Thứ bảy, 16/01/2016 18:38 GMT+7

23 tác phẩm đạt Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2015

Ngày 14/01/2016, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Lễ Trao Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2015. Tham dự Lễ trao giải có ông Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN,...


Toàn cảnh buổi Lễ trao Giải thưởng (Ảnh: Ngũ Hiệp)


Đây là lần thứ 4 Giải thưởng được tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc về KH&CN, đồng thời tạo động lực nhằm khuyến khích các phóng viên, cơ quan báo chí tích cực tham gia tuyên truyền về KH&CN để góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất, kinh doanh; nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KH&CN trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Giải thưởng được tổ chức lần đầu tiên năm 2012 với rất nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, phản ánh được khá đầy đủ các hoạt động trong lĩnh vực KH&CN. Trong năm 2015, Ban tổ chức Giải thưởng đã nhận được 855 tác phẩm, nhóm tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả thuộc nhiều báo, đài trung ương và địa phương trên cả nước thuộc 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình tham dự Giải thưởng, vượt 264 tác phẩm/ nhóm tác phẩm so với năm 2012 (591 tác phẩm/nhóm tác phẩm). Chủ đề các tác phẩm phản ánh tập trung vào các lĩnh vực: cơ chế chính sách KH&CN; tôn vinh các nhà khoa học; thành tựu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào cuộc sống; một số lĩnh vực KH&CN khác.


Ông Nguyễn Xuân Toàn, Phó Phó Trưởng Ban Thường trực tổ chức Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2015 phát biểu tại buổi Lễ (Ảnh: Ngũ Hiệp)


Có thể nói năm 2015 là một năm đầy sôi động của KH&CN. Hàng loạt các sự kiện quan trọng diễn ra, đánh dấu những thành tựu phát triển, ứng dụng KH&CN trong nhiều lĩnh vực như: giáo dục, y tế, quốc phòng,… Các tác phẩm báo chí thuộc 4 loại hình trên cả nước cũng đã phản ánh được đầy đủ, sâu sắc các hoạt động KH&CN nói chung và việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống, kinh doanh nói riêng.

Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn, 855 tác phẩm, nhóm tác phẩm tham dự Giải thưởng đã phản ánh khá tốt về mọi mặt hoạt động KH&CN của các nhà khoa học, địa phương, doanh nghiệp cũng như của người dân; đi vào các nội dung cấp bách, phổ biến và thực tiễn của đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, bài viết thể hiện sự đầu tư, chuẩn bị công phu của các tác giả về các chủ đề có tính thời sự, các đánh giá bình luận cũng đã phản ánh được yêu cầu và tác động của hoạt động KH&CN. Một số tác phẩm phát thanh, truyền hình có kịch bản, đạo diễn, thể hiện, hậu kỳ,… có chất lượng tốt cả về nội dung đề cập và tính chuyên nghiệp, âm thanh hình ảnh sống động, tác phẩm hấp dẫn thuyết phục độc giả, kịch bản được xây dựng công phu.

Với thời gian 12 tháng làm việc thận trọng, nghiêm túc, khách quan và công bằng của Ban tổ chức Giải thưởng, các Hội đồng và nhiều cơ quan liên quan, kết quả xét chọn đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Từ 77 tác phẩm vào vòng Chung tuyển, Ban tổ chức đã chọn ra 23 tác phẩm/nhóm tác phẩm xuất sắc, đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của Giải thưởng. Cụ thể, 23 tác phẩm và nhóm tác phẩm được trao Giải thưởng gồm: Thể loại báo in (01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 02 giải Ba, 03 giải Khuyến khích); Thể loại truyền hình (01 giải Nhì, 02 giải Ba, 03 giải khuyến khích); Thể loại phát thanh (01 giải Nhì, 02 giải Ba, 02 giải Khuyến khích); Thể loại báo điện tử (01 giải Nhì, 02 giải Ba, 02 giải Khuyến khích).


