Thứ hai, 06/07/2015 14:55 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm Phòng thí nghiệm Bảo quản nông sản bằng công nghệ CAS

Ngày 05/7/2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đến thăm, kiểm tra Phòng thí nghiệm công nghệ CAS (Cell Alive System) của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cùng đi với Đoàn còn có Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường, Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật, Viện trưởng Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch cùng các cán bộ, chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Sau khi nghe Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng báo cáo khái quát tình hình tiếp nhận và nghiên cứu công nghệ CAS, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đi thăm khu xử lý vải thiều bằng công nghệ CAS và hệ thống thiết bị. Bộ trưởng trực tiếp xem xét và tham gia đánh giá chất lượng cảm quan các sản phẩm như cá ngừ, vải thiều, tôm sú và một số nông sản khác được bảo quản bằng công nghệ CAS từ tháng 3/2014 đến nay. Bộ trưởng vui mừng và đánh giá rất cao hiệu quả bảo quản nông sản của công nghệ CAS. Ông cho rằng đây là công nghệ tiên tiến nhất có thể giữ được độ tươi sống cho sản phẩm trong thời gian dài mà không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào.

Bộ trưởng yêu cầu Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch nên phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao công nghệ CAS cho các doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ này trong bảo quản, nâng cao giá trị nông sản, đặc biệt là quả vải thiều và cá ngừ.


Quả vải thiều bảo quản bằng công nghệ CAS

Sau khi nghe báo cáo về tình hình xử lý vải thiều bằng công nghệ CAS và kết quả bước đầu xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản năm 2014 của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ xin cấp phép xuất khẩu quả vải sang Nhật Bản, hy vọng mùa vải năm 2016, quả vải thiều sẽ đến tay người tiêu dùng nước này.


Cá ngừ nguyên con được bảo quản bằng công nghệ CAS

Năm 2015, cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình bảo quản quả vải thiều bằng công nghệ CAS, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã hỗ trợ nông dân Bắc Giang xây dựng 5 ha trồng vải theo tiêu chuẩn Global GAP, phối hợp với AIC xử lý vải bằng CAS để xuất khẩu sang Nhật Bản và thử nghiệm xuất khẩu sang Pháp. Đặc biệt, Viện hướng tới mục tiêu giới thiệu sản phẩm quả vải CAS tới thị trường trong nước để người dân có thể thưởng thức vải ngay cả khi mùa vụ đã kết thúc.

Lượt xem: 1542

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)