Thứ hai, 15/07/2019 10:44 GMT+7

Cuộc họp NLO nhằm tăng cường hiệu quả dự án hợp tác kỹ thuật khu vực Châu Á Thái Bình Dương

Từ ngày 08-12/7/2019 tại Viên, Cộng hòa Áo, với vai trò cán bộ điều phối quốc gia, bà Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đại diện Việt Nam tham dự Cuộc họp NLO nhằm tăng cường hiệu quả dự án hợp tác kỹ thuật khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Tham dự Cuộc họp có hơn 60 đại biểu đến từ các quốc gia trong khu vực là các cán bộ điều phối quốc gia (NLO) và cán bộ hỗ trợ NLO (NLA), các chuyên gia quản lý dự án của IAEA (PMO), đại diện của Đại sứ quán các nước và các cán bộ có liên quan.

Phát biểu khai mạc Cuộc họp, bà Jane Gerardo Abaya, Giám đốc Ban Châu Á Thái Bình Dương, Vụ Hợp tác kỹ thuật của IAEA đánh giá cao sự phối hợp và hợp tác hiệu quả của các NLO trong quá trình triển khai các hoạt động của chương trình, góp phần tạo nên những thành tựu về khoa học công nghệ cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quốc gia.

Cuộc họp bao gồm các phiên toàn thể và phiên thảo luận nhóm, nhằm giải quyết các vấn đề chính: giới thiệu thành tựu nổi bật của các quốc gia thành viên đạt được thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật (TC); chia sẻ kinh nghiệm về cách thức triển khai và cơ chế phối hợp; thảo luận các vấn đề liên quan nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả của các chương trình này.

Đại diện cho Việt Nam, bà Trần Bích Ngọc đã có bài trình bày giới thiệu về Dự án hợp tác ba bên giữa Việt Nam, IAEA và Lào/Campuchia, nhằm giúp đỡ hai nước láng giềng trong việc xây dựng và phát triển năng lực nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, an toàn bức xạ và hạt nhân.
 


 

Trong nhiều năm qua, thông qua hỗ trợ của IAEA trong các dự án TC quốc gia, khu vực và liên khu vực, năng lực của Việt Nam trong các lĩnh vực trên đã được xây dựng và phát triển. Bên cạnh đó, Lào và Campuchia là những quốc gia mới tham gia vào các chương trình TC; vì vậy, thông qua Dự án ba bên, một mặt Việt Nam có thể hỗ trợ IAEA trong việc hướng dẫn Lào và Campuchia xây dựng dự án, một mặt cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho hai nước láng giềng trên cơ sở năng lực kỹ thuật đã phát triển của quốc gia. Dự án này được IAEA rất quan tâm coi như hình mẫu để phổ biến nhân rộng đối với các quốc gia khác trong khu vực.
 


 

Qua 5 ngày làm việc và thảo luận, Cuộc họp đi đến kết thúc và tổng kết các vấn đề: tóm tắt hành trình đến thành công và bài học kinh nghiệm; xây dựng kế hoạch hành động để tận dụng các đối tác hợp tác hiện có và đối tác tiềm năng; xây dựng kế hoạch hành động để nâng cao hiệu quả chương trình TC.

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 2216

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)