Thứ hai, 22/05/2017 12:52 GMT+7

Tổng kết 10 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ: Cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn ra ngày 20/5 tại Hà Nội, nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thi hành Luật SHTT. Đồng thời chỉ ra các bất cập, hạn chế và đưa ra các đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.

Toàn cảnh Hội nghị

 

Những hạn chế còn tồn tại

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh cho biết: Qua thực tiễn 10 năm thi hành, Luật SHTT đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ , tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Luật SHTT còn là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

 


Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội nghị

 

Tuy nhiên, trải qua 10 năm thi hành Luật SHTT cho thấy còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành các cam kết về SHTT trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc ký kết. Vì vậy, ngày 07/12/1016, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 3900/QĐ-BKHCN về Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT.

Tham luận tại Hội nghị, ông Dương Tử Giang, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh cho rằng, trước hết trong số các đối tượng SHCN thì giải pháp hữu ích là đối tượng chưa được quy định rõ ràng dẫn đến hiểu lầm về loại đối tượng này. Có lẽ tốt hơn là quy định lại một cách rõ ràng, tách bạch đối tượng này với đối tượng sáng chế. Hơn nữa cần có hướng dẫn rõ ràng về tiêu chuẩn “không phải là hiểu biết thông thường” đối với giải pháp hữu ích.

Hiện nay, số lượng đơn sáng chế đang tăng nhanh dẫn đến tình trạng quá tải tại Cục SHTT. Trong khi đó một số lượng không nhỏ đơn sáng chế được rút bỏ sau 2 đến 3 năm tính từ ngày nộp đơn. Để giảm tải cho Cục SHTT và thúc đẩy quá trình xử lý đơn thì thời hạn xét nghiệm hoãn nên được tăng lên, ví dụ kéo dài thời hạn nộp yêu cầu thẩm định nội dung từ 42 tháng hiện nay lên 7 năm tính từ ngày nộp đơn để người nộp đơn có thêm thời gian cân nhắc và giảm bớt số lượng đơn cần thẩm định. Hơn nữa, việc thẩm định tại Việt Nam bắt đầu càng muộn thì càng có nhiều cơ hội tận dụng kết quả tra cứu và thẩm định tại nước ngoài. Việc tham khảo các bằng sáng chế đồng dạng nên được quy định chi tiết hơn bằng cách đặt ra các mốc thời gian cụ thể sau khi các thẩm định viên đã nhận được bằng sáng chế nước ngoài.

Số lượng bằng sáng chế đã cấp được sử dụng trên thực tế là rất ít, số lượng bị vi phạm còn ít hơn nữa. Trong khi đó hàng năm số lượng đơn cần thẩm định là rất lớn. Để giảm bớt khối lượng công việc thẩm định thì một cách làm có thể tham khảo là chuyển sang chế độ đăng ký (registration system). Theo đó, đơn được nộp chỉ cần qua thẩm định hình thức là được cấp bằng. Mọi tranh chấp sau này liên quan đến sáng chế sẽ được giải quyết thông qua khiếu nại hoặc tòa án.

Việc công khai các thông tin liên quan đến tiến trình xử lý đơn sáng chế cũng như các vụ việc khiếu nại, tranh chấp cũng rất quan trọng vì góp phần làm minh bạch, tạo sự công bằng trong mọi vấn đề liên quan đến SHTT. Trong tương lai cần hướng đến công bố công khai toàn bộ nội dung đơn cũng như tiến trình xử lý đơn, cũng như giải quyết khiếu nại để bất cứ bên thứ ba nào quan tâm đều có thể theo dõi, giám sát thông qua kết nối mạng.

Liên quan đến việc duy trì hiệu lực của văn bằng bảo hộ, hiện nay chủ văn bằng phải đóng từng năm một, rất phiền toái. Nhiều chủ văn bằng muốn được đóng lệ phí duy trì hiệu lực cho vài năm liên tiếp. Cách làm này thuận tiện cho chủ văn bằng trong khi không gây ra thiệt hại gì khác. Do đó, đề nghị cho phép chủ văn bằng tự lựa chọn đóng lệ phí hàng năm hay đóng một lúc cho nhiều năm.

Về quyền tác giả (QTG), quyền liên quan (QLQ), hệ thống pháp luật về QTG, QLQ với những quy định khác biệt về nguyên tắc, nội dung và cơ chế thực thi bảo hộ so với các đối tượng khác của quyền SHTT (quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và dược phẩm) nhưng lại được sắp xếp trong hệ thống pháp luật nói chung gây trở ngại, khó khăn lớn trong quá trình thực thi.

Nhiều quy định trong Luật SHTT không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại, trong bối cảnh các quan hệ dân sự thuộc quyền sở hữu trí tuệ nói chung và QTG, QLQ nói riêng đã có những thay đổi đáng kể và phát triển nhanh chóng từ việc thi hành các quy định pháp luật về QTG, QLQ tại quốc gia và hội nhập quốc tế các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới…

Bà Lê Thị Quỳnh Như, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho hay: Đối chiếu với nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu theo TPP thì Luật SHTT sẽ cần phải sửa đổi nhằm dành sự bảo hộ độc quyền có thời hạn cho thuốc mới có nộp dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, hiệu lực của TPP là một vấn đề chưa xác định và khó dự đoán. Ngay trong tình huống TPP được các thành viên TPP thông qua và có hiệu lực chính thức, thì Việt Nam vẫn còn một thời hạn chuyển tiếp tương đối dài để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này (12 năm + 3 năm). Vì vậy, trước mắt nhu cầu sửa đổi Luật SHTT về nội dung bảo mật dữ liệu là chưa có.

