Thứ hai, 22/08/2016 08:16 GMT+7

Nghiên cứu ứng dụng chụp cộng hưởng từ xung khuếch tán và tưới máu trong chẩn đoán sớm và tiên lượng nhồi máu não cấp

Năm 2015, nhóm nghiên cứu do GS.TS. Phạm Minh Thông, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng chụp cộng hưởng từ xung khuếch tán và tưới máu trong chẩn đoán sớm và tiên lượng nhồi máu não cấp” với các nội dung...


Tai biến mạch não (TBMN) hiện đang là một vấn đề mang tính thời sự đối với nên y học hiện đại. Số lượng người mắc hiện rất lớn, chi phí điều trị, chăm sóc y tế rất tốn kém. Bệnh lý này có tỷ lệ tử vong cao, nếu qua khỏi cũng để lại di chứng rất nặng nề và là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Qua nghiên cứu ở 135 bệnh nhân nhồi máu não cấp trên cộng hưởng từ với 86,6% chụp trước 6h từ khi khởi phát bệnh. Các đặc điểm hình ảnh cộng hưởng từ nhồi máu não cho thấy như sau:

Đa số tổn thương não một ổ, trên lều chiếm đa số các trường hợp, nhồi máu trong vùng cấp máu động mạch não giữa là thường gặp nhất (71,1%).

Thể tích nhồi máu não trung bình nhóm nghiên cứu là 43±69,9 cm3. Thể tích nhồi máu trung bình động mạch não giữa là lớn nhất (54,9±71,7 cm3). Thể tích nhồi máu trung bình sẽ tăng lên theo thời gian bị bệnh. Có sự liên quan chặt chẽ giữa thể tích và thang điểm điểm đột quỵ não cấp trên (ASPECTS) trong vùng nhồi máu động mạch não giữa (r= -0,905), đối với các bệnh nhân có thang điểm ASPECTS <4 đều có thể tích >100 cm3 còn đối với ASPECTS ≥7 đều có thể tích ≤70cm3.

Tắc mạch não trên xung TOF 3D có thể quan sát thấy trong 96/135 trường hợp chiếm 71,1% , trong đó tắc động mạch não giữa chiếm 58,3%.

Vùng giảm tưới máu chiếm 74,2% các trường hợp, thường gặp hơn ở nhóm có tắc mạch và thời gian sớm với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Như vậy, cổng hưởng từ chuỗi xung cộng hưởng từ xung khuếch tán (DW) có thể phát hiện khoảng 91% các trường hợp, kể cả giai đoạn sớm <3h độ nhạy của cộng hưởng từ cũng rất cao (khoảng 89,6%). Cho các kết quả có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về độ nhạy của DW đối với bệnh nhân có tắc mạch hay không tắc mạch (p<0,05). Chuỗi xung tưới máu (PW) có độ nhạy trong chẩn đoán là 74,2%. Tồn tại vùng nguy cơ nhồi máu thường gặp hơn ở nhóm bệnh nhân đến sớm <3h so với nhóm đến sau 3h (p<0,05). Riêng đối với nhóm bệnh nhân tắc mạch, tỷ lệ có vùng nguy cơ là 97,8% cao hơn hẳn so với nhóm bệnh nhân không tắc mạch (p<0,05). Bên cạnh đó, thể tích nhồi máu não có ý nghĩa lớn trong tiên lượng hồi phục lâm sàng. Thể tích nhồi máu trên DW>30cm3 thường có tiên lượng lâm sàng kém hơn nhóm thể tích ≤30cm3 (p=0,0001). Thang điểm ASPECTS trên cộng hưởng từ liên quan chặt chẽ với thể tích nhồi máu, cũng rất có giá trị trong tiên lượng mức độ phục hồi lâm sàng, có sự khác biệt có ý nghĩa giữa nhóm ASPECTS ≥7 và ASPECTS<7 (p≤ 0,05). Cùng với DW và PW, chuỗi cung TOF cũng đóng vai trò rất quan trọng trong đánh giá tiến triển nhồi máu: không thấy tắc động mạch thường không có tiến triển nhồi máu.

Hiện nay, quy trình chẩn đoán nhồi máu não trên cộng hưởng từ đã được xây dựng trên cơ sở kết quả đạt được từ nghiên cứu và tham khảo các trung tâm đột quỵ lớn trên thế giới. Quy trình kỹ thuật đã được thông qua hội đồng khoa học Bệnh viện Bạch Mai. Qua một thời gian thực hiện kỹ thuật, có thể nhận thấy đây là một kỹ thuật an toàn, có hiệu quả cao khi sử dụng điều trị cho các bệnh nhân, giúp làm giảm các tai biến chảy máu có thể xảy ra, giảm thiểu các di chứng nặng nề cho bệnh nhân, từ đó góp phần giảm các chi phí điều trị, chăm sóc, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ngoài ra, cộng hưởng từ giúp bổ sung thêm phương pháp chẩn đoán, có thể áp dụng ở tất cả các máy CHT từ lực cao và có phần mềm xử lý Neuroperfusion.

Qua đó nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị: Cộng hưởng từ trong nhồi máu não với các chuỗi xung T2*, FLAIR, DW, TOF và PW là một kỹ thuật tốt, có giá trị cao trong chẩn đoán và tiên lượng lên, đặc biệt các cơ sở có điều trị nhồi máu não cấp bằng tiêu huyết khối tĩnh mạch hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Đối với cộng hưởng từ tưới máu não, nên áp dụng các bản đồ MTT và TTP để đánh giá vùng nguy cơ hơn là lưu lượng máu não (CBF) và thể tích máu não (CBV) mặc dù thời gian dẫn truyền trung bình (MTT) và thời gian nồng độ thuốc đạt đỉnh (TTP) có xu hướng dự báo quá mức về nguy cơ nhưng có độ nhạy cao, hình ảnh rõ nét và có thể chắc chắn tiến triển nhồi máu lan rộng khi không có vùng nguy cơ (mismatch). Do có một tỷ lệ lớn bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não không rõ thời gian khởi phát vì vậy việc nghiên cứu cộng hưởng từ ước lượng thời gian khởi phát vì vậy việc nghiên cứu cộng hưởng từ ước lượng thời gian khởi phát đột quỵ là một hướng nghiên cứu cần thiết.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 10888) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Lượt xem: 3705

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)