Thứ ba, 06/12/2016 15:22 GMT+7

Nghiên cứu những đặc trưng cơ bản và tác động của ENSO đến hạn hán, mưa lớn ở Việt Nam và khả năng dự báo

ENSO thực chất là vấn đề tương tác giữa khí quyển và đại dương trên đới vĩ độ thấp Thái Bình Dương. Thuật ngữ ENSO, là chữ viết tắt của từ ghép El Nino Southern Oscillation (El Nino - Dao động Nam), được dùng để phản ánh quá trình tương tác mạnh mẽ giữa đại dương và khí quyển bao gồm 2 hiện tượng: El Nino (trong đó có La Nina) và Dao động Nam với hàm nghĩa: El Nino là hiện tượng nhiệt độ bề mặt biển phía Đông và trung tâm xích đạo Đông Thái Bình Dương nóng lên trên diện tích rộng, thường kéo dài khoảng 1 năm vào những khoảng thời gian không đều đặn, trung bình khoảng 3-5 năm một lần. El Nino được coi như pha nóng của chu trình dao động khí hậu. La Nina là hiện tượng nhiệt độ bề mặt nước biển phía Đông và trung tâm xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường và được coi như pha lạnh đi của chu trình dao động khí hậu nói trên. Dao động Nam được dùng để chỉ những biến đổi về khí áp bề mặt trên vùng nhiệt-xích đạo phía Đông và phía Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương đi kèm với chu trình El Nina/La Nina.

Trên Thế giới, vấn đề ENSO được nghiên cứu với những nội dung cơ bản có tính truyền thống và phổ cập là: bản chất hiện tượng ENSO, cơ chế hoạt động của ENSO, các chỉ số đặc trưng của ENSO, tác động của ENSO đến thời tiết, khí hậu, môi trường, kinh tế - xã hội và những nội dung có tính đương đại: dự báo và cảnh báo ENSO, ứng dụng các thông tin ENSO dự báo thời tiết, khí hậu, thời tiết cực đoan. Tuy nhiên tại Việt Nam, các vấn đề dự báo tần số hiện tượng cực đoan, đặc biệt là hạn hán, mưa lớn trong điều kiện ENSO theo phương pháp thống kê vẫn chưa được nghiên cứu một cách hệ thống, đồng bộ. Vấn đề dự báo khả năng xuất hiện ENSO bằng các phương pháp động lực hầu như chưa được đề cập đến. Vì vậy, nhóm nghiên cứu do GS.TS. Nguyễn Trọng Hiệu, Trung tâm KHCN Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Khoa học Tài nguyên và Môi trường đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu những đặc trưng cơ bản và tác động của ENSO đến hạn hán, mưa lớn ở Việt Nam và khả năng dự báo” với mục tiêu mô phỏng được sự biến động và cơ chế tác động của ENSO đến hạn hán và mưa lớn ở Việt Nam; xác định được mối quan hệ giữa hoạt động của ENSO với hạn hán và mưa lớn ở Việt Nam; xây dựng được mô hình dự báo, cảnh báo sớm hạn hán và mưa lớn ở Việt Nam trên cơ sở các thông tin ENSO. 
 


