Thứ bảy, 06/05/2017 13:08 GMT+7

Liên kết phát triển hoạt động KH&CN vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Ngày 05/5/2017, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ XIV. Đây là một trong những sự kiện lớn nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5.

Tham dự Hội nghị về phía Bộ KH&CN có: đồng chí Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng đại diện các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm có liên quan. Về phía tỉnh Lâm Đồng có đồng chí Trần Ngọc Liêm - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Đức Phong - Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nguyên, đồng chí Võ Thị Hảo – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng và các Sở, ban, ngành trong tỉnh.

Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo một số địa phương; lãnh đạo, chuyên viên của 12 Sở KH&CN thuộc vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên và nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu  trong Vùng.

Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh  vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ XIV với mục đích đánh giá hiệu quả và những đóng góp của hoạt động KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng giai đoạn 2015 – 2017, đồng thời trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức quản lý KH&CN của các địa phương, từ đó định hướng cho phát triển KH&CN của Vùng giai đoạn 2018 – 2020 sát với tình hình thực tế. Trên cơ sở kết quả của Hội thảo khoa học ngày 04/5/2017, Hội nghị đã thảo luận để xác định những vấn đề KH&CN hoặc các nhiệm vụ KH&CN cụ thể có tính liên Vùng, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương hoặc giữa các địa phương trong Vùng với nhau để cùng triển khai các phương thức giải quyết hợp lý, hiệu quả.

Toàn cảnh Hội nghị

 

KH&CN nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo địa phương

Phát biểu tại Hội nghị giao ban, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, Vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên là vùng có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển năng lượng tái tạo; là vùng có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, đánh bắt hải sản, du lịch,..

 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị


Trong giai đoạn 2015 – 2017, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chính sách phát triển KH&CN nói riêng, hoạt động KH&CN toàn vùng trong thời gian qua đã có nhiều kết quả rất đáng khích lệ, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong Vùng. Để đạt được kết quả trên, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã quan tâm phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động KH&CN tại địa phương trong Vùng. KH&CN đã đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng cũng như toàn Vùng và cả nước nói chung. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh hy vọng hoạt động KH&CN sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp lãnh đạo trong thời gian tới.

Báo cáo của Vụ Phát triển KH&CN địa phương - Bộ KH&CN cho biết, trong 2 năm qua hoạt động KH&CN đã có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn đã tạo được cơ sở lý luận và tổng kết được thực tiễn trong quản lý kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tham mưu cho các cấp ủy Đảng, Chính quyền hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn.

Tính đến nay, các Sở KH&CN các tỉnh đã triển khai thực hiện trên 448 nhiệm vụ KH&CN trên các lĩnh vực. Trong đó, khoa học tự nhiên 52 nhiệm vụ, khoa học kỹ thuật và công nghệ 94 nhiệm vụ, khoa học y dược 56 nhiệm vụ, khoa học nông nghiệp 117 nhiệm vụ, khoa học xã hội nhân văn 108 nhiệm vụ. Đã thực hiện nghiệm thu và bàn giao kết quả nghiên cứu trên 180 nhiệm vụ cho các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức ứng dụng.

Theo đó, tại khu vực Nam Trung bộ, việc đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản như đánh bắt và chế biến cá ngừ đại dương, nuôi tô sú, tôm hùm, cua biển, rong biển,…thành các sản phẩm đủ tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu. Việc áp dụng các kết quả nghiên cứu ứng dụng đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Vùng, tạo nhiều công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo và từng bước làm giàu cho người dân.

Tại khu vực Tây Nguyên, đẩy nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác và nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện của Vùng, nhất là đối với các loại cây trồng là sản phẩm chủ lực như cao su, hồ tiêu, cà phê, chè, bơ,… việc áp dụng KH&CN đã đưa năng suất và chất lượng nâng lên rõ rệt so với trước đây. Bên cạnh cây trồng thì trong Vùng cũng đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong nuôi cá nước lạnh nhập ngoại có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá hồi; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cũng phát triển rất nhanh ở nhiều địa phương.

