Thứ sáu, 23/11/2018 17:03 GMT+7

Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo vi mạch

Với mục đích tập hợp các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các nhà phát triển, sản xuất và các nhà hoạch định chính sách để tạo ra mạng lưới thúc đẩy ngành nghiên cứu và chế tạo vi mạch tại Việt Nam, ngày 21/11/2018 tại Hà Nội, Trung tâm Công nghệ vi điện tử và tin học (IMET) - Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ KH&CN) đã tổ chức hội thảo Thiết kế và Chế tạo Vi mạch 2018 (WeFab 2018).

Hội thảo với sự tham gia của gần 100 đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực chế tạo vi mạch cũng như các đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức, cá nhân có liên quan.
 


Toàn cảnh Hội thảo
 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Cao (Bộ KH&CN) Lý Hoàng Tùng nhấn mạnh: công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch đóng một vai trò rất quan trọng trong công cuộc phát triển nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Điều này được thể hiện qua những chính sách hỗ trợ của Chính phủ như: Luật công nghệ cao (7/2009), Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính hoạt động KH&CN,…đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế và chế tạo vi mạch thời gian qua. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu và chế tạo vi mạch là một trong những ngành công nghệ mũi nhọn với những giá trị rất to lớn. Tại Việt Nam, cùng với những chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng sẽ là những động lực để đưa ngành chế tạo vi mạch của đất nước tiến lên nấc thang mới, mang lại lợi ích cộng đồng, xã hội.

“Hội thảo là cơ hội tuyệt vời để các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn cũng như đề ra những giải pháp phù hợp trong đào tạo, nghiên cứu, triển khai và sản xuất vi mạch tại Việt Nam” Phó Vụ trưởng Lý Hoàng Tùng chia sẻ.

Tiếp đó, phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ Phạm Hương Sơn cho biết: Vi mạch là một sản phẩm công nghiệp cơ bản, mấu chốt trong tất cả các sản phẩm công nghiệp, nhất là công nghiệp điện tử.

Theo Phó Viện trưởng Phạm Hương Sơn, việc chủ động thiết kế được các dòng vi mạch điện tử có chức năng đa dạng và cập nhật công nghệ hiện đại nhất của thế giới sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm điện tử sản xuất tại Việt Nam với mức lợi nhuận rất cao. Ngoài ra, việc nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công vi mạch “made in Việt Nam” sẽ đóng góp vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế tri thức; giảm nhập siêu linh kiện điện tử và giải pháp công nghệ; tạo ra các sản phẩm có ảnh hưởng và tác động lớn đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hội thảo diễn ra với nhiều tham luận ý nghĩa bên cạnh việc trình diễn một số sản phẩm demo từ các hãng công nghệ lớn như Mentor Siemen, GUC, ARM,… và các tập đoàn trong nước như Viettel, FPT, BKAV, MK,… Các tham luận tập trung vào việc chia sẻ các kinh nghiệm, sáng kiến như: thách thức và cơ hội cho Thiết kế và Chế tạo vi mạch tại Việt Nam; thiết kế và mô hình hóa vi mạch; phát triển vi mạch và cảm biến; giải pháp nhúng ứng dụng vi mạch trong y sinh,…

Nhấn mạnh vai trò nghiên cứu, chế tạo vi mạch, Giám đốc Công nghệ tập đoàn MK Lê Minh Quốc (tập đoàn chuyên sản xuất thẻ thông minh cho ngân hàng, truyền thông và các sản phẩm bảo mật khác) cho rằng: Tập đoàn MK rất mong muốn sử dụng những sản phẩm vi mạch “made in Vietnam” thay vì phải dùng sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài. Do vậy, Hội thảo được tổ chức là cơ hội tốt để các đơn vị, doanh nghiệp trong nước cùng tìm ra hướng, giải pháp phát triển phù hợp, đặc biệt là trước làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay.
 


Thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm
 

Cũng trong phiên thảo luận, PGS. Mai Anh Tuấn, Giám đốc Phòng thí nghiệm MEMS/NEMS, Viện Ứng dụng công nghệ chia sẻ:

“Thiết kế và chế tạo IC được sự quan tâm đầu tư của nhà nước được thể hiện thông qua những chính sách rất cụ thể. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng quan tâm đầu tư tập trung cơ sở hạ tầng: dự án phòng thí nghiệm MEMS/NEMS tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tại đây, chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế và chế tạo IC bằng cách cung cấp các gói đào tạo ngắn hạn cho kỹ sư mới ra trường, sinh viên kỹ thuật từ năm thứ 4 trở đi về vi chế tạo, kỹ thuật phòng sạch, quang khắc, ăn mòn, những kỹ thuật đo lường, đánh giá linh kiện. Người kỹ sư, khi có khái niệm rõ ràng về những linh kiện đơn giản nhất là diode và bóng bán dẫn (transistor), sẽ thành thạo và tự tin trong thiết kế vi mạch, là tổ hợp của hàng triệu, hàng tỉ linh kiện đơn giản đó. Phòng thí nghiệm “mở cửa” để phục vụ cộng đồng khoa học công nghệ, nhất là các công ty khởi nghiệp có thể tiếp cận, sử dụng hệ thống trang thiết bị hiện đại tại đây.”

Kết thúc hội thảo, thay mặt đơn vị tổ chức, ông Nguyễn Trần Hậu, Giám đốc Trung tâm Công nghệ vi điện tử và tin học (IMET), Viện Ứng dụng công nghệ đã khẳng định: là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực vi điện tử tại Việt Nam, IMET sẵn sàng là cầu nối công nghệ, kết nối các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng với sự ủng hộ về chính sách của Chính phủ nhằm tạo ra mạng lưới thúc đẩy nghiên cứu và chế tạo vi mạch của quốc gia.
 


Một số sản phẩm vi mạch, điện, điện tử được giới thiệu tới các đại biểu tại Hội thảo

 

Nguồn: Viện Ứng dụng công nghệ, Vụ Công nghệ cao

Lượt xem: 4775

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)