Mặt khác, tại các Điều 50-52 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN có quy định về thủ tục bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế và sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước nhằm đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng cho nhân dân là vượt quá thẩm quyền đã được quy định tại Nghị định 103/2007/NĐ-CP…

 

Nhiều giải pháp khắc phục

Để khắc phục những tồn tại, nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về SHTT được đề xuất.

Cụ thể, triển khai việc xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia làm cơ sở cho việc xác định các mục tiêu, định hướng phát triển của hệ thống SHTT, làm nền tảng cho việc hoạch định các cơ chế, chính sách, pháp luật về SHTT của nước ta trong các giai đoạn tiếp theo. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về SHTT để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống. Đồng thời khắc phục các khiếm khuyết, bất cập trong công tác xây dựng và triển khai thi hành chính sách, pháp luật về SHTT.

Tham luận tại Hội nghị, đại diện Cục Bản quyền tác giả cũng đưa ra 5 kiến nghị:

Một là, đảm bảo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật dân sự 2015; bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi, hiệu quả hoạt động quản lý và thực thi của các cơ quan quan lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời làm cơ sở, tiền đề phát triển công nghiệp văn hoá theo tinh thần Nghị quyết 33- NQ/TW.

Hai là, giảm thiểu tối đa vướng mắc, khó khăn, bất cập và chồng chéo trong quá trình thi hành; cơ bản khắc phục sự nhầm lẫn giữa QTG, QLQ với quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

Ba là, lịch sử xây dựng và phát triển của pháp luật Việt Nam về SHTT thì các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội về QTG, QLQ được quy định riêng, song song với các văn bản quy phạm pháp luật quan hệ xã hội về quyền sở hữu công nghiệp...

Bốn là, phù hợp thông lệ quốc tế (một số nước có Luật quyền tác giả riêng như: Anh, Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei, Canada, Chile, Mexico, Peru…)

Năm là, trên cơ sở rà soát các cam kết tại các FTA thế hệ mới (TPP, EVFTA), lộ trình thực hiện các cam kết có thời gian chuyển tiếp từ 3 đến 12 năm, vì vậy, việc sửa đổi bổ sung Luật SHTT cần phải thực hiện để có hiệu lực trước năm 2021.

Ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó tổng giám đốc Công ty SHTT INVESTIP (một trong những tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam) cho rằng: Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ đại diện SHCN nhằm nâng cao năng lực, khả năng đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đối với hoạt động của tổ chức đại diện (thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo, tham gia các khóa học…). Mặt khác, duy trì việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc với các hành vi/hoạt động mạo danh/giả danh Cục SHTT, lợi dụng danh tiếng và uy tín của Tổ chức dịch vụ đại diện khác để trục lợi bất chính, gây hậu quả xấu…

Tăng cường hơn nữa năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đăng ký, cơ quan giải quyết tranh chấp, thực thi quyền bao gồm về nhân lực và trang thiết bị phương tiện nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, phù hợp quy định của pháp luật. Đặc biệt cần có cơ chế hiệu quả, phù hợp nhằm nhanh chóng giải quyết các hồ sơ tồn đọng kéo dài nhiều năm tại Cục SHTT.

Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo để nâng cao hơn nữa vai trò của VIPA - Hội SHTT Việt Nam nhằm hướng đến xây dựng một Hiệp hội nghề nghiệp về SHTT/SHCN thực sự là người đại diện cho lợi ích và ý chí của đa số các tổ chức đang hoạt động dịch vụ đại diện cũng như các tổ chức cá nhân khác là hội viên.

Về giải pháp xử lý xâm phạm quyền SHTT, bà Đỗ Thị Minh Thủy - Thanh tra Bộ KH&CN đã đưa ra 4 giải pháp cơ bản.

Về định hướng chiến lược, cần hạn chế biện pháp hành chính, chuyển dịch sang biện pháp dân sự; Nâng cao năng lực Tòa án, tiến tới thành lập Tòa chuyên trách SHTT; Tạo lập cơ chế “1 cửa” trong xử lý hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi.

Về pháp luật, sửa Luật SHTT và các văn bản pháp lý liên quan, đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong hoạt động thực thi và giải quyết tranh chấp quyền SHTT; Quy định chế định pháp lý riêng về giải quyết tranh chấp quyền SHTT trong Luật SHTT.

Về năng lực, tăng cường trao đổi chuyên môn giữa các cơ quan thực thi; Cơ quan thực thi và Tòa án. Tạo sự nhất quán trong nhận định và xử lý các vụ việc có cùng bản chất; Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi với Tòa án và Cục SHTT (Sử dụng, khai thác ý kiến chuyên môn của Cục SHTT, cơ sở dữ liệu dùng chung).

Về nhận thức, nâng cao ý thức chủ động của doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của cộng đồng.

“Không thể phủ nhận rằng thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hành chính là điều cần thiết để thực hiện cam kết quốc tế trong bối cảnh hệ thống tư pháp còn chưa thực sự phát triển để đảm đương vai trò này. Tuy nhiên, từ góc độ đảm bảo hài hòa giữa bảo hộ quyền SHTT với lợi ích cộng đồng, cơ chế xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính dường như đang làm Việt Nam "thiệt đơn thiệt kép", bà Đỗ Thị MinhThủy – Thanh tra Bộ KH&CN nói./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 6048

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)