Thứ hai, 20/05/2019 16:36 GMT+7

Nghiên cứu di truyền học các chủng Aeromonas hydrophila gây bệnh trên cá tra

Hiện nay, cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là đối tượng nuôi chủ lực của cả nước và tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ở cá tra thường xuất hiện các loại bệnh như gan thận mủ, xuất huyết, phù đầu, trắng mang trắng gan và ký sinh trùng, trong đó, bệnh gan thận mủ do Edwardsiella ictaluri và bệnh xuất huyết do tác nhân chính là Aeromonas hydrophila gây ra, là những bệnh thường xuất hiện và được xem là nguy hiểm nhất ở loài này.

Bên cạnh đó, bệnh xuất huyết do vi khuẩn A. hydrophila cũng được nghiên cứu nhiều trên những đối tượng cá khác nhau trong đó có cá tra. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có vắc xin thương mại hiệu quả phòng bệnh này, đặc biệt trên cá tra nuôi ở ĐBSCL. Sự đa dạng kháng nguyên ở A. hydrophila là một trong những trở ngại lớn trong việc phát triển vắc xin bất hoạt, do đó, khá nhiều nghiên cứu mới trên thế giới tập trung phát triển vắc xin dựa vào các kháng nguyên là protein chung của A. hydrophila. Protein màng ngoài tế bào vi khuẩn được xem là một trong những đối tượng được quan tâm nghiên cứu tạo vắc xin nhiều nhất, việc sử dụng protein màng ngoài A. hydrophila trong thành phần vắc xin nhằm mở rộng phổ bảo vệ cá đối những chủng vi khuẩn đa dạng về kháng nguyên. 

Thông qua các cách tiếp cận, đề tài "Nghiên cứu di truyền học các chủng Aeromonas hydrophila gây bệnh trên cá tra" do ThS. Nguyễn Thị Hiền và các đồng nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện được đặt ra nhằm xác lập các chủng A. hydrophila có độc lực cao để phát triển vắc xin phòng bệnh xuất huyết trên cá tra. Đề tài thuộc: Chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020".

Sau đây là một số kết quả nổi bật mà đề tài đã đạt: 

1. Xác định các chủng A. hydrophila trên cá tra mang gen gây độc

- Xác định các chủng A. hydrophila trên cá tra mang gen gây độc

- Xác định được 58 mẫu là A.hydrophila, trong đó có 28 mẫu vi khuẩn thu từ cá bệnh, 16 mẫu thu từ cá khỏe và 14 mẫu thu từ môi trường nước.

- Đề tài đã thu được 1134 mẫu và phân lập được 260 mẫu là vi khuẩn A. hydrophila.

2. Xác định các chủng A. hydrophila có độc lực cao trên cá tra

- Xây dựng đường cong sinh trưởng của A. hydrophila 

- Đã xác định giá trị LD50 của 9 chủng vi khuẩn đại diện cho các nhóm di truyền khác nhau, trong đó có 7/9 chủng có LD50 < 106 tế bào vi khuẩn/cá, được xem là có độc lực cao.

- Đã xác định được LD50 của 31 mẫu vi khuẩn A. hydrophila. 

- Trong 14 kiểu gen, có 3 kiểu gen vi khuẩn có độc lực rất cao là  (aerA+ahh1+alt+ahpA-lip+ast-, aerA+ahh1+alt+ahpA+lip+ast- và aerA+ahh1+alt+ahpA+lip+ast+

- Ba chủng vi khuẩn có độc lực rất cao với LD50 nhỏ hơn 10 tế bào/cá.

3. Thử nghiệm tạo vắc xin quy mô phòng thí nghiệm

- Tạo protein tái tổ hợp Omp48. Hầu hết protein tái tổ hợp omp48 ở dạng không tan ngay cả khi kích thích biểu hiện với nồng độ IPTG thấp (0,5 mM) và điều kiện nhiệt độ thấp (16°C và 25°C, qua đêm). 

- Đề tài đã tạo được 04 chủng E. coli biểu hiện gồm RosettapET28-omp48, Rosetta-pET28-omp85, Rosetta-pMalc5xomp48 và Rosetta-pMalc5x-omp85.

- Đề tài đã xác định tính an toàn của 2 loại chất bổ trợ dùng làm vắc xin cho cá gồm Montanide ISA760 và ISA763 (Seppic, Pháp). 

- Đề tài đã tinh sạch và tái gấp cuộn thành công hai protein tái tổ hợp là Omp48 và Omp85. Protein tinh sạch ra có hàm lượng đủ để tiêm cho cá (30 ug/100ul), có tính vô trùng và an toàn khi tiêm cho cá. 

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14271) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3836

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)