Thứ tư, 05/10/2016 15:36 GMT+7

Nghiên cứu chọn lọc, lai tạo giống bạch đàn năng suất gỗ cao

Năm 2014, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy do ThS. Nguyễn Thế Đức dẫn đầu, đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn lọc, lai tạo giống bạch đàn năng suất gỗ cao”.
Sự phát triển mạnh mẽ các dòng vô tính Bạch đàn trong trồng rừng sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, nhưng mặt khác lại dẫn đến tình trạng làm mất tính đa dạng di truyền của các quần thể rừng trồng bạch đàn. Dễ nhận thấy, quần thể rừng vô tính là tập hợp những cây có cùng kiểu gen, chúng được nhân bản từ một cây mẹ. Khác với rừng vô tính, quần thể rừng hữu tính là tập hợp những cây mọc từ hạt, được sinh ra bởi quá trình thụ phấn, kiểu gen trong mỗi hạt giống có sự kết hợp giữa kiểu gen của cây bố với kiểu gen của cây mẹ. Vì thế, rừng hữu tính luôn có sự đa dạng về kiểu gen và đó là một trong những nguồn vật liệu chọn giống mới hiệu quả nhất.

Lai giống chọn và chọn lọc cây lai nhằm gây tạo giống cây trồng mới có năng suất cao là một trong những giải pháp cải thiện giống có hiệu quả và đang được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực lâm nghiệp. Phương pháp lai giống được nhiều nhà chọn giống quan tâm hơn các phương pháp gây đột biến, đa bội hóa hay biến nạp gen… do tính đơn giản, dễ áp dụng. Lai giống cây rừng ở nước ta đã được Viện khoa học lâm nghiệp khởi động vào cuối những năm 1990. Bước đầu đã xác định được cơ sở khoa học quan trọng để lai giống bạch đàn và bên cạnh đó cũng tạo ra được một số tổ hợp lai trong loài và lai khác loài, đáp ứng cho công tác chọn lọc giống mới. Sau khi khảo nghiệm các thế hệ con lai cho thấy, số lượng giống mới có ưu thế chiếm tỷ lệ thấp, cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm cơ sở khoa học và mở rộng quy mô lai tạo giống bạch đàn nhiều hơn nữa. Vì vậy, trong bối cảnh rừng trồng bạch đàn dòng vô tính ngày càng nhiều, việc lai giống để tạo ra nguồn vật liệu phục công tác chọn lọc giống mới là rất cần thiết.

Một số kết quả nổi bật của nghiên cứu:
- Đã nghiên cứu chọn lọc cây bố mẹ bạch đàn: chọn lọc được 3 cây bố mẹ bạch đàn nâu gồm 10 cây trội và 11 cây ưu việt; bạch đàn trắng là 6 cây trội và bạch đàn pellita là 6 cây trội; dẫn giống, xây dựng được vườn lai giống có 73 cây hậu thế của 22 cây trội.
- Đã nghiên cứu đặc điểm vật hậu, thu hái và bảo quản phấn bạch đàn nâu, bạch đàn trắng: Xác định được bạch đàn trắng (sinh sống ở xã Ngọc Thanh - Vĩnh Phúc) có mùa hoa nở rộ từ tháng 3-6 và bạch đàn nâu (ở Tam Nông, Sơn Dương và Phù Ninh) từ tháng 7-10; nắm bắt được quy trình các bước công việc thu hái, bảo quản phấn hoa bạch đàn và vận dụng thu hái, bảo quản được tổng cộng 54,8 mg phấn hoa bạch đàn nâu và bạch đàn trắng; phấn hoa bạch đàn nâu và bạch đàn trắng chịu ảnh hưởng của nhân tố nhiệt độ và thời gian bảo quản.
- Đã nghiên cứu kỹ thuật lai tạo giống bạch đàn: Sau khi hoa bạch đàn trắng nở hoàn toàn từ 1-3 giờ, màu nhụy có màu xanh xám (mã R90.G100.B50) và xanh xám đậm (mã R80.G100.B50), đầu nhụy dài khoảng 1,13 mm và ống nhụy dài khoảng 4,22 mm, bề mặt đầu nhụy có chất nhầy và dính; Hạt phấn bạch đàn trắng hình tam giác đều, đỉnh của các góc bo tròn, từ mỗi đỉnh của hạt phấn có một rãnh sâu chạy vào chính giữa tạo thành hố lõm; kỹ thuật lai kiểu AIP và OSP có tỷ lệ đậu quả như kỹ thuật lai truyền thống, lai giống bạch đàn theo kiểu AIP có năng suất làm việc cao nhất; Nắm bắt được quy trình các bước công việc thụ phấn bạch đàn và vận dụng lai tạo được quả lai, cây lai.
- Đã nghiên cứu sinh trưởng và phát triển của cây bạch đàn lai: ở giai đoạn vườn ươm, cây của tổ hợp lai U34C7 và C2U41 bộc lộ ưu thế lai về chiều cao và đường kính gốc; ở giai đoạn rừng trồng tuổi 1, cây của 4 tổ hợp bạch đàn lai đã chứng minh được khả năng thích nghi tốt với điều kiện lập địa nơi khảo nghiệm và đồng thời có ưu thế vượt trội về sinh trưởng, phát triển chiều cao, đường kính, chỉ số thể tích thân cây, đường tán lá so với giống bạch đàn uro đối chứng, nổi bật trong số 4 tổ hợp lai là bạch đàn C2U41.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11049/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Lượt xem: 3402

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)