Để đạt được các mục tiêu nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu với các nội dung chính như sau:
- Thu thập và tổng quan tài liệu liên quan đến ENSO, ứng dụng thông tin ENSO để dự báo (tập trung vào hạn hán và mưa lớn). Thu thập số liệu khí hậu và bản đồ synop phục vụ nghiên cứu cơ chế hoạt động của ENSO và các đặc trưng hạn hán và mưa lớn.
- Nghiên cứu cơ chế vận tải ẩm và tổng vận tải ẩm trong các thời kỳ hình thành, phát triển và tan rã của ENSO. 
- Nghiên cứu cơ chế hoàn lưu khí quyển trong thời gian có và không có hoạt động El Nino, La Nina.
- Xây dựng các chỉ số hoàn lưu đặc trưng cho các thời gian có hoặc không có hoạt động của ENSO.
- Xây dựng các chỉ số ENSO hỗn hợp đặc trưng cho các thời gian có hoặc không có hoạt động của ENSO.
- Nghiên cứu xây dựng bộ số liệu hạn hán và mưa lớn ở Việt Nam phục vụ nghiên cứu ENSO.
- Nghiên cứu mối quan hệ đồng thời và không đồng thời giữa các đặc trưng khí hậu và chỉ số hoàn lưu phức hợp với hạn hán và mưa lớn ở Việt Nam.
- Mô phỏng (hoặc số hóa) quá trình hoạt động của ENSO với diễn biễn của hạn hán, mưa lớn, tác động của ENSO đến hạn hán, mưa lớn
- Xây dựng thử nghiệm mô hình thống kê dự báo hạn hán, mưa lớn trên cơ sở các thông tin ENSO. 
- Thực nghiệm mô hình động lực dự báo sự xuất hiện, tồn tại, phát triển ENSO và dự báo hạn hán, mưa lớn cho Việt Nam từ kết quả mô hình động lực. 

Qua 04 năm (từ tháng 5/2011 đến tháng 5/2014) nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đạt được kết quả với các tính mới về khoa học như sau: 
- Đưa ra được một lịch ENSO bao gồm lịch El Nino và lịch La Nina...Cho thời kỳ 1960-2009;
- Xác định được các thời kỳ: Trước, Hình thành, Phát triển, Suy thoái –tan rã, Sau, cho từng đợt El Nino và từng đợt La Nina;
- Giới thiệu được bộ chỉ số hoàn lưu cho cả đợt El Nino, cả đợt La Nina và các thời kỳ khác nhau của đợt El Nino và La Nina;
- Xây dựng được 30 bản đồ trị số trung bình của các yếu tố: STT, SLP, U, V và các mực 1000, 800, 700, 500, 200hpa, OLR. QU và Qv cho cả 13 đợt El Nino và 11 đợt La Nina thời kỳ 1960-2009;
- Xác định được 5 hình thế khí áp tiêu biểu cho hạn hán-mưa lớn: hạn rất nhiều; hạn nhiều; hạn trung bình mưa lớn trung bình; mưa lớn nhiều; mưa lớn rất nhiều trong các đợt ENSO;
- Xác định được hiệu ứng El Nino và hiệu ứng La Nina về hạn hán và mưa lớn trên từng vùng khí hậy và cả nước Việt Nam;
- Số hóa được quá trình tác động của ENSO đến hạn hán và mưa lớn ở Việt Nam có độ chính xác 60 - 70% hoặc hơn;
- Xây dựng được 6 mô hình dự báo thống kê và 6 quy trình dự báo thống kê hạn hán và mưa lớn ở Việt Nam với độ chính xác 60 - 70% hoặc hơn;
- Thử nghiệm thành công mô hình động lực CAM-SOM mô phỏng các đặc trưng hoàn lưu, ENSO và dự báo hoạt động của ENSO;
- Xây dựng được quy trình dự báo hạn hán, mưa lớn bằng mô hình động lực CAM-SOM;
- Xuất bản được cuốn sổ tay ENSO và một số thuật ngữ cơ bản.

Các kết quả nghiên cứu là tài liệu mới nhất về các kiến thức cơ bản về ENSO, tác động ENSO đến hạn hán và mưa lớn ở Việt Nam. Có thể coi đây như một tài liệu tham khảo hữu ích cho các ngành khoa học: khí tượng, thủy văn và môi trường. Thành công của đề tài góp phần nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực liên quan đến ENSO. Kết quả khoa học của đề tài có thể ứng dụng trong công tác dự báo hạn hán, mưa lớn. Các kết quả nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Journal of Advances in Meteorology.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 10965) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

 

Nguồn: P.T.T (NASATI)

Lượt xem: 5041

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)