Thứ năm, 20/06/2019 21:07 GMT+7

Khoa học và Công nghệ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế biển

Các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong kinh tế biển khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ đã đem lại những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều công trình đã tập trung vào nghiên cứu phát triển theo hướng ứng dụng sâu vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng tại Hội nghị “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ” do Bộ KH&CN, Ban Kinh tế Trung ương, UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức tại Đà Nẵng vào chiều ngày 20/6/2019. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh.

Tham dự Hội nghị có gần 250 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá, thảo luận về tiềm năng, lợi thế của biển đảo vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - một vùng có vị trí quan trọng trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của nước ta; xác định thực trạng và những đóng góp hiện nay của KH&CN đối với phát triển kinh tế biển trong Vùng; đồng thời xác định vị trí và vai trò của KH&CN trong đối với phát triển bền vững kinh tế biển của Vùng trong thời gian tới đây. Cùng với đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng trao đổi bàn giải pháp để KH&CN phát triển mạnh mẽ hơn, phục vụ có hiệu quả hơn cho phát triển bền vững kinh tế biển trong Vùng nói riêng cũng như cho Chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước nói chung như tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đã đề ra.

Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển

Tại Hội nghị, ý kiến của các đại biểu đều khẳng định những lợi thế trong phát triển kinh tế biển của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra các tính “trội” của vùng biển Nam Trung Bộ: Đây là Vùng cửa mở thông thương ra biển và có thể hỗ trợ cho hội nhập kinh tế nội khối ASEAN thông qua hành lang kinh tế Đông – Tây; nhiều vịnh, vũng có thể xây dựng thành các cảng biển nước sâu tiềm năng nhất ở nước ta, tạo tiền đề phát triển các khu kinh tế ven biển theo mô hình: cảng-đô thị-biển như các khu Nghi Sơn, Vũng Áng, Dung Quất, Chân Mây, Vịnh Hàn, Nhơn Hội, Vân Phong, Vịnh Nha Trang, Cam Ranh. Đồng thời, đây cũng là nơi có triển vọng du lịch rất lớn (du lịch biển - đảo, du lịch sinh thái, du lịch vùng cát); là nơi tập trung các mỏ khoáng sản và đặc biệt có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản cả nuôi trồng và đánh bắt hải sản;...

Khẳng định vị trí, vai trò của KH&CN trong phát triển bền vững kinh tế biển Nam Trung Bộ,  PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi cho rằng khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao được xem là khâu tạo đột phá để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển vùng Nam Trung Bộ thông qua: thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới; thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao. Điều này lại cần phải bắt đầu từ việc thay đổi tầm nhìn chiến lược đối với phát triển bền vững kinh tế biển Nam Trung Bộ theo hướng từng bước xây dựng một nền kinh tế biển xanh. Căn cứ vào tầm nhìn và định hướng mới sẽ lựa chọn các nhiệm vụ, giải pháp khoa học và công nghệ thích hợp.

Về phương diện du lịch, ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam trung bộ để phát triển du lịch biển cũng có nhiều khởi sắc. Các ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển du lịch biển và các ứng dụng trong hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng xanh hướng tới tiết kiệm nhiên liệu và năng lượng đồng thời giảm thiểu phát thải ra môi trường. Đặc biệt, với định hướng phát triển du lịch cộng đồng trong khu vực đưa công nghệ sạch và công nghệ cao vào nông nghiệp nhằm phát triển loại hình du lịch nông nghiệp cao trong khu vực cũng được quan tâm.
 


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, trong 10 năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 09-NQ/TW được triển khai, đóng góp của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ vào GDP cả nước luôn đạt tỉ lệ cao, trong đó có đóng góp của các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp quan trọng ven biển (trung tâm chế biến dầu, khí, nhiệt điện, sản xuất thép…). Kinh tế thuần biển, gồm khai thác và chế biến dầu khí trên biển, hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản, du lịch biển, tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia với mức đóng góp vào GDP cả nước đạt khoảng 10%.

“Để có được những kết quả trên, ngành KH&CN đã đóng góp một phần không nhỏ. Đặc biệt các công trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong kinh tế biển khu vực Nam Trung Bộ đã đem lại những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều công trình đã tập trung vào nghiên cứu phát triển theo hướng ứng dụng sâu vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay.
 

Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong những năm qua việc nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong nhiều ngành và lĩnh vực đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Một số ví dụ cụ thể là ứng dụng KH&CN trong nuôi trồng, chế biến thủy sản; sản xuất giống thủy sản (giống tôm thẻ chân trắng và nuôi tôm hùm); bảo vệ môi trường, chống sói lở bờ biển; ứng dụng công nghệ làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản; ứng dụng công nghệ viễn thám, quan trắc giám sát chất lượng nước; chế tạo thiết bị đánh bắt cá ngừ đại dương; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất tại Công ty Ô tô Trường Hải (THACO)…

Chia sẻ về sự quan tâm, đầu tư của Lãnh đạo Thành phố trong về vấn đề phát triển kinh tế biển, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, những năm qua, Thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh các nghiên cứu về biển đảo nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về các hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật biển; điều kiện địa chất, địa hình và tài nguyên khóang sản biển, hiện trạng môi trường biển, sưu tầm các tư liệu về biển đảo... để phục vụ phát triển kinh tế xã hội thành phố và bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Vừa qua, UBND Thành phố Đà Nẵng cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển ngành kinh tế biển Thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu tăng trưởng dịch vụ kinh tế biển 12%-15%.
 

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại Hội nghị.


Đề xuất nhiều giải pháp khai thác hiệu quả kinh tế biển

Tại Hội nghị, nhiều giải pháp công nghệ đã và đang được sử dụng đạt hiệu quả cao được các đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm như ứng dụng công nghệ đá tuyết vào công tác bảo quản hải sản trong quá trình đánh bắt cá xa bờ, trong đó nghiên cứu làm chủ công nghệ, thiết kế, chế tạo máy tạo đá tuyết sẽ tạo ra tiền đề quan trọng để ứng dụng công nghệ đá tuyết vào công tác bảo quản hải sản trong đánh bắt cá xa bờ tại Việt Nam; nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ sinh sản giống nhân tạo và nuôi thương phẩm các đối tượng thủy sản, có giá trị kinh tế cao cho người nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa;...

Cùng với đó, có nhiều giải pháp được đề xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và một số địa phương nói riêng từ hoàn thiện thể chế; quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực biển; phát triển các chuỗi đô thị; phát triển các ngành nghề kinh tế biển mới; phát triển kinh tế đảo; phát triển năng lượng tái tạo cho tới liên kết vùng; tăng cường hợp tác quốc tế; hoàn thiện cơ chế quản lý; thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và đổi mới sáng tạo… Đồng thời, một số chương trình và đề tài nghiên cứu cụ thể cũng được đề xuất nhằm tăng cường vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế biển của vùng từ nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách; quy hoạch không gian biển….; nghiên cứu công nghệ ứng dụng cho ngành kinh tế biển, xây dựng khu KH&CN biển quốc tế nhất là đối với các khu kinh tế biển; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ môi trường….

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, Hội nghị là một trong những bước đi nhằm cụ thể hóa các quan điểm và chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta về phát triển kinh tế biển và phát triển KH&CN mà gần đây nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư ngày 30/5/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong thời gian tới, để KH&CN thực sự có vai trò thúc đẩy phát triển nền kinh tế biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nhằm đảm bảo sự thông suốt trong nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế biển cũng như vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế biển của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ từ trung ương đến địa phương; từ cán bộ cho đến người dân và doanh nghiệp. Phát triển kinh tế biển ở Việt Nam nói chung và kinh tế biển ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng không thể bền vững nếu không có vai trò của KH&CN, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi căn bản sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hội nhập quốc tế sâu, rộng; biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với những tác động nhanh, nhiều chiều và khó lường đối với nền kinh tế nước ta.

Đồng thời, cụ thể hóa chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 thông qua việc tiếp tục hoàn thiện các khung khổ pháp luật và điều tiết; xây dựng những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế biển vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Cùng với đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể để KH&CN cùng với phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao thực sự là một trong 3 khâu đột phá nhằm phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam nói chung và kinh tế biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách hành chính; khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút đa dạng các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển và ứng dụng KH&CN nhằm phát triển bền vững kinh tế biển của vùng.

Cuối cùng, tăng cường sự phối hợp và liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và với các tỉnh, thành phố của cả nước trong các hoạt động phát triển và ứng dụng KH&CN cho phát triển bền vững kinh tế biển của vùng, cũng như sự phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt giữa Bộ KH&CN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hỗ trợ phát triển vùng thông qua những chương trình, dự án cụ thể./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; Vụ Phát triển KH&CN Địa phương

Lượt xem: 4434

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)