Các tác giả nhận Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2015 (Ảnh: Ngũ Hiệp)


Các tác giả đoạt giải được nhận Giấy Chứng nhận của Ban tổ chức Giải thưởng, Biểu trưng Giải thưởng “Báo chí về khoa học và công nghệ năm 2015” và phần thưởng đối với giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích lần lượt là 25, 12, 7 và 3 triệu đồng. Riêng với giải Nhất, các tác giả còn được nhận Cúp và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN.

Danh sách các tác phẩm đạt Giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2015:

Giải Nhất:

Nhóm tác phẩm “Khoa học giúp doanh nghiệp vững bước vào thị trường”, tác giả Lý Thị Anh Thư, Báo Khoa học phổ thông.

Giải Nhì:

- Nhóm tác phẩm “Lúa ma huyền thoại”, Báo Tuổi trẻ;

- Giao lưu trực tuyến “Techmart 2015 - Liên kết hội nhập và phát triển bền vững”, Báo Hà Nội mới;

- Tác phẩm “Dùng công nghệ triệt xăng gian lận”, Trung tâm Tin tức (VTV24), Đài Truyền hình Việt Nam;

- Nhóm tác phẩm “Định giá kết quả nghiên cứu khoa học: Vì sao khó?” và “Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu: Điều kiện cần và đủ là gì?”, Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1).

Giải Ba:

- Nhóm tác phẩm “Bảo quản nông sản sau thu hoạch: Cần giải pháp đồng bộ”, Tòa soạn Khoa học & Công nghệ, Thông tấn xã Việt Nam;

- Công nghệ Việt "thuần phục" dioxin, Báo Tiền phong;

- Nhóm tác phẩm “Việt Nam không phản đối đưa amiăng vào danh mục độc hại”; “Công ước Rotterdam và "cuộc chiến" amiăng tại Việt Nam”; “Dán nhãn nguy hại cho tấm lợp fibro xi măng”, Báo điện tử VietNamnet;

- Tường thuật trực tuyến “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt các nhà khoa học trẻ”, Báo Khoa học & Phát triển;

- Tác phẩm “Giải pháp "Máy băm dây thanh long" giúp làm lợi cho người nông dân”, Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV2);

- Tác phẩm “Mắt thần" cho người khiếm thị, Truyền hình báo Tuổi trẻ;

- Nhóm tác phẩm “Chủ động trong nghiên cứu và sản xuất hạt giống - Cần những chính sách đột phá”, Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1);

- Nhóm tác phẩm “Công nghệ sau thu hoạch giảm thiệt hại, nâng cao giá trị nông sản: Thiệt hại lớn vì chậm ứng dụng công nghệ; Triển vọng đột phá trong thu hoạch, bảo quản nông nghiệp”.

Giải Khuyến khích:

- Tác phẩm “Vắc-xin vươn ra thế giới, cơ hội lớn cho Việt Nam”, Báo Đất Việt;

- Nhóm tác phẩm “Không hề "vắng bóng" những sản phẩm công nghệ”, Báo Sài Gòn Giải phóng;

- Tác phẩm “Kỹ sư Việt vươn ra biển lớn”, Báo Thanh niên;

- Tác phẩm “Nhà khoa học nữ sản xuất vắc-xin tại chiến trường”, Báo Nhân Dân điện tử;

- Nhóm tác phẩm “Phát triển và hội nhập phải nhìn từ bài toán nhân lực”, Báo điện tử Khám phá;

- Tác phẩm “Chính sách thu hút nhân lực khoa học”, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1);

- Tác phẩm “Nhà sáng chế trình độ tiểu học và "Máy se sợi tơ xơ dừa" làm lợi hàng trăm triệu đồng”, Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV2);

- Tác phẩm “Bờ bao chống ngập từ cọc bản nhựa uPVC”, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh;

- Tác phẩm “Làm sạch dầu tràn trên biển bằng lõi ngô”, Hệ Văn hóa - Đời sống - Khoa giáo, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV2);

- Tác phẩm “Tìm giải pháp công nghệ chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh”, Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.


Lượt xem: 1466

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)