Thứ năm, 08/12/2016 15:17 GMT+7

7.500 mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ đến với nông dân

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân cả nước tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện tái cơ cấu và góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Ngày 06/12/2016, tại tỉnh Bắc Giang đã diễn ra “Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2016”, là sự kiện diễn ra hằng năm, nằm trong Chương trình phối hợp hoạt động giữa hai ngành giai đoạn (2016 - 2020).

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh: Cần tăng cường liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý và ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị là hơn 100 đại biểu đến từ các Sở KH&CN, Hội nông dân, một số doanh nghiệp và nông dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Tại Hội nghị, ông Lê Văn Khôi, Phó trưởng Ban Tuyên huấn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trình bày báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ KH&CN năm 2016 và phương hướng hoạt động của Chương trình năm 2017.

Qua một năm thực hiện Chương trình phối hợp, đã đem lại hiệu quả về kinh tế một cách rõ rệt. Các tiến bộ về KH&CN đã được ứng dụng, chuyển giao ở cả 63 tỉnh thành, tạo ra các sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao.

Cụ thể, việc ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu thông qua các mô hình trình diễn tại các tỉnh trong năm 2016 đã xây dựng được 7.500 mô hình với số tiền 10.498 nghìn tỷ đồng. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ các loại giống lúa có chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Ngoài ra, còn có các dự án nuôi trồng nấm rơm, dự án nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm, dự án hầm bioga, vườn, ao, chuồng… với tổng kinh phí trên 6.950 tỷ đồng.

Cũng theo ông Khôi, thông qua các Chương trình, dự án đã hoàn thiện được quy trình, kỹ thuật, kế thừa giải pháp tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh để mở rộng mô hình tại các địa phương khác. Tại các tỉnh đều có những gương nông dân xuất sắc trong ứng dụng KH&CN vào sản xuất, điển hình như: Hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Thủy, Hội nông dân tỉnh Bắc Giang, với mô hình ứng dụng KH&CN trong thụ phấn cho cây na ra quả trái vụ làm tăng giá trị gấp 2 lần/ha gieo trồng so với phương pháp thông thường. Hộ gia đình ông Nguyễn Quang Huy, Hội nông dân tỉnh Yên Bái với mô hình nuôi thỏ Newzeland lợi nhuận từ 700-800 triệu đồng/năm. Hộ gia đình ông Đặng Đình Thị, ở Sơn La sử dụng Hệ thống tưới âm công nghệ Israel để trồng cỏ nuôi bò thịt cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm…
 


Toàn cảnh Hội nghị
 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh khẳng định: Sau khi Bộ KH&CN cùng với Hội Nông dân Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp, đến nay đã có 58 tỉnh thành ký Chương trình phối hợp theo hướng dẫn của Bộ KH&CN và Hội Nông dân Việt Nam. Qua đó, năm 2016, các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình phối hợp đã thu được nhiều kết quả tốt. Công tác tuyên truyền đã được thực hiện tốt, vai trò, ứng dụng của KH&CN đã được đẩy mạnh. Các bản tin về KH&CN, trang thông tin điện tử cung cấp thông tin cho người nông dân tiếp tục được duy trì và số lượng truy cập năm sau cao hơn năm trước. Nhiều mô hình sản suất, kinh doanh giỏi được tôn vinh. Qua đó đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn ngày càng tăng và có chất lượng tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình phối hợp hoạt động trong năm 2016 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Trọng tâm trong thời gian tới Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tiến bộ KHKT và đa dạng hóa công tác tuyên truyền hơn nữa. Việc thiết lập mạng lưới, nội dung cập nhật thông tin thống nhất giữa các địa phương cần nhanh chóng được xây dựng. Ngoài ra, các địa phương phải xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể cho các quý trong năm; nghiên cứu tăng cường liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị và quan tâm đến quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của người nông dân.

Nguồn: Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - Kỹ thuật

Lượt xem: 1699

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)