Thứ tư, 01/08/2018 19:08 GMT+7

Hợp tác về KH&CN giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam giai đoạn 2018-2022

Sáng 31/7/2018, tại tỉnh Ninh Thuận diễn ra Lễ ký kết Hợp tác về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam giai đoạn 2018-2022.

Toàn cảnh Lễ ký kết.
 

Tham dự Lễ ký kết có Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Đức Thanh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận; Đồng chí Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN); Đồng chí Nguyễn Bách Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh; Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND Tỉnh; Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh (Phụ trách KH&CN); Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận; Đại diện Lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở KH&CN Tỉnh; Đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, các huyện và Doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh về tham dự.

Tại buổi Lễ, Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND Tỉnh đã báo cáo và nhấn mạnh: Ninh Thuận là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, được tái lập từ năm 1992, là tỉnh có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, lượng mưa thấp nhất cả nước và có xuất phát điểm về kinh tế - xã hội khó khăn so với nhiều địa phương trong cả nước. Nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân trong Tỉnh đã khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế của Tỉnh để đạt được nhiều thành quả kinh tế - xã hội như: Tốc độ tăng trưởng bình quân 8,7%/ năm; công nghiệp phát triển khá, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 14%/ năm; du lịch có nhiều đột phá, tăng trưởng xấp xỉ 20%/năm, đạt gần 2 triệu lượt khách/năm.

Những chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong thời gian qua có sự đóng góp rất quan trọng của nhiều chương trình, dự án đầu tư mới có trình độ công nghệ cao; việc áp dụng các tiến bộ KH&CN đã phát huy hiệu quả, giúp năng lực ứng dụng KH&CN của người lao động được nâng lên, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa,... nhất là trong giai đoạn 2016-2017, theo tính toán của Cục Thống kê Tỉnh, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) KH&CN đã đóng góp 44% vào tăng trưởng GRDP của Tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN của Tỉnh vẫn còn đang còn rất nhiều tồn tại, khó khăn như: Trình độ KH&CN của Tỉnh còn đang ở mức trung bình; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các tổ chức KH&CN còn hạn chế; chưa có tổ chức hoạt động KH&CN có năng lực nghiên cứu các nhiệm vụ lớn, quan trọng phạm vi cấp nhà nước; thiếu cán bộ KH&CN đầu ngành có trình độ chuyên môn cao. Số lượng, quy mô doanh nghiệp công nghiệp, HTX trên địa bàn Tỉnh nhỏ, chưa quan tâm nhiều đến đầu tư đổi mới công nghệ, năng lực tài chính, nguồn nhân lực, trình độ công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều khó khăn (đến nay, Tỉnh chỉ có 01 doanh nghiệp KH&CN là Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố). Cơ sở hạ tầng nông nghiệp của Tỉnh còn thấp, chưa hình thành khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, chưa có doanh nghiệp công nghệ cao,.. để triển khai, ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh hợp tác, liên kết với HTX, hộ dân, tạo chuỗi giá trị gia tăng cho các sản phẩm của Tỉnh,....
 

Ký kết Hợp tác về KH&CN giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
 

Hiện nay, Ninh Thuận đã xác định, quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Ninh Thuận trở thành “Điểm đến của Việt Nam trong tương lai”. Để đạt được mục tiêu này trong thời điểm mà thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vai trò của KH&CN là rất quan trọng, là chìa khóa, là giải pháp của tất cả các kịch bản phát triển KT-XH của Tỉnh. Vì vậy, việc liên kết hợp tác về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và giáo dục với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, một cơ quan KH&CN hàng đầu của cả nước là hết sức cần thiết và có ý nghĩa đối với tỉnh Ninh Thuận.

Các nội dung hợp tác với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam bao gồm các nội dung cụ thể như sau:

Tư vấn và xây dựng tiềm lực KH&CN cho Tỉnh; Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; Cung cấp, trao đổi thông tin KH&CN; Huy động nguồn vốn phát triển KH&CN.

Tập trung vào Định hướng các nhiệm vụ KH&CN ưu tiên trên các lĩnh vực như: Nông nghiệp (9 nội dung); Kỹ thuật - Công nghệ (5 nội dung); Tài nguyên - Môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (4 nội dung); xã hội nhân văn, đào tạo (2 nội dung).

Huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư cho KH&CN: ngoài nguồn kinh phí do UBND tỉnh Ninh Thuận và Viện Hàn lâm bố trí phù hợp với khả năng cân đối của mỗi bên, còn có các biện pháp tích cực, hữu hiệu để tìm kiếm và khai thác các nguồn vốn của TW, vốn đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các dự án hợp tác quốc tế, lồng ghép với các dự án đầu tư, các chương trình KH&CN, chương trình kinh tế - kỹ thuật cấp nhà nước,… để phục vụ cho hoạt động hợp tác về KH&CN của hai bên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận.

Phương thức hợp tác linh hoạt, khả thi: Mỗi bên phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN triển khai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Hai bên cùng xác định và phê duyệt, cấp kinh phí mỗi bên 50% để thực hiện một nhiệm vụ KH&CN; Hai bên phối hợp xây dựng và đề xuất các nhiệm vụ KH&CN theo các Chương trình KH&CN cấp quốc gia do các Bộ, ngành quản lý để phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ cho tỉnh Ninh Thuận.

 

Nguồn: Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương

Lượt xem: 2550

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)