Đồng thời, với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực về KH&CN được các địa phương quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt. Các hoạt động tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, an toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu trí tuệ, hợp tác quốc tế, thanh tra, phát triển thị trường công nghệ, thông tin, thống kê KH&CN,…được chú trọng thực hiện từ xây dựng hành lang pháp lý đến triển khai thực hiện. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại các địa phương đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển ý tưởng sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN.

Đặc biệt, đến nay, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh/thành trong vùng đều thành lập và kiện toàn Hội đồng tư vấn KH&CN, phân công trực tiếp 01 Phó chủ tịch UBND cấp huyện phụ trách chỉ đạo hoạt động KH&CN. Phòng Kinh tế thành phố, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện đã thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật. Công tác quản lý nhà nước hoạt động KH&CN cấp huyện từng bước đi vào nề nếp, việc tổ chức xét duyệt, triển khai và nghiệm thu các đề tài, dự án khoa học cơ bản đúng quy định.

Tăng cường liên kết Vùng

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động KH&CN còn gặp một số khó khăn, tồn tại. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu là hoạt động nghiên cứu ứng dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa thu hút được nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa chú trọng và đầu tư cho KH&CN, đổi mới công nghệ, chưa quan tâm đúng mức trong việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Thị trường KH&CN chưa phát triển, chưa tạo được động lực cho các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN phát triển. Hoạt động KH&CN ở cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn cả về kinh phí cũng như nguồn nhân lực. Hoạt động KH&CN cấp huyện và một số ngành, doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, thiếu cán bộ chuyên trách về KH&CN cấp huyện.

Nhận thức về tầm quan trọng của việc ứng dụng KH&CN trong các cấp ngành, địa phương, các tổ chức và doanh nghiệp vẫn còn  hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng tầm quan trọng và tính tất yếu phải đổi mới công nghệ trong quá trình cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Nguồn nhân lực KH&CN, nhất là đội ngũ cán bộ KH&CN có trình độ chuyên môn sâu còn thiếu. Việc tổ chức triển khai Quỹ phát triển KH&CN ở một số tỉnh còn gặp khó khăn. Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp còn khiêm tốn. Công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước còn hạn chế.

Để giải quyết những khó khăn, tồn tại nêu trên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ đạo cần chú ý một số vấn đề chính như: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền về vai trò của KH&CN, tăng cường công tác tuyên truyền về KH&CN. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” giai đoạn 2016 - 2020. Củng cố, sắp xếp lại và phát triển các tổ chức KH&CN công lập theo hướng mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có những đơn vị trọng điểm đủ sức giải quyết những nhiệm vụ KH&CN của ngành, lĩnh vực; bảo đảm chức năng nhiệm vụ không chồng chéo, mang tính mạng lưới và hệ thống để phát huy sức mạnh. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp KH&CN và thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để huy động nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư phát triển KH&CN. Ngoài ra, cần tăng cường tiềm lực KH&CN; Phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN; Phát huy vai trò các tổ chức xã hội trong hoạt động KH&CN; Hợp tác về KH&CN;…

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

 

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất với Bộ KH&CN nhằm giải quyết những khó khăn trong hoạt động KH&CN ở một số lĩnh vực như: cơ chế chính sách, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, đầu tư tăng cường tiềm lực, thông tin – truyền thông KH&CN, thị trường và doanh nghiệp KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực, … Lãnh đạo Bộ KH&CN đã giao cho các đơn vị có liên quan của Bộ xem xét xử lý các đề xuất, kiến nghị của các địa phương để tiếp tục phối hợp xử lý trong thời gian tới.

Lễ bàn giao đơn vị đăng cai giao ban Vùng lần thứ XV (2019) cho Sở KH&CN Đà Nẵng

 

Đoàn công tác Bộ KH&CN thăm Công ty TNHH Đông trùng Hạ thảo Châu Á tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

 

 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3951

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)