN) và Techmart Đăk Nông 2013, ngày 14/11/2013, tại thị xã Gia Nghĩa, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN (Trung tâm Truyền thông), Bộ...


Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có hơn 60 đại biểu đến từ các tỉnh vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, gồm đại diện Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Lãnh đạo UBND tỉnh, Lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác thông tin, truyền thông các Sở KH&CN, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Đắk Nông, Đại diện Lãnh đạo các Hội Nhà báo, đại diện Lãnh đạo và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong khu vực.

Tại Hội thảo, đã có nhiều báo cáo chuyên đề và tham luận được trình bày như: Vai trò của báo chí địa phương và Hội Nhà báo địa phương đối với hoạt động truyền thông KH&CN; Nội dung truyền thông KH&CN địa phương và giải pháp đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH&CN các tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Chia sẻ kỹ năng làm báo về KH&CN; Báo Đắk Nông với truyền thông KH&CN; Thực trạng và giải pháp truyền thông KH&CN tỉnh Đăk Nông; Truyền thông KH&CN tỉnh Lâm Đồng; Công tác xây dựng và triển khai các bản tin, tạp chí KH&CN tại các địa phương; Việc thực hiện các cơ chế, chính sách cho truyền thông KH&CN; Kinh nghiệm khai thác kinh phí cho công tác truyền thông KH&CN…

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, bà Trần Thị Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông đã nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH&CN các tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Theo đó, đối với các Sở KH&CN, tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học tại địa phương có 15 giải pháp, trong đó, bà Trần Thị Xuân đặc biệt nhấn mạnh đến việc thiết lập bộ phận truyền thông chuyên trách tại các đơn vị, đồng thời tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính, đào tạo bồi dưỡng… để bộ phận này ổn định và phát triển. Riêng đối với các Sở KH&CN có thể ghép bộ phận này với bộ phận thông tin tạo thành “Phòng Thông tin - Truyền thông KH&CN”, hoặc hình thành một bộ phận độc lập là “Phòng Truyền thông KH&CN” trực tiếp thuộc Sở hoặc thuộc các Trung tâm Tin học - Thông tin KH&CN của các Sở KH&CN. Các Sở KH&CN căn cứ vào Luật KH&CN (Điều 48 và Khoản 8 Điều 52) để đề nghị bổ sung chức năng, nhiệm vụ truyền thông. Bên cạnh đó, bà Trần Thị Xuân cũng nhấn mạnh đến việc chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ truyền thông KH&CN cho cán bộ làm công tác truyền thông KH&CN.

Đối với các cơ quan thông tấn báo chí (gồm có cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương đóng tại địa phương và cơ quan thông tấn, báo chí của địa phương), bà Trần Thị Xuân cũng đề xuất 4 giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến yếu tố đam mê, tâm huyết của các nhà báo chuyên trách mảng KH&CN, bởi lĩnh vực KH&CN là lĩnh vực khó viết, khô khan, và đòi hỏi tính xác thực, chuyên sâu nên muốn có được những bài báo KH&CN hay, hấp dẫn, xuất sắc thì đòi hỏi nhà báo phải có những yếu tố trên. Bà Trần Thị Xuân cũng đề cập đến “Giải thưởng Báo chí về KH&CN” và rất mong các đại biểu, đặc biệt là các nhà báo quan tâm và tham gia Giải thưởng này.

Tại Hội thảo, TS. Trần Bá Dung, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao vai trò của báo chí địa phương và Hội Nhà báo địa phương trong hoạt động truyền thông về KH&CN. Trong đó, TS. Trần Bá Dung đặc biệt nhấn mạnh: các nhà báo cần chủ động săn tin, đón tin chứ không nên chờ đến lúc công bố các dự án, đề án mới đưa tin. Các nhà báo cần đồng hành và đưa tin về những khó khăn, vất vả của các nhà khoa học.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng thông tin, TS. Trần Bá Dung cũng đề cập đến việc các nhà báo cần đưa thông tin chính xác, khoa học, hình thức thể hiện đa dạng, sinh động, đặc biệt phù hợp với công chúng từng địa phương. Các đề tài, hoạt động khoa học viết cho công chúng ở Đăk Nông không giống viết cho công chúng ở TP.HCM, do công chúng khu vực, và chuyên ngành có những đặc điểm tâm lý và điều kiện, trình độ tiếp nhận riêng. Đó mới là những nhà báo chuyên nghiệp, TS. Trần Bá Dung khẳng định.

Đại diện các đơn vị đã có những thảo luận sôi nổi, đa số các ý kiến cùng đi đến thống nhất một số phương hướng đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH&CN trong thời gian tới. Bộ KH&CN và các báo chí địa phương tiếp tục phối hợp trong việc phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KH&CN. Báo chí các tỉnh đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền những chính sách về phát triển KH&CN của địa phương cũng như giới thiệu các thành tựu nghiên cứu KH&CN nổi bật, kết quả chuyển giao tới công chúng.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh tới vai trò của công tác truyền thông KH&CN giai đoạn hiện nay, đặc biệt vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như vị trí của người làm KH&CN. Điều này đã được thể hiện trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, đặc biệt được cụ thể hóa trong các giải pháp của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020.

Thứ trưởng hy vọng sau Hội thảo, các cấp lãnh đạo trong Vùng sẽ quan tâm nhiều hơn đến công tác thông tin, truyền thông KH&CN, tạo điều kiện về mọi mặt (cơ sở vật chất, tài chính, con người,...) cho công tác thông tin, truyền thông KH&CN; sự hợp tác giữa các cơ quan báo chí, truyền thông với các cơ quan quản lý KH&CN, tổ chức KH&CN sẽ được chặt chẽ, thường xuyên hơn; sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học cũng như các nhà báo đối với công tác truyền thông KH&CN sẽ được mạnh mẽ hơn;… với mục đích góp phần phát triển sự nghiệp KH&CN của từng địa phương cũng như toàn vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Lượt xem: 1406

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)