Thứ sáu, 29/01/2016 08:24 GMT+7

Hội thảo Nghiên cứu phân tích sự cố nặng cho nhà máy điện hạt nhân Ninh thuận và một số định hướng nghiên cứu

Sáng ngày 22/01/2016, Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học trong đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước thuộc Chương trình KC05.26/11-15 với chủ đề “Nghiên cứu phân tích sự cố nặng đối với dự...
Tới dự Hội thảo có TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN), TS. Lê Văn Hồng - chuyên gia cao cấp của Viện NLNTVN, cùng các cán bộ chuyên môn của Trung tâm An toàn hạt nhân, Trung tâm Năng lượng hạt nhân thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, các cán bộ đến từ Cục Năng lượng nguyên tử và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

Hội thảo diễn ra trong buổi sáng với 5 bài báo cáo với các chủ đề khác nhau. Mở đầu Hội thảo là bài trình bày của TS. Nguyễn Nam Giang với chủ đề “Nghiên cứu sự phá hủy bó thanh nhiên liệu trong điều kiện tai nạn nghiêm trọng,” đây cũng là một nội dung nghiên cứu trong luận văn cao học của TS. Nguyễn Nam Giang. Một số vấn đề nảy sinh đáng quan tâm trong quá trình tái làm ngập vùng hoạt lò phản ứng khi tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đó là quá trình tái làm ngập này làm gia tăng phản ứng ôxi hóa vỏ thanh nhiên liệu tạo ra khí H2 (tăng nguy cơ xảy ra hiện tượng cháy nổ H2); phản ứng ôxi hoá này cũng đồng thời sinh ra nhiệt và càng làm tăng tốc quá trình ôxi hóa. Chính vì vậy trong quá trình tái làm ngập vùng hoạt cần tính đến bài toán tối thiểu hoá lượng khí H2 được sinh ra. Trong nghiên cứu của mình, TS. Nguyễn Nam Giang tiến hành đánh giá chất lượng mô hình tái làm ngập của chương trình ICARE/CATHARE bằng số liệu thực nghiệm QUENCH-03, qua đó nghiên cứu các ảnh hưởng của lưu lượng dòng bơm tới tốc độ sinh H2. Kết quả thu được cho thấy chương trình ICARE/CATHARE cho kết quả phù hợp với thực nghiệm, ngoại trừ trong khoảng độ cao 0.75-0.85 m của bó nhiên liệu, và ước lượng được khoảng giá trị lưu lượng nước tối ưu và thời điểm cấp nước tối ưu trong quá trình tái làm ngập để hạn chế lượng H2 được sinh ra.


TS. Nguyễn Nam Giang với chủ đề “Nghiên cứu sự phá hủy bó thanh nhiên liệu trong điều kiện tai nạn nghiêm trọng”

Tiếp đó là bài trình bày của ThS. Đoàn Mạnh Long với chủ đề “Nghiên cứu bước đầu sự cố nghiêm trọng cho NMĐHN AP1000 và định hướng nghiên cứu cho NMĐHN VVER-1200,” với nội dung tập trung chủ yếu vào việc tìm hiểu và nghiên cứu nóng chảy bên trong lò phản ứng (In-Vessel Retention - IVR) – là một trong những chiến lược quản lý sự cố nghiêm trọng độc đáo của công nghệ lò AP1000,” bằng chương trình MELCOR 1.8.5. Trong phần trình bày kết quả, ThS. Đoàn Mạnh Long đã phân tích những hạn chế của chương trình MELCOR 1.8.5 trong việc mô phỏng biện pháp IVR và khẳng định những kết quả thu được chỉ mang tính chất tham khảo. Qua đó ThS. Đoàn Mạnh Long cũng đã chia sẻ định hướng nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp IVR cho công nghệ lò VVER-1200.

Trong bài trình bày thứ 3 của Hội thảo với chủ đề “Xây dựng bài toán chuẩn (Benchmark) dựa trên hệ thống mô phỏng NMĐHN VVER-1200,” ThS. Lê Đại Diễn trình bày những lợi ích từ hệ thống mô phỏng như: xây dựng các bài thực hành liên quan đến quá trình vận hành bình thường cũng như khi xảy ra sự cố của nhà máy điện hạt nhân VVER-1200; xây dựng bài toán chuẩn và lấy số liệu đầu ra từ chương trình mô phỏng để kiểm chứng các chương trình tính toán - phân tích thủy nhiệt; dữ liệu đầu ra của hệ thống mô phỏng còn có thể được dùng để làm dữ liệu đầu vào cho các chương trình tính toán thủy nhiệt.

Tiếp đó là bài trình bày của TS. Nguyễn Hào Quang với chủ đề “An toàn bức xạ trong NMĐHN và các vấn đề xây dựng năng lực các nhóm nghiên cứu liên quan,” bàn về vấn đề đảm bảo an toàn cho nhân viên làm việc tại nhà máy khi hoạt động bình thường cũng như trong giai đoạn bảo trì. Đây là vấn đề rất quan trọng và do đó cần phải nắm rõ các khía cạnh liên quan đến phóng xạ trong các hệ thống của nhà máy điện hạt nhân. Qua đó TS. Nguyễn Hào Quang đưa ra việc xây dựng năng lực cho các nhóm nghiên cứu về an toàn bức xạ trong NMĐHN bao gồm: Nghiên cứu y vật lý; Nghiên cứu tính toán che chắn bức xạ; Nghiên cứu về các nguồn phóng xạ sinh ra trong hoạt động của NHMĐHN và các tham số ảnh hưởng đến độ lớn của các nguồn phóng xạ đó; Nghiên cứu về các biện pháp đảm bảo an toàn bức xạ thực hiện trong các NMĐHN; Nghiên cứu tác động của chất thải phóng xạ từ NMĐHN ra môi trường xung quanh.

Khả năng chống động đất của NMĐHN cũng là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ an toàn của nhà máy, với chủ đề “Thiết kế kết cấu chống động đất của NMĐHN AP1000,” thông qua bài trình bày TS. Phạm Ngọc Đồng đã giới thiệu những nội dung cơ bản về thiết kế kết cấu của một NMĐHN như việc mô-đun hóa thiết kế; thiết kế chống động đất của NMĐHN AP1000; mô hình phần tử hữu hạn dùng trong phân tích chống động đất; những vấn đề liên quan đến các sự kiện ngoài cơ sở thiết kế chống động đất của AP1000.

Nhìn chung các báo cáo đã trình bày một số kết quả nghiên cứu mang ý nghĩa thực tiễn, bám sát nội dung khoa học của đề tài và thể hiện sự cố gắng lớn của nhóm nghiên cứu tham gia thực hiện đề tài trong việc xác định được các sự cố, tai nạn trong NMĐHN và đưa ra được những định hướng nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo.

Hội thảo diễn ra thành công với nhiều ý kiến trao đổi và đóng góp từ các chuyên gia, các cán bộ chuyên môn cho từng nội dung trình bày. Qua đó hoạt động này cũng góp phần thúc đẩy, định hướng các hướng nghiên cứu sắp tới để phục vụ tốt hơn cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận./.

Lượt xem: 1346

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)