Thứ ba, 01/12/2015 14:03 GMT+7

Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ

Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ (KH&CN) là một quá trình tất yếu trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển. Bắt kịp xu thế đó, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra một loạt chủ trương chính sách thúc đẩy...

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhấn mạnh việc đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển đất nước. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ nhân lực KH&CN là một trong nhiều biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN đã được luật hóa trong Bộ luật KH&CN 2013. Đề án hội nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020 đề ra mục tiêu đến năm 2015 đội ngũ cán bộ KH&CN Việt Nam phải có đủ năng lực trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển KH&CN của khu vực và thế giới trong một số lĩnh vực ưu tiên trọng điểm; đồng thời có đủ năng lực hội nhập, hợp tác với nước ngoài, tiếp thu, làm chủ, đổi mới và sáng tạo công nghệ. Ngoài ra, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 cũng khẳng định một trong những biện pháp thúc đẩy hội nhập KH&CN quốc tế là đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ nhân lực KH&CN.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quá trình hội nhập quốc tế về KH&CN được quan tâm nghiên cứu thông qua các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia: Chương trình KX.03/11-15 với nội dung “Nghiên cứu khoa học và phát triển văn hóa, con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”; đặc biệt là Chương trình KX.06/11-15 “Nghiên cứu và phát triển hội nhập quốc tế về KH&CN” với một trong các sản phẩm khoa học cần đạt được của Chương trình là xây dựng cơ chế và chính sách để nâng cao năng lực của cộng đồng KH&CN tham gia vào các hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN của Việt Nam.

Ở Việt Nam, đào tạo nhân lực cho hội nhập quốc tế cũng bắt đầu được quan tâm và mở rộng. Các khóa tập huấn về kiến thức hội nhập KH&CN cũng thiết thực hơn. Một số khóa học tiêu biểu như khóa tập huấn về “Bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế về KH&CN” hay một số khóa đào tạo kỹ năng mềm cho cán bộ KH&CN như: Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý KH&CN; Bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm; Tập huấn quản lý nguồn lực KH&CN… Các khóa học đã phần nào tạo điều kiện cho các cán bộ KH&CN nói chung, cán bộ làm công tác hội nhập nói riêng được nâng cao kiến thức chuyên môn và một số kỹ năng cần thiết.

Tuy nhiên công tác đào tạo hiện nay vẫn chưa được thực hiện một cách đồng bộ và có hệ thống. Trong một nghiên cứu, đánh giá về thực trạng kiến thức hội nhập quốc tế về KH&CN nhằm đề xuất giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động hội nhập do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế chủ trì cho thấy, các lớp tập huấn mới chỉ tập trung vào phần ngọn mà chưa đi sâu vào “gốc rễ” của vấn đề. Trong khi vấn đề đầu tiên và cấp thiết để nâng cao chất lượng và năng lực của đội ngũ cán bộ KH&CN là đào tạo nâng cao nhận thức, giúp mỗi cá nhân tự chủ động tiếp thu và hội nhập KH&CN thay vì thụ động tiếp nhận lý thuyết. Thậm chí, nâng cao nhận thức còn tạo động lực cho các cán bộ KH&CN đề xuất các sáng kiến, phương thức mới hội nhập hiệu quả hơn.

Mặc dù mục tiêu hội nhập quốc tế về KH&CN là rõ ràng, Nhà nước và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm ủng hộ, thúc đẩy công cuộc hội nhập, ở trong nước đã có nhiều nghiên cứu phân tích, định hướng nhưng hiện tại các chính sách, tài liệu này vẫn chưa được hệ thống hóa để thuận tiện tra cứu.

Các khóa tập huấn nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế về KH&CN vẫn đang được tổ chức thường xuyên, nhưng trên thực tế các khóa tập huấn này chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế về KH&CN ở nước ta còn kém khá xa không chỉ so với các nước quốc gia có nền KH&CN tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, mà còn với cả một số quốc gia trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia… Nguyên nhân cơ bản ở đây là các cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập về KH&CN chưa nhận thức toàn diện về hội nhập, các nguyên tắc, hoạt động, các biện pháp, và kỹ năng hội nhập quốc tế về KH&CN dẫn đến một số hạn chế cụ thể như sau:

- Đội ngũ cán bộ, đặc biệt những người trực tiếp làm công tác ở hội nhập ở địa phương còn chưa nhận thức được việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng mềm cần thiết khi tham gia giao tiếp, đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác…

- Nhiều cán bộ chưa thực sự hiểu nguyên tắc và nhận thức các biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế về KH&CN, dẫn đến chưa chủ động liên kết, xúc tiến hợp tác về KH&CN.

- Phần lớn cán bộ KH&CN địa phương chưa nắm được các thỏa thuận, hiệp ước về KH&CN mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với các nước đối tác khác. Vì vậy, một số địa phương chưa biết tranh thủ cơ hội để nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ thông qua các thỏa thuận đã được ký kết.

- Nhiều cán bộ đôi khi chưa thực sự hiểu về đặc điểm KH&CN cũng như đặc điểm kinh tế của một số các nền kinh tế lớn như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ,… dẫn đến chưa thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài cùng tham gia vào chương trình nghiên cứu của Việt Nam. Việt Nam vì thế cũng chưa trở thành thị trường hấp dẫn thu hút các công ty công nghệ lớn trên thế giới chọn tổ chức triển lãm, hội chợ công nghệ quốc tế.

- Ngay từ năm 2004 đã có một số nghiên cứu về tiêu chí đánh giá hội nhập quốc tế về KH&CN được thực hiện và nghiệm thu, nhưng trên thực tế, ngay chính bản thân các cán bộ làm công tác hội nhập chưa nắm vững được bộ tiêu chí đó, dẫn đến việc các nghiên cứu này không được ứng dụng và phổ biến rộng rãi.

- Mặc dù trong Luật KH&CN năm 2013 đã nhấn mạnh một trong sáu hoạt động quan trọng trong hội nhập quốc tế về KH&CN là “Phát triển mạng lưới đại diện KH&CN Việt Nam ở nước ngoài”, nhưng do một số khó khăn về vấn đề nhân lực, một phần là do hạn chế về nhận thức hội nhập KH&CN khiến mạng lưới này chưa được phát triển mạnh và thu hút được nhiều cán bộ KH&CN ngoài Bộ KH&CN tham gia.

Con người là nhân tố quyết định nhất trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an ninh - quốc phòng của mỗi quốc gia. Vì vậy, mỗi ngành, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của đơn vị mình. Để hội nhập quốc tế về KH&CN thì bản thân các cán bộ làm công tác hội nhập cũng phải có những kiến thức sâu rộng về hội nhập. Và con đường ngắn nhất để tiếp thu những tri thức này là thông qua giáo dục - đào tạo. Vì vậy, việc tổ chức những khóa tập huấn để nâng cao năng lực cho các đối tượng này là cần thiết nhằm trang bị, bổ sung, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ hội nhập, nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc.

Lượt xem: 2312

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)