Thứ năm, 26/10/2017 15:06 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Ngành Ngân hàng đang khẩn trương chủ động triển khai các hoạt động thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Chỉ thị 16/CT-TTg).

Chủ động trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (I 4.0)

Nằm trong chuỗi các buổi làm việc kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và các Bộ, Ngành, ngày 25/10/2017, Bộ KH&CN đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, làm trưởng đoàn.
 

Toàn cảnh buổi làm việc.
 

Báo cáo về tình hình triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg trong ngành Ngân hàng, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, về phía Ngân hàng Nhà nước đã tập trung vào 5 nhóm công việc. Cụ thể:

Thứ nhất là tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh thông tin cho ngành Ngân hàng như nâng cấp Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS); Thúc đẩy việc kết nối liên thông và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực thanh toán; Tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn đối với các hệ thống thanh toán; tổ chức triển khai Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam đến năm 2020; tăng cường hoạt động giám sát đối với các hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc giám sát quốc tế…Hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ hoạt động thanh toán, phát triển hạ tầng CNTT, an toàn, an ninh bảo mật nhằm ứng phó với những thách thức mà I 4.0 đặt ra.

Thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chính phủ điện tử.

Thứ ba là Xây dựng Chiến lược, chương trình hành động của ngành Ngân hàng phù hợp với xu thế của I 4.0.

Thứ tư là tích cực hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp tài chính công nghệ (Fintech). Ngoài ra, NHNN dự kiến triển khai nghiên cứu 06 vấn đề trọng tâm liên quan đến lĩnh vực Fintech, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, hoàn thiện hệ sinh thái và khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty Fintech tại Việt Nam.

Thứ năm là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, truyền thông chính sách nhằm nâng cao nhận thức của toàn Ngành về I 4.0.

Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN cũng đã đánh giá mức độ tiếp cận I 4.0 của các TCTD qua khảo sát điều tra. Kết quả cho thấy, nhận thức của hệ thống ngân hàng Việt Nam là khá đồng đều, các ngân hàng đều đang bắt tay xây dựng chiến lược phát triển công nghệ cao/công nghệ đặc trưng của I 4.0. Căn cứ vào nguồn lực cũng như thế mạnh của mình, từng ngân hàng đều có những kế hoạch riêng để đón nhận và thích ứng với những bước tiến đang đến của I 4.0.

Cần hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho rằng vấn đề pháp lý được đặt ra hơn bao giờ hết. Thực tế cho thấy, hệ thống pháp lý thường chậm so với nhu cầu thực tế 2- 3 năm, nhất đối với tốc độ phát triển công nghệ như vũ bão của I 4.0 thì khoảng cách đó ngày càng xa. Nếu không có hành lang pháp lý đầy đủ thì ranh giới giữa phạm pháp và vinh quang là rất mong manh, không ai dám làm cả.

Hơn nữa, khi nói đến những ưu đãi chính sách cho ngành nghề ứng dụng thành tựu từ I 4.0 như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi giá trị hàng hóa nông sản hay khởi nghiệp của doanh nghiệp CNTT, công ty Fintech… không chỉ đề cập đến vấn đề vốn, lãi suất mà quan trọng là các chính sách mới của pháp luật phải khẩn trương được xây dựng tích hợp một cách đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, rõ về khái niệm, điều kiện, tiêu chuẩn được nhận sự hỗ trợ, ưu tiên là những gì? Quy trình thủ tục, thời gian xử lý tất cả đều minh bạch, công khai trên mạng; có chế tài xử lý các bên vi phạm nhất là các công chức, viên chức cố tình nhũng nhiễu, tạo cửa “xin cho”.

