Thứ tư, 27/02/2019 16:08 GMT+7

Nghiên cứu thành phần loài một số Ký sinh trùng có nguồn gốc từ động vật ký sinh trên người Việt Nam sử dụng phương pháp hình thái học và sinh học phân tử

Nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Y Hà Nội do GS.TS. Nguyễn Văn Đề làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần loài một số Ký sinh trùng có nguồn gốc từ động vật ký sinh trên người Việt Nam sử dụng phương pháp hình thái học và sinh học phân tử” trong thời gian từ năm 2015 đến 2017.


 

Đề tài nhằm mục tiêu xác định chính xác loài của một số ký sinh trùng có nguồn gốc động vật ký sinh trên người Việt Nam bao gồm giun xoắn, giun lươn não, giun móc/mỏ, giun lươn ruột và ấu trùng sán dây chó sử dụng phương pháp hình thái học truyền thống và thẩm định thành phần loài của những ký sinh trùng này bằng phương pháp sinh học phân tử; và đề xuất một số giải pháp chẩn đoán và phòng chống cho mỗi loài.

Nghiên cứu đã thu thập, xử lý và xác định loài 5 mẫu ký sinh trùng có nguồn gốc động vật ký sinh ở người bằng hình thái học và sinh học phân tử. Kết quả cho thấy:

1. Mẫu ấu trùng giun tròn ký sinh ở cơ người tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được thu thập, xử lý và xác định là giun xoắn Trichinella spiralis. Đây là loài giun xoắn thường ký sinh ở ruột và đẻ ấu trùng, ấu trùng di chuyển đến các cơ vân, đặc biệt ở cơ tim, cơ hoành gây ngừng tim, ngừng thở, người nhiễm bệnh do ăn phải ấu trùng trong thịt, chủ yếu là thịt lợn chưa nấu chín hay tiết canh. Ấu trùng giun xoắn từ thịt lợn cũng được xác định là loài Trichinella spiralis.

Mẫu giun tròn ký sinh ở mắt người tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được thu thập, xử lý và xác định là Angiostrongylus cantonensis. Đây là loài giun lươn thường ký sinh ở não người gây viêm não/màng não tăng bạch cầu ái toan, người nhiễm do ăn phải ấu trùng từ môi trường.

3. Mẫu giun móc/mỏ ký sinh ở ruột người, hút máu liên túc gây thiếu máu và gây nhiều biến chứng khác.

4. Theo dõi 112 bệnh nhân nhiễm giun lươn ruột được xác định bằng ELISA với kháng nguyên đặc hiệu Strongyloides stercoralis cho thấy biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng gồm 100% ELISA dương tính, bạch cầu ái toan tăng trong 77,7% trường hợp, tiêu chảy 64,3%, ậm ạch khó tiêu 55,4%, đau bụng 42,0%, viêm loét dạ dày-tá tràng 40,2%, sẩn ngứa 21,4%, có sốt 7,1%, giun trườn ra da 7,1% và 3,6% thu thập được ấu trùng giun trong phân. Giun lươn trưởng thành và ấu trùng thu thập từ phân bệnh nhân và sinh thiết dưới da được xác định loài bằng sinh học phân tử là Strongyloides stercoralis.

5. Ấu trùng sán dây chó thu thập từ 2 bệnh nhân năm 2013 đã được xác định loài. Các ấu trùng này được xác định là Echinococcus ortleppi (với mức độ tương đồng nucleotide với các chủng chuẩn trong Ngân hàng gen là 99-100%). Đây là loài lần đầu tiên được phát hiện trên người tại Việt Nam.

6- Sán máng Schistosoma ký sinh trong tĩnh mạch cửa gây tổn thương hệ tiêu hóa, gan, lách hoặc tĩnh mạch bàng quang gây tổn thương hệ tiết niệu.

Trên cơ sở so sánh với những thông tin đã được công bố trên các ấn phẩm trong và ngoài nước đến thời điểm kết thúc đề tài, đề tài có những điểm mới sau đây:

- Có được những thông tin mới và xác thực về những loài ký sinh trùng có nguồn gốc từ động vật truyền sang người tại Việt Nam. Đặc biệt giúp cho các nhà lâm sàng có cơ sở khoa học chẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời cảnh báo cho cộng đồng về những bệnh mới từ động vật truyền sang người để chủ động phòng chống.

- Những loài ký sinh trùng đã được xác định bằng sinh học phân tử so sánh với chủng chuẩn quốc tế với độ chính xác cao và đủ tiêu chuẩn đăng báo quốc tế.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 13615) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3486

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)