Thứ ba, 19/11/2013 08:50 GMT+7

Chế tạo máy cấy cho nông dân

Để nông dân bớt "bán lưng cho Trời"...Lúa nước là cây lương thực chủ yếu của Việt Nam. Diện tích gieo cấy hàng năm khoảng 7,5 triệu ha, tổng sản lượng thóc đạt hơn 35 triệu tấn/năm.Do điều kiện tự nhiên, khí hậu cũng như tập quán canh tác khác nhau,...

Máy cấy lúa thẳng hàng hơn so với canh tác thô sơ

Gieo thẳng là phương pháp trồng lúa đơn giản, dễ cơ giới hoá. Vì vậy những nơi nào có điều kiện tự nhiên thuận lợi thì tiến hành gieo thẳng mà không cấy. Khác với gieo thẳng, cấy là phương pháp trồng lúa phức tạp hơn. Sản xuất mạ và cấy lúa là công đoạn hết sức vất vả, nặng nhọc, nó chiếm khoảng 30% tổng công lao động trong việc canh tác lúa.

Ngoài ra việc làm mạ và cấy lúa mang tính chất thời vụ cao nên người nông dân phải tập trung lao động để đảm bảo kịp thời vụ ngay cả khi thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này việc chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác ngày càng tăng, lao động nông nghiệp trong thời vụ là vấn đề bức súc của sản xuất.

Vì vậy đòi hỏi cấp thiết của sản xuất là đưa cơ giới hoá vào khâu làm mạ và cấy lúa. Giải quyết được khâu cơ giới hoá sản xuất mạ và cấy lúa sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề như: Tăng năng suất lao động, giảm bớt sự căng thẳng về thiếu nhân công thời vụ, giải phóng sức lao động nặng nhọc vất vả của người nông dân. Đồng thời lúa được cấy bằng máy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các khâu cơ giới hoá khác như chăm sóc và thu hoạch.

Ở các nước trồng lúa nước có nền nông nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc các khâu canh tác lúa đã được cơ giới hoá hoàn toàn 100%. Sau khi Nhật Bản phát triển sản xuất mạ theo phương pháp mạ thảm gieo trên khay phục vụ máy cấy thì máy cấy phát triển rất nhanh. Chỉ trong thời gian 5 năm (từ 1972 - 1977) Nhật Bản đã đưa cơ giới hoá cấy lúa vào toàn bộ diện tích trồng lúa của họ (2,5 triệu ha). Tuy nhiên máy cấy của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc có mật độ cấy thưa, không phù hợp với yêu cầu nông học của cây lúa ở nước ta.

Mặt khác, các máy này kết cấu phức tạp, đòi hỏi công nghệ chế tạo cao, giá thành cao không phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Nghiên cứu vì nông dân

Trước tình trạng trên, các nhà khoa học của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã bắt tay thực hiện đề tài: Nghiên cứu chế tạo máy cấy, thuộc Chương trình trọng điểm cấp nhà nước KC.07.DA12

Kế thừa những thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học lớp trước, TS Lê Sỹ Hùng cùng đồng nghiệp đã ngày đêm tìm tòi, nghiên cứu, thiết kế và vận hành thử máy cấy của mình làm ra.

Máy cấy MC-6-250 đã được tiến hành khảo nghiệm đánh giá và ứng dụng, vào sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Bình, Nghệ An và các tỉnh phía Nam như Long An, Kiên Giang, An Giang….

Kết quả ứng dụng bước đầu cho thấy rất khả quan, mỗi ngày một máy cấy có thể cấy được 25-30 sào bắc bộ (bằng 30 người cấy tay) chất lượng cấy đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, máy làm việc ổn định, mật độ cấy đồng đều, cây lúa đứng thẳng , không sót và ít hư hỏng, máy cấy được thiết kế gọn nhẹ, dễ dàng điều khiển sử dụng, giá thành thấp (khoảng 20 triệu đồng) nên được bà con nông dân sẵn sàng tiếp nhận để đưa vào phục vụ sản xuất.

Máy cấy lúa được nông dân đón nhận

Đặc biệt đối với các tỉnh phía nam như An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp , Long An vv… bà con nông dân đã triển khai việc sản suất mạ thảm trên sân, trên ruộng từ mùn xơ dừa trộn với nước bùn có độ liên kết thích hợp cho việc cấy bằng máy, nên việc chuyển giao máy cấy vào sản xuất đã phát triển rất nhanh.

Việc sản xuất mạ thảm tập trung có điều kiện chủ động với thời tiết khắc nghiệt (đặc biệt vụ đông xuân), giảm diện tích làm mạ (một 1m2 mạ có thể cấy được 150m2 ruộng), tiết kiệm giống, phân bón và nước tưới so với mạ dược, dễ dàng phòng trừ sâu bệnh, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa, giảm chi phí công lao động và đặc biệt là thay đổi tập quán “nhà nhà làm mạ” sang hình thức dịch vụ làm mạ kiểu công nghiệp.

Sử dụng máy cấy có thể giảm được chi phí lao động thủ công, góp phần đảm bảo kịp thời vụ, đảm bảo chất lượng cấy đồng đều, thẳng hàng, tăng năng suất lúa. Đặc biệt đối với các tỉnh đồng Bằng Sông Cửu Long thay đổi hình thức canh tác lúa gieo thẳng bằng cấy mạ thảm có thể tránh được sự phá hoại của ốc bươu vàng, tăng năng suất và chất lượng lúa.

Lượt xem: 1915

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)