Thứ năm, 08/09/2016 17:06 GMT+7

Xây dựng giải pháp và thiết bị quản lý điều hành giao thông thông minh sử dụng truyền thông tầm gần chuyên dụng

Năm 2015, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Nguyễn Văn Đức, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu xây dựng thành công giải pháp và thiết bị quản lý điều hành giao thông thông minh sử dụng truyền thông tầm...
Các kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho Trung tâm giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông Viettel, và đã được tiến hành đưa vào triển khai thử nghiệm tại Công ty Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Viettel tại Lô D26, đường Tôn Thất Thuyết, khu đô thị mới Cầu Giấy, Dịch Vọng, Hà Nội và Công ty Thương mại và Dịch vụ Hà Lan, Thái Nguyên. Đồng thời các đơn xin đăng ký sáng chế cho sản phẩm đề tài đã chấp thuận hợp lệ, các kết quả cũng được công bố trên tạp chí Computer Networks and Communication.



Các nội dung nghiên cứu của đề tài bao gồm: Nghiên cứu, phát triển và tích hợp bộ thu - phát sóng tầm gần chuyên dụng (DSRC transceiver). Nghiên cứu, phát triển, tích hợp các thiết bị OBU, RSE và đầu đọc thẻ dựa trên nền nhúng. Phát triển ứng dụng phục vụ thanh toán điện tử. Phát triển ứng dụng theo dõi, giám sát tình trạng giao thông và hỗ trợ người đi đường dựa trên thuyền thông ảnh thời gian thực. Liên kết hệ thống RSE với mạng thông tin công cộng. Phát hành mã hóa, bảo mật thông tin và xác thực cho các ứng dụng giao thông thông minh. Đề xuất mô hình cho hệ thống thu phí tự động sử dụng ở Việt Nam.

Các sản phẩm chính của đề tài đạt được như sau:
- Báo cáo về tiêu chuẩn (tài liệu công nghệ) xây dựng hệ thống truyền thông tầm gần đặc dụng.
- Thiết bị thử nghiệm RFID, đầu đọc thẻ định danh vô tuyến tầm xa, OBU, thiết bị bên đường (RSE) giao tiếp vô tuyến tầm gần đặc dụng 5.8GHz.
- Hệ thống mẫu áp dụng quy trình công nghệ quản lý, phát hành mã khóa, bảo mật, xác thực OBU, RSE, RFID cho các ứng dụng thanh toán điện tử, cho theo dõi phương tiện vận tải và điều hành giao thông.
- Các thông số kỹ thuật đầu đọc thẻ RFID do nhóm nghiên cứu chế tạo cụ thể như sau:
+ Tần số: 840-960 MHz;
+ Giao diện truyền thông: UART (TTL): 115.2 kbps/8 databit/ none parity/1stop bit;
+ Nhiệt độ làm việc: -20 độ C đến 50 độ C
+ Công suất phát RF: điều chỉnh được từ 13-30 dBm;
+ Chế độ ngủ: Dòng điện tiêu thụ < 600µA;
+ Chế độ quyét thẻ: Dòng tiêu thụ 1.3A @30dBm;
+ Điện áp cung cấp: 4.0 V (3,7V~4,2V);
+ Kết nối ăng ten: cổng 50Ω với CMP (Coaxial Micro Plugs);
+ Khoảng đọc thẻ: 1 thẻ đơn: 11m
+ Tốc độ đọc thẻ: 100 thẻ/s.

Đầu đọc thẻ tự thiết kế này so với đầu đọc thương mại không quá thua kém, song do mới thiết kế ở mức độ thử nghiệm nên độ ổn định, tính bền vững chưa đảm bảo tin cậy như các sản phẩm thương mại.

Các kết quả của nghiên cứu đạt được đã được triển khai thử nghiệm các sản phẩm của nghiên cứu trong lĩnh vực giao thông thông minh ITS (là hệ thống giao thông thông minh ứng dụng công nghệ cao điện tử, tin học và viễn thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải), RFID và DSRC giúp tự động hóa công tác giao thông trong thu phí, quản lý xe cộ, quản lý bến bãi, xử phạt,... Từ đó, hiệu quả lưu thông được nâng cao, tiết giảm chi phí nhân công, góp phần tạo tâm lý thoải mái cho người tham gia giao thông, đáp ứng nhu cầu thông tin tức thời và trợ giúp họ trong vấn đề tìm đường đi.

Ngoài ra, các doanh nghiệp khai thác cơ sở hạ tầng truyền thông như thông tin di động, Internet, vệ tinh,... cũng tìm thấy cơ hội kinh doanh nhiều tiềm năng và bền vững. Sự có mặt các trang thiết bị tự động như thu phí ETC, camera giám sát, RFID,... sẽ cho phép các xe đi trên đường thực hiện các giao dịch trả phí, đăng kiểm một cách nhanh chóng và tự động. Điều này góp phần tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm khói xe, tiếng ồn, ùn tắc tại điểm thu phí cầu đường.

Về dài hạn, sản phẩm của nghiên cứu cũng góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông. Hạn chế các hành vi tiêu cực liên quan đến quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng giao thông như cầu đường, bến bãi và làm cho bộ mặt giao thông sẽ văn minh, hiện đại và quy củ hơn.

Sản phẩm nghiên cứu này khi được sản xuất trong nước sẽ giảm được tình trạng phụ thuộc vào các công nghệ nước ngoài, giảm chi phí nhập khẩu, mua bản quyền công nghệ cho ngân sách nhà nước. Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị tiếp tục cho thực hiện đề tài dưới dạng dự án sản xuất thử nghiệm.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 10888) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Lượt xem: 1297

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)