Thứ hai, 27/06/2016 10:37 GMT+7

Hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất rượu gạo truyền thống

Chiều 24/6/2016, tại Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đã tiến hành đánh giá, nghiệm thu kết quả dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất rượu gạo truyền thống sản lượng 800.000 lít/ năm” mang mã số...


Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài


Theo thống kê đến hết năm 2013, Việt Nam có khoảng 164 đơn vị sản xuất rượu công nghiệp trên địa bàn 22 tỉnh thành phố với tổng số lượng đạt 105,43 triệu lít. Có thể thấy số lượng các doanh nghiệp tham gia vào ngành sản xuất rượu tăng lên theo từng năm (Năm 2013 so với năm 2008, số lượng doanh nghiệp sản xuất rượu mạnh tăng 1,7 lần).

TS. Nguyễn Việt Anh cho biết: điểm mới của Dự án là đã tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị nuôi mốc Koji sử dụng trong hệ thống thiết bị sản xuất rượu gạo truyền thống nhằm thay thế cho việc sử dụng khay gỗ trong phòng nuôi. Việc nghiên cứu và triển khai này thành công sẽ giúp quá trình nuôi mốc sản xuất chuyên nghiệp hơn, dễ cơ giới hóa, giảm thiểu tiếp xúc với con người nên ít nguy cơ nhiễm tạp. Đặc biệt các điều kiện nuôi trong thiết bị được khống chế tốt hơn nên sự ổn định giữa các mẻ được cải thiện.

Sau thời gian thực hiện, Dự án đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất rượu gạo quy mô công nghiệp tăng từ 300.000 lít/năm lên 800.000 lít/năm. Sản phẩm rượu gạo sản xuất trên mô hình thiết bị của Dự án đạt chất lượng cao, ổn định và đạt hiệu suất thu hồi cao.

Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng được mô hình sản xuất hoàn thiện quy mô 800.000 lít/năm. Đã thiết kế và chế tạo được thiết bị nuôi mốc sản xuất quy mô 1500 kg/mẻ thay thế cho công đoạn nuôi mốc thủ công, thụ động, dễ bị nhiễm tạp.

Đặc biệt, Dự án đã được sản xuất thử nghiệm tại Công ty cổ phần Thực phẩm và Thức uống Việt (60.000 lít rượu), Công ty cổ phần Rượu Bia nước giải khát Aroma (45.000 lít rượu) với quy mô 3000 lít/ngày. Việc sản xuất trên mô hình thiết bị cho thấy đã tiết kiệm được chi phí sản xuất do nâng cao hiệu suất thu hồi, giảm bớt 50% lượng nguyên liệu nuôi mốc sản xuất.

Sản phẩm rượu gạo của Dự án đã được kiểm nghiệm chất lượng và công bố chất lượng sản phẩm tại cơ quan quản lý. Sản phẩm đạt các chỉ tiêu chất lượng theo quy định về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế và đã được đưa ra thị trường tiêu thụ. Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bao gồm lợi nhuận cho doanh nghiệp với mô hình sản xuất 800.000 lít/năm trên 11 tỷ đồng/năm, thu nhập cho người lao động và đóng góp ngân sách cho Nhà nước trên 19 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, Dự án đã giải quyết được một phần vấn đề xử lý môi trường bằng việc tận dụng dịch bã thải của quá trình sản xuất rượu gạo cho sản xuất dấm gạo theo phương pháp lên men chìm.

Với những kết quả đạt được, Dự án đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá đạt loại Xuất sắc.

Lượt xem: 1760

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)