Bên cạnh đó, với I 4.0 đã xuất hiện những công nghệ xuyên biên giới như Uber, Google, Netflex… người dùng chỉ cần thẻ Visa là có thể thanh toán. Điều đó có nghĩa, họ tận dụng con người, vật chất, của cải của ta nhưng ngồi tận nơi xa tắp nào đó vẫn thu tiền của không cần qua hệ thống kiểm soát của ta. Ông Dũng nhấn mạnh, đây là thách thức của quốc gia, không còn dừng lại ở một ngành, một lĩnh vực nào.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng đưa ra quan điểm rất mạnh dạn về Quỹ Đầu tư mạo hiểm, đó là cần phải đầu tư theo đúng tư duy thị trường. Nếu cứ vướng mắc về cơ sở pháp lý về vấn đề chịu trách nhiệm khi đầu tư thất bại thì có lẽ không bao giờ triển khai được hoạt động đầu tư mạo hiểm. Phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm là điều rất cần thiết cho Việt Nam, vì các lĩnh vực công nghệ mới khi thử nghiệm phát triển sẽ còn nhiều rủi ro. Ví dụ như ở Mỹ cứ 400 ý tưởng khởi nghiệp tỷ lệ thành công có thể chỉ là một, như vậy những thiết chế pháp lý cho dạng quỹ này cũng phải đồng bộ, minh bạch, tránh hình sự hóa để thui chột đi các cơ hội sáng tạo cho các doanh nghiệp trẻ. Theo đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ KH&CN sớm nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của các Quỹ đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Trong đó, chú trọng khuyến khích mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm để các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước quản lý.

Một vấn đề nữa cũng được nhắc đến là cần định nghĩa lại về nguồn tài nguyên quốc gia. Trước đây, khi nói về tài nguyên quốc gia, người ta thường nhắc đến tài nguyên rừng, khoáng sản… nhưng nay, tài nguyên mạng, dữ liệu số cũng là những loại tài nguyên có giá trị tài sản to lớn cần được bảo vệ và khai thác.

Trao đổi trong cuộc làm việc, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN cho rằng, chính sách muốn có hiệu quả thì đối tượng thụ hưởng phải rõ ràng. Tuy nhiên, đứng trước I 4.0, Bộ KH&CN cũng khuyến nghị các Bộ, Ngành tự rà soát lại hệ thống chính sách hiện có có liên quan đến I 4.0 để từ đó thấy cần điều gì, thiếu điều gì hay có sự chồng chéo vướng mắc thì bổ sung, điều chỉnh hoặc ban hành mới.
 

Ngân hàng tự động LiveBank của Tiephong Bank ra mắt 2/2017 – là sự kiện đánh dấu bước sự kết hợp công nghệ với ngành ngân hàng trong bối cảnh I 4.0.
 

Định hướng tiếp cận ứng dụng I 4.0 của ngành Ngân hàng Việt Nam

1. Xây dựng chiến lược về phát triển CNTT, an toàn, an ninh bảo mật của ngành Ngân hàng, đây phải là một chiến lược bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030. Trong đó một nhiệm xuyên suốt là nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại của I 4.0.

2. Tập trung nguồn lực để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo môi trường sinh thái tốt cho các TCTD và các công ty Fintech phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.

3. Định hướng xây dựng mô hình chi nhánh hiện đại - giúp tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng - giúp họ tương tác tốt hơn. Việc xây dựng các chi nhánh này chủ yếu dựa vào nền tảng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh hóa của I 4.0.

4. Tăng cường ứng dụng chuỗi cung ứng thông minh và mô hình ngân hàng đại lý: Nguyên lý của I 4.0 là tạo ra một mô hình chuỗi cung ứng mới gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của khách hàng.

5. Đẩy mạnh thiết kế và bán theo gói sản phẩm dịch vụ ngân hàng (the pharmacy) cho những phân khúc khách hàng phù hợp thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử cá nhân và phát triển các thiết bị tự phục vụ.

6. Đặc biệt chú trọng quản lý an ninh mạng

7. Các TCTD đổi mới chính sách và quy trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhất là cho vay theo chuỗi giá trị đối với nông sản chủ yếu có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nhằm tạo bước đột phá về ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nano từ I 4.0 mang lại.

8. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng. Yếu tố con người là then chốt, quyết định đến sự thành công của quá trình xây dựng NHTW hiện đại. Việc đào tạo, quan tâm tới chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao được thực hiện ở cả NHNN và trong toàn bộ hệ thống các TCTD.

 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4012

TAGS : CMCN 4.0
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)