Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe Vụ Tổ chức cán bộ (đơn vị chủ trì xây dựng Đề án) trình bày tóm tắt nội dung Dự thảo đề án, trong đó xác định các đối tượng sẽ được đào tạo, bồi dưỡng gồm 4 nhóm: chuyên gia trong các lĩnh vực KH&CN ưu tiên, trọng điểm, công nghệ mới; nhóm nghiên cứu; bồi dưỡng sau tiến sỹ; nhân lực quản lý KH&CN. Tương ứng với từng nhóm, Dự thảo đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 150 chuyên gia, 30 nhóm nghiên cứu, 200 tiến sỹ, 200 cán bộ quản lý KH&CN sẽ được đi đào tạo ở nước ngoài.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều đánh giá cao tinh thần của Dự thảo đề án và cho rằng, đây là lần đầu tiên có một Đề án về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong và ngoài nước bài bản, bao quát được nhiều lĩnh vực và đối tượng tham gia. Các đại biểu cũng đề xuất một số vấn đề như: số lượng đào tạo theo Dự thảo đề án là ít so với mong muốn cũng như yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay; tiêu chí lựa chọn cử cán bộ đi học nên nhắm tới các đối tượng trẻ tài năng và nên giao quyền chủ động cho cơ quan cử đi; Dự thảo đề án cần có những quy định ràng buộc bằng sản phẩm khoa học đối với những người được cử đi đào tạo; đối với hình thức đào tạo trong nước, Bộ KH&CN nên tổng hợp nhu cầu đào tạo, từ đó mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy theo chuyên đề sẽ đạt được hiệu quả cao hơn...