Thứ hai, 25/07/2016 16:36 GMT+7

Giải pháp đột phá cho sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Được thành lập năm 1998, tới nay Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc vẫn chưa đáp ứng được được các mục tiêu đề ra, đó là tạo điểm nhấn, thu hút nguồn nhân lực CNC, phát triển và ươm tạo CNC của khu vực phía Bắc. Chính vì vậy, cơ chế đặc thù được xem như...

Mô hình, định hướng phát triển


Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu CNC Hòa Lạc được xác định là “Trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng CNC tầm cỡ quốc gia, nơi ươm tạo doanh nghiệp CNC, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm CNC”.

Để xây dựng và phát triển thành công một khu CNC, phải hội tụ đủ các yếu tố như có quy hoạch phát triển dài hạn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; hệ thống các trường đại học và viện nghiên cứu hỗ trợ; môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cơ chế ưu đãi và chính sách đầu tư tốt. Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có những chỉ đạo phát triển Khu CNC Hòa Lạc theo những định hướng đó. Đến nay, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc về mô hình phát triển, giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách,... nhưng về cơ bản thành phố khoa học Khu CNC Hòa Lạc hiện đã dần hình thành với những mục tiêu và định hướng rõ nét.

Quy hoạch phát triển Khu CNC Hòa Lạc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở định hướng cho Ban Quản lý xây dựng và phát triển Khu. Mặt bằng được giải phóng đáp ứng yêu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Với sự trợ giúp của Chính phủ Nhật Bản, cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu CNC Hòa Lạc đang được xây dựng và phát triển bằng nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD và dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2018. Khi đó, Khu CNC Hoà Lạc sẽ có hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ theo mô hình một thành phố KH&CN thông minh, đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần vào sự phát triển KH&CN của đất nước. Tiềm năng và cơ hội phát triển của Khu CNC Hòa Lạc được khẳng định với việc các tổ chức quốc tế hỗ trợ các nguồn lực tài chính cho xây dựng và phát triển; các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp lớn trong nước, các trường đại học và viện nghiên cứu với quy mô lớn, theo mô hình tiên tiến được Chính phủ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp hỗ trợ đã quan tâm và quyết tâm triển khai các hoạt động CNC tại đây.


Phối cảnh Khu CNC Hòa Lạc, Hà Nội tỷ lệ 1/5000


Tuy nhiên, với thực tế triển khai, mục tiêu xây dựng Khu CNC Hòa Lạc trở thành động lực thúc đẩy phát triển KH&CN quốc gia, một thành phố khoa học như ý tưởng và kỳ vọng ban đầu còn chậm do rất nhiều nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân liên quan đến các cơ chế chính sách cho Khu CNC. Do đó, bên cạnh việc giữ vững và tiếp tục thực hiện đúng các định hướng, mục tiêu phát triển, cần phải có những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc của Khu CNC Hoà Lạc cho phù hợp với tình hình triển khai thực tế, với đặc thù về mô hình tổ chức và hoạt động và các nguồn lực hiện có, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tránh lãng phí thời gian, không làm mất cơ hội của quốc gia và của các nhà đầu tư tại Khu CNC.

Giải pháp cho sự phát triển

Được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ ngành, Bộ KH&CN, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đang hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc. Dự thảo Nghị định bao gồm 6 Chương và 31 Điều tập trung vào việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc và tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp.

Một là, tháo gỡ các vướng mắc trong thực thi pháp luật; quy định các cơ chế đặc thù thực sự có tác dụng giải phóng tiềm năng phát triển của Khu CNC Hòa Lạc trong phạm vi hệ thống pháp luật hiện hành.

Hai là, quy định rõ thẩm quyền của Ban quản lý và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đơn vị có liên quan trong đầu tư, xây dựng, vận hành và quản lý theo phương châm uỷ quyền tối đa để thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông" tại Khu CNC Hòa Lạc.

Ba là, quy định các biện pháp khuyến khích, thu hút nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, xác lập cơ chế để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng CNC của Khu CNC Hòa Lạc.

Bốn là, quy định về các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Mức độ, hình thức ưu đãi phù hợp với từng đối tượng, mức độ tuỳ thuộc vào hàm lượng tri thức và khoa học công nghệ; sử dụng đất hiệu quả; sự thiết yếu đối với hạ tầng xã hội được xác định theo quy định của pháp luật hiện hành và sự cần thiết trong tiến trình phát triển của Khu CNC Hòa Lạc.

Năm là, phát triển Khu CNC Hòa Lạc trên cơ sở đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, lấy mục tiêu nâng cao năng lực nội sinh về KH&CN của Việt Nam làm chủ đạo, không vì lợi ích kinh tế trước mắt để đảm bảo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, người lao động đến làm việc và sinh sống tại Khu CNC Hòa Lạc yên tâm công tác và cống hiến.


Lễ Khởi công hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc giai đoạn 2 vay vốn ODA của Nhật Bản ngày 26/6/2015


Các nhóm nội dung đề xuất trong dự thảo Nghị định như trên nhằm tháo gỡ những vướng mắc và tạo hành lang pháp lý đầy đủ trong hoạt động của 04 nhóm đối tượng sau:

Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên môn với trách nhiệm trong việc đầu tư xây dựng và phát triển Khu CNC, việc phân cấp uỷ quyền và phối hợp với Ban Quản lý trong công tác quản lý nhà nước đối với Khu CNC...

Thứ hai, Ban Quản lý Khu CNC Hoà Lạc với trách nhiệm đầu tư xây dựng và phát triển Khu CNC; thẩm quyền quản lý nhà nước đối với Khu CNC trên tất cả các lĩnh vực; việc áp dụng các cơ chế tài chính thuận lợi để phục vụ công tác đầu tư xây dựng, phát triển và tổ chức hoạt động của Ban Quản lý.

Thứ ba, các nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Khu CNC với các nghĩa vụ tài chính về đất đai trong Khu, hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư (tiền thuê đất, tiền GPMB, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê xuất nhập khẩu, nhà ở,...), thực hiện thủ tục đầu tư nhanh chóng, thuận tiện...

Thứ tư, các cá nhân là chuyên gia, người lao động làm việc trong Khu CNC với các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách nhà ở, xuất nhập cảnh, cư trú...

Có thể nói, tinh thần chung của Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc được xây dựng theo tinh thần kiến tạo và phục vụ vì sự phát triển của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời xác định rõ vai trò và trách nhiệm của đơn vị quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc sẽ được hưởng môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, thủ tục hành chính đơn giản, một cửa, tại chỗ và đặc biệt là chi phí đầu tư thấp nhất, kể cả chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng,…

Với việc Nghị định quy định các chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc đang được hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành, Khu CNC Hòa Lạc đã và đang hội tụ đủ các yếu tố để phát triển, trở thành cái nôi của khoa học công nghệ, nơi phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ cho đất nước.


Lượt xem: 1249

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)