Thứ tư, 04/10/2017 08:56 GMT+7

Thứ trưởng Phạm Công Tạc tham dự Đại hội đồng WIPO lần thứ 57

Ngày 02/10/2017, Đại Hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã khai mạc kỳ họp lần thứ 57 tại Geneva (Thụy Sĩ) với sự tham dự của 191 quốc gia thành viên WIPO. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự WIPO lần này do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc dẫn đầu; các thành viên trong đoàn gồm: ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT); ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT; ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục SHTT; ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng WIPO lần thứ 57 do Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc (thứ 3 từ trái sáng phải) làm trưởng đoàn.
 

Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện của Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva; Tham tán Mai Văn Sơn, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Geneva cùng tham dự một số hoạt động của đoàn.

Trong phiên họp đầu tiên, đại diện 191 quốc gia đã nhất trí bầu Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, giữ chức Chủ tịch Đại Hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019.

Đại hội đồng WIPO là sự kiện quan trọng nhất của WIPO trong năm, là diễn đàn để các nước thành viên WIPO trao đổi, thảo luận và đưa ra các quyết định đối với các hoạt động của Tổ chức SHTT thế giới, cũng như định hướng phát triển của hệ thống SHTT toàn cầu.

Cụ thể, Đại hội đồng WIPO năm nay sẽ tập trung xem xét để thông qua các báo cáo hoạt động trong năm qua của các Hội đồng trực thuộc và Ủy ban chuyên môn của WIPO như Ủy ban Sở hữu trí tuệ và phát triển (CDIP), Ủy ban thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan (SCCR), Ủy ban liên chính phủ về SHTT và nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC), Ủy ban thường trực về luật sáng chế (SCP), Ủy ban thường trực về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý (SCT), Ủy ban thường trực về công nghệ thông tin (SCIT), Ủy ban tư vấn về thực thi (ACE), Hội đồng Liên minh PCT, Hội đồng Liên minh Madrid. Ngoài ra, các nước thành viên cũng sẽ xem xét để thông qua việc sửa đổi một số Quy chế nhằm nâng cao tính minh bạch trong cơ chế quản trị và hoạt động của WIPO.

Đoàn Việt Nam sẽ tham gia vào tất cả các nội dung quan trọng của Phiên họp Đại hội đồng WIPO. Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng đã có bài phát biểu chào mừng tại Phiên khai mạc vào ngày 02/10/2017.

Có thể nói một trong các sự kiện quan trọng nhất đối với Đoàn Việt Nam năm nay là việc Đại sứ Dương Chí Dũng được bầu làm Chủ tịch Đại Hội đồng WIPO. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đối với Việt Nam, thể hiện sự tích cực, chủ động và uy tín của Việt Nam trong WIPO.

Đoàn Việt Nam cũng đã phối hợp với Đoàn các nước ASEAN tổ chức Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN bên lề Phiên họp. Đây là một hoạt động tập thể mà Việt Nam và ASEAN đã chuẩn bị từ lâu. Theo đó, ngoài các hoạt động lễ tân chính thức với sự tham dự của Tổng Giám đốc WIPO, Đại sứ các nước ASEAN và các Đoàn tham dự Đại Hội đồng đã diễn ra các hoạt động, triển lãm về SHTT - đổi mới sáng tạo – phát triển, biểu diễn văn nghệ và giới thiệu ẩm thực của các nước trong khu vực với bạn bè quốc tế.
 

Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc tặng quà lưu niệm Tổng Giám đốc WIPO nhân dịp gặp mặt và chào xã giao Tổng giám đốc.

 

Đoàn Việt Nam thăm và làm việc với Tổ chức Nghiên cứu nguyên tử Châu Âu (CERN).
 

Bên lề cuộc họp, đoàn Việt Nam cũng có các cuộc gặp gỡ song phương với Tổng Giám đốc WIPO, một số đơn vị chức năng của WIPO và Đoàn một số nước như Cơ quan Sáng chế châu Âu, Viện Sở hữu công nghiệp Pháp, Cơ quan SHTT Vương quốc Anh, Cơ quan SHTT Úc, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản, Cơ quan SHTT Liên minh châu Âu (EUIPO), thăm và làm việc với Tổ chức Nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) để thảo luận về nội dung, kế hoạch hợp tác giữa Cục SHTT Việt Nam và Cơ quan SHTT các nước đó.

 

Đoàn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng với các nghệ sỹ Việt Nam biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 50 năm ASEAN tại WIPO.
 

WIPO là đối tác đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về SHTT. Cho đến nay, WIPO đã dành cho Việt Nam nhiều sự trợ giúp quan trọng trong việc xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực và hiện đại hoá hệ thống các cơ quan quản lý SHTT, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT. Sự trợ giúp của WIPO góp phần quan trọng vào sự phát triển của hệ thống SHTT Việt Nam.

Những thành tựu và nỗ lực của Việt Nam trong phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, khuyến khích sáng tạo, ... đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) do WIPO, công bố hàng năm. Năm nay, Việt Nam xếp thứ 47 trong bảng xếp hạng GII, tăng 12 bậc so với năm 2016. WIPO đã và đang hỗ trợ Việt Nam về các biện pháp nhằm duy trì và tiếp tục cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng GII trong những năm tiếp theo.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3033

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)