Đề tài nằm trong khuôn khổ đề tài Đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Nghiên cứu phát triển bền vững hệ thống rừng phòng hộ tại dải ven biển Bắc Trung Bộ” do Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng chủ trì thực hiện. Tham gia đoàn kiểm tra còn có đại diện Vụ KH&CN các ngành Kinh tế- Kỹ thuật (Bộ KH&CN), các thành viên tham gia đề tài, các cán bộ địa phương…
Ông Nguyễn Đắc Bình Minh, Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài đã xây dựng được 18 ha (06 ha/tỉnh x 03 tỉnh) mô hình trên các tuyến ngoài (mô hình rừng ngập mặn tại Cửa Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), mô hình tuyến giữa (ở Lệ Thủy, Quảng Bình và Triệu Phong, Quảng Trị) và mô hình tuyến giáp đồng, kết hợp sản xuất cây nông nghiệp (ở Cẩm Dương, Hà Tĩnh; Lệ Thủy, Quảng Bình và huyện Triệu Phong, Quảng Trị).
Mô hình rừng ngập mặn chắn sóng, bồi lắng phù sa tại Cửa Hội, Nghi Xuân, Hà TĩnhSau khi kiểm tra tất cả các mô hình theo các tuyến phòng hộ (tuyến ngoài, tuyến giữa và tuyến giáp đồng) ở 04 huyện ven biển của 3 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, đại diện Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - Kỹ thuật đã đánh giá cao các mô hình trồng ở vùng ven biển (rừng ngập mặn, rừng vùng cát), nơi có điều kiện về các yếu tố lập địa, khí hậu... khó khăn. Các cây trồng ở các mô hình sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt cây rừng ngập mặn (cây Bần chua) sau 27 tháng tuổi, cây sinh trưởng bình quân cao trên 2,5 m; mô hình trồng rừng vùng cát bằng cây Keo lá liềm ở cả 3 tỉnh đều sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt ở Cẩm Dương, Hà Tĩnh, cây Keo lá liềm sinh trưởng về chiều cao bình quan trên 2,8 m, đã khép tán phát huy tốt chức năng phòng hộ chắn gió, chắn cát, bảo vệ sản xuất cây nông nghiệp phía trong.
Mô hình sản xuất cây nông nghiệp phía sau đai rừng phòng hộ tuyến giáp đồng tại Long Quang, Triệu Trạch, Triệu Phong, Quảng TrịCác đai rừng phòng hộ ven biển có vai trò và ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt môi trường sinh thái mà còn cả về mặt kinh tế, xã hội; giảm thiểu các tác hại của thiên tai, bão lũ, hạn chế cát bay, hoang mạc hóa, xâm thực mặn, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hệ lụy kéo theo. Rừng phòng hộ vùng cát ven biển là vùng sinh thái rất nhạy cảm, khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết cực đoan, các loại hình thiên tai. Rừng bị tàn phá nghiêm trọng do nạn chặt phá rừng, khai thác titan, nguyên liệu làm thủy tinh, vật liệu xây dựng, nuôi tôm trên cát, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng sang mục đích khác... là mối nguy hại nghiêm trọng ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng cũng như sinh kế người dân ven biển.