Đến dự họp với Hội đồng KH&CN tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện Đề án có: TS. Chu Ngọc Anh– Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; TS. Vũ Ngọc Hoàng- Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; PGS.TS. Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; Đồng chí Hữu Thỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; các đồng chí Lãnh đạo, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, thành viên tham gia thực hiện Đề án.
Kết quả thực hiện Đề án:
- Để thực hiện được các mục tiêu khoa học, Đề án đã nêu được hệ thống quan điểm tiếp cận, phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu đúng đắn, phù hợp với đối tượng, đáp ứng yêu cầu khoa học của Đề án.
- Trên cơ sở làm rõ khái niệm lý luận văn nghệ, Đề án đã đi sâu nghiên cứu chỉ ra các bộ phận hợp thành hệ thống lý luận văn nghệ ở Việt Nam; chỉ ra các giai đoạn phát triển của nó; xác định vị trí của lý luận văn nghệ mácxít trong hệ thống lý luận văn nghệ ở Việt Nam; đồng thời làm rõ hệ thống quan điểm, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong toàn bộ hệ thống lý luận văn nghệ. Có thể xem đây là các tiêu chí để nhận diện hệ thống lý luận văn nghệ ở Việt Nam.
- Đề án cũng nghiên cứu, chỉ ra một cách chính xác 6 yếu tố tác động tới quá trình hình thành và phát triển của lý luận văn nghệ Việt Nam gồm: Tác động của truyền thống tư tưởng; Tác động của thực tiễn lịch sử và thực tiễn nghệ thuật; Tác động từ tư tưởng chính trị, ý thức hệ và đường lối quan điểm văn nghệ; Tác động từ các lý thuyết văn học, nghệ thuật nước ngoài; Tác động của hệ thống giáo dục; Tác động của quá trình chuyển dịch hệ giá trị văn học, nghệ thuật.
- Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết đánh giá thực tiễn hoạt động của 10 loại hình văn học, nghệ thuật, chủ yếu từ đầu thế kỷ XX đến nay, trong đó đặc biệt chú trọng thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới, Đề án không chỉ nêu và đánh giá đúng thực trạng hoạt động, thực trạng lý luận, phê bình… mà còn nêu được những vấn đề, đề xuất được các kiến nghị, giải pháp phù hợp với từng loại hình để đổi mới và phát triển. Đây cũng là cơ sở thực tiễn, là căn cứ khoa học tin cậy để giúp cho việc xây dựng định hướng phát triển lý luận văn học, nghệ thuật.
- Từ kết quả nghiên cứu khảo sát nước ngoài, Đề án cũng nêu được những bài học lịch sử, những kinh nghiệm lý luận có giá trị giúp cho chúng ta nhận thức và giải quyết một số vấn đề lý luận nóng bỏng đang đặt ra, đồng thời có thêm kinh nghiệm để xây dựng và phát triển lý luận văn nghệ ở Việt Nam.
- Các kết quả khảo sát, điều tra trong nước, trọng điểm là ở các trường đại học về tình hình nghiên cứu, giảng dạy và học tập bộ môn lý luận văn học, nghệ thuật là những kết quả có ý nghĩa, có giá trị khoa học để đánh giá, nắm bắt thực tiễn, hướng đến mục tiêu xây dựng, hoàn thiện chương trình nhằm nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn lý luận văn nghệ trong nhà trường hiện nay.
- Từ thực tiễn nghiên cứu, các nhà khoa học tham gia Đề án đã xây dựng bản Kiến nghị gồm 8 điều. Đây được xem là những kiến nghị chính xác, phù hợp với thực tiễn, khả thi và có cơ sở khoa học.
- Trong quá trình thực hiện Đề án, tập thể các nhà nghiên cứu tham gia đã kết hợp đào tạo được 6 Tiến sĩ, 3 Thạc sĩ; công bố 14 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành.
Với các giá trị khoa học và thực tiễn đã đạt được, Hội đồng khoa học đánh giá kết quả thực hiện Đề án, xếp loại: Xuất sắc