Đây là một trong những chỉ đạo được Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại buổi làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về thực trạng hoạt động và những giải pháp phát triển của Cục SHTT trong giai đoạn tiếp theo, sáng 29/9.
Ngoài Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tham dự buổi làm việc còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo Bộ Nội Vụ; Văn Phòng Chính phủ cùng đại diện các đơn vị liên quan của Bộ KH&CN.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc sáng 29/9. Ảnh: ĐN.
Mỗi năm lượng đơn tăng 10%
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Thanh đã nêu nhiều kết quả nổi bật. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh hệ thống pháp luật về SHTT.
“Hiện hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam đã vượt chuẩn mực phổ cập của thế giới. Hệ thống pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền SHTT của Việt Nam không những đạt chuẩn tối thiểu của WTO mà còn đạt tiêu chuẩn cao hơn theo Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ. Hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam có thể sánh với các nước tiên tiến trong khu vực và hơn nữa còn đang hướng tới các chuẩn mực tiên tiến của thế giới theo các cam kết trong các FTA thế hệ mới về các tiêu chí có lợi cho chủ sở hữu quyền” - Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng nêu một thực tế, việc xác lập quyền SHCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục và ngày càng nặng nề bởi số lượng đơn đăng ký SHCN tăng nhanh (bình quân khoảng 10% mỗi năm). Chỉ tính riêng trong 05 năm gần đây (từ 2011 đến 2015), Cục SHTT đã nhận được 390.876 đơn hoặc yêu cầu các loại, đã xử lý được 338.387 đơn bằng 86,7% tổng số đơn nhận được, cấp 132.107 văn bằng bảo hộ SHCN, trong đó có 6.028 Bằng độc quyền sáng chế, 466 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 6.648 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 118.922 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và 23 Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc sáng 29/9. Ảnh: ĐN.
Dù đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, song Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng chỉ ra những vướng mắc như: Chính sách, pháp luật SHTT hiện nay tuy đã xử lý các vấn đề chuyên môn về bảo hộ và thực thi quyền SHTT song vẫn chưa kết hợp một cách đồng bộ với các đạo luật liên quan như Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ; chậm cải cách thủ tục hành chính và đơn giản hóa quy trình trong xác lập quyền sở hữu công nghiệp; một số quy định chưa được chi tiết, rõ ràng dẫn đến việc chậm trễ, ách tắc trong công tác thẩm định đơn, ví dụ các đơn sáng chế dược phẩm với vấn đề sáng chế dạng sử dụng; Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin như hệ thống quản trị đơn, cơ sở dữ liệu, công cụ tra cứu, trang thiết bị.
Nguyên nhân của tình trạng này được Thứ trưởng Trần Việt Thanh chỉ rõ, là do thiếu nhân lực để xử lý đơn; cơ sở vật chất, kỹ thuật thiếu và đã lạc hậu; nguồn lực tài chính hạn chế do chỉ dựa trên một phần phí, lệ phí được để lại (70%) trong khi mức phí và lệ phí của Việt Nam lại quá thấp so với các nước khác, không đủ bù đắp các chi phí cho hoạt động thẩm định đơn đăng ký SHCN do vẫn giữ nguyên biểu phí với mức giá của nhiều năm trước. Ví dụ, đối với phí thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế, mức phí trung bình của Việt Nam là 1.260.000 đồng, trong khi đó mức phí của Malaysia là 5.862.000 đồng (cao hơn 4,7 lần so với mức thu của Việt Nam), của Philippines là 1.642.000 đồng (cao hơn 1,3 lần), và của Singapore là 41.288.000 đồng (cao hơn 32,8 lần); Chất lượng của các hệ thống bổ trợ như hệ thống đại diện sở hữu công nghiệp không cao, chất lượng đơn do các đại diện sở hữu công nghiệp chuẩn bị chưa thật sự đạt chuẩn.v.v
Đổi mới cách làm, Việt Nam phải bứt phá về hoạt động SHTT
Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các đơn vị của Cục SHTT – nơi trực tiếp giải quyết các công việc hằng ngày chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc hiện tại cũng như đề xuất biện pháp tháo gỡ. Mong muốn lớn nhất được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là thúc đẩy nhanh hơn nữa hoạt động thẩm định, xử lý đơn, cấp văn bằng bảo hộ để góp phần đẩy nhanh văn bằng sáng chế của Việt Nam cũng như các hoạt động hỗ trợ nhằm đẩy mạnh việc bảo hộ SHTT cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Đại diện các ý kiến cũng nêu rõ những khó khăn hiện tại, trong đó cơ bản là vấn đề nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng đang gặp nhiều khó khăn khiến lượng đơn thời gian qua không kịp thời được xử lý.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh báo cáo tại buổi làm việc sáng 29/9. Ảnh: ĐN.
Chia sẻ khó khăn này, song Phó Thủ tướng đề nghị trước hết lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên của Cục SHTT phải thấy được trách nhiệm của mình. Theo đó, cần sáng tạo từ công việc nhỏ nhất và giải quyết thông thoáng, minh bạch thì chắc chắn mọi việc sẽ thúc đẩy tốt hơn.
Nhìn từ việc tồn đọng đơn, Phó Thủ tướng yêu cầu Cục SHTT cần phải thay đổi để xây dựng cơ sở dữ liệu tốt, sắp xếp khoa học hơn. Đặc biệt phải học hỏi kinh nghiệm của thế giới, tra cứu, công nhận kết quả của các nước để giảm bớt thời gian xử lý hồ sơ.
Cho rằng, thời gian tới chắc chắn lượng đơn được gửi đến Cục SHTT sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn, trong khi số cán bộ quản lý, thẩm định lại không thể tăng theo, vì vậy việc đổi mới cách làm cũng như xây dựng quy trình khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin là điều Phó Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng khẳng định, về phía Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đồng hành, tháo gỡ những khó khăn với mong muốn lớn nhất thúc đẩy hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT.
Phó Thủ tướng có lòng tin, khi từng dịch vụ, từng khâu nhỏ như cho đăng ký qua mạng chắc chắc sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động của SHTT.
“Hệ thống sáng tạo quốc gia của Việt Nam khi đó chắc chắn sẽ được nâng lên. Quyết tâm đến năm 2020 Việt Nam vươn lên đứng thứ 2 ASEAN về lĩnh vực sở hữu trí tuệ” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Trước chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tiếp nhận và cho biết, về phía Bộ sẽ cùng với Cục SHTT, qua những vấn đề cụ thể sẽ tháo gỡ theo hướng tích cực. Tinh thần là tiếp cận cách làm mới đề giải quyết công việc. Liên quan đến thẩm quyền của Bộ như việc sửa thông tư, từng khâu, từng đầu việc sẽ xem xét, những vấn đề quan trọng, cốt lõi nhất… để cải thiện, thúc đẩy hoạt động SHTT, đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra.
Được biết một trong các giải pháp sắp tới được Cục SHTT hướng tới đó là tăng cường đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. Theo đó 1 trong 4 kiến nghị của Cục SHTT tới Chính phủ là: “Cho phép về mặt chủ trương Cục thực hiện thuê hạ tầng công nghệ thông tin; và chỉ định thầu đối với Viettel trong các hoạt động phát triển hệ thống công nghệ thông tin của Cục”. Về kiến nghị này Phó Thủ tướng ủng hộ và đồng thuận./.