Thứ hai, 18/07/2016 09:26 GMT+7

Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 14/7/2016, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ giao Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ chủ trì, phối hợp với Ban thư ký MDEC-Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Sở KH&CN tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh Hậu Giang đồng tổ chức...
Hội thảo là một trong bảy hoạt động chính của Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang năm 2016, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 7 tại tỉnh Hậu Giang.


Toàn cảnh Hội thảo “Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị”

Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có: Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Trần Minh Thống; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Tham dự Hội thảo còn có Lãnh đạo UBND các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và gần 350 đại biểu gồm: Đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; các cơ quan quản lý của Bộ KH&CN, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các Viện nghiên cứu, trường đại học; các Sở, ban, ngành trong tỉnh Hậu Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt Hội thảo đã thu hút gần 200 doanh nghiệp trong tỉnh Hậu Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hội thảo và các sự kiện bên lề đã tập trung trao đổi và thảo luận về sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị. Tập đoàn Lộc Trời đã chia sẻ mô hình với tên gọi “cánh đồng liên kết 4 nhà” và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, cung cấp dịch vụ trọn gói và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân tham gia vùng nguyên liệu cánh đồng mẫu lớn của công ty. Mô hình đã mang lại hiệu quả và nâng cao thu nhập, đời sống của bà con nông dân, đồng thời phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.


Đại diện Tập đoàn Lộc Trời báo cáo về mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị trong ngành lúa, gạo

Hội thảo đã nghe báo cáo về một số kết quả xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ trong nghiên cứu triển khai, sản xuất kinh doanh và ngành chọn tạo giống lúa, nhằm làm rõ việc cần tập trung phát triển sản phẩm nào, phân khúc thị trường trong tương lai, trong thị trường đó cần tập trung phát triển sản phẩm gì với yêu cầu đặc tính kỹ thuật và cần phải phát triển những công nghệ gì để sản xuất ra sản phẩm phù hợp.


TS Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ báo cáo một số kết quả về bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ trong hoạt động nghiên cứu triển khai và sản xuất kinh doanh

Đồng thời, Hội thảo đã giới thiệu một số mô hình, công nghệ về chọn tạo giống, nuôi trồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn phục vụ chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm thủy sản, cây ăn quả. Cụ thể là mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm siêu thâm canh của Tập đoàn thủy sản Việt Úc. Mô hình này đã mang lại lợi ích cụ thể: truy xuất nguồn gốc; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; năng suất cao và ổn định; giảm diện tích đất sử dụng, đảm bảo phát triển bền vững; kiểm soát được vùng nuôi và dịch bệnh; giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Với mô hình này Tập đoàn Việt Úc đã đáp ứng được con tôm chất lượng cao và sản lượng ổn định, từ đó khẳng định được thương hiệu “tôm Việt” trên thị trường tôm trong nước và quốc tế.


“Resort” dành cho Tôm trong mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với việc áp dụng các công nghệ cao của Tập đoàn Việt - Úc

Tại Hội thảo, Viện Khoa học công nghệ Xây dựng đã giới thiệu về công nghệ ứng dụng trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông thôn mới, cụ thể là công nghệ bê tông tính năng siêu cao ứng dụng xây dựng cầu dân sinh tại P3, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Cây cầu là một trong các kết quả của hoạt động trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ do Bộ KH&CN giao Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ chủ trì thực hiện thường xuyên. Hoạt động có ý nghĩa trong việc chuyển giao và ứng dụng KH&CN vào thực tiễn xây dựng hạ tầng nông thôn mới, là mô hình của sự kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN của Trung ương và địa phương với đơn vị nghiên cứu triển khai và đơn vị ứng dụng tại địa phương. Sự kết hợp chặt chẽ và hiệu quả mô hình này đã đem đến kết quả ứng dụng hiệu quả và nhanh chóng, giúp cho địa phương có được nhịp chính của cây cầu trong thời gian ngắn.


Lễ khánh thành công trình cầu Đập Đá ứng dụng công nghệ bê tông tính năng siêu cao

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ, làm rõ thêm về những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, về công nghệ và khả năng ứng dụng, đổi mới ở lĩnh vực nông nghiệp của các doanh nghiệp trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đề xuất, kiến nghị các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời cần nâng cao vai trò các cơ quan quản lý về KH&CN trong việc kiểm tra, giám sát các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe và an sinh xã hội. Bên lề Hội thảo, các doanh nghiệp, các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long đã giới thiệu các sản phẩm công nghệ điển hình.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, thay mặt Đoàn chủ tọa, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã có một số kết luận như sau: Để sản xuất theo chuỗi giá trị cần thay đổi mạnh mẽ tư duy về sản xuất nông, thủy sản để phù hợp với nền kinh tế thị trường. Bản chất là sản phẩm theo chuỗi hàng hóa, để có thể phát triển bền vững nhằm phục vụ thị trường nội địa và quốc tế. Tức là yêu cầu của thị trường sẽ đặt ra các yêu cầu về áp dụng công nghệ để thỏa mãn nhu cầu trong nước và ngoài nước. Cùng với đó là cần nhận thức rõ hiện trạng công nghệ trong từng ngành, lĩnh vực, quốc gia, doanh nghiệp và để có thể cạnh tranh với sản phẩm các nước trên thế giới thì chúng ta phải đổi mới, áp dụng, đầu tư cho những công nghệ nào để đạt được tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm.Về phía nhà nước sẽ tạo ra hệ thống môi trường, cơ chế chính sách cho định hướng sản xuất theo chuỗi. Phải lấy doanh nghiệp làm trọng tâm để triển khai áp dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng như các mô hình sản xuất cho phù hợp. Các Sở KH&CN cần giúp doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao các công nghệ cho phù hợp với nhu cầu phát triển các sản phẩm ở địa phương, nếu không đủ năng lực thì phải phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ KH&CN để giải quyết. Cần huy động các nhà khoa học trong và ngoài vùng để nghiên cứu giải quyết một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ và các vấn đề cần thiết nhằm phát triển các sản phẩm của vùng Tây Nam Bộ nói riêng và các vùng trên cả nước nói chung./.

Lượt xem: 1055

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)