Thứ ba, 16/07/2019 17:03 GMT+7

Nghiên cứu chọn tạo giống cao su thích hợp cho các tỉnh Trung Bộ và miền núi phía Bắc

Cây cao su cũng như các loại cây trồng khác, khả năng sinh trưởng phát triển cũng như sản lượng mủ của cây phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giống, điều kiện đất đai, chế độ chăm sóc, mật độ trồng, khí hậu, bệnh hại, mùa vụ,… Để phát triển cây cao su một cách bền vững thì yêu cầu cấp thiết là phải chọn tạo được những giống cao su thích hợp cho từng vùng sinh thái với khả năng sinh trưởng khỏe, sản lượng cao và ổn định và khả năng chống chịu một số loại bệnh hại phổ biến cũng như một số đặc tính quan trọng khác. Do vậy, công tác tạo tuyển giống đang là mối quan tâm hàng đầu trong nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ với cây cao su và là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công và bền vững của ngành cao su Việt Nam.

Để nhanh chóng tuyển chọn bộ giống tiến bộ và đáp ứng yêu cầu phát triển hiệu quả cây cao su ở vùng ngoài truyền thống, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đã tiếp tục chương trình chọn tạo giống định hướng cho các vùng này thông qua đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống cao su thích hợp cho các tỉnh Trung Bộ và miền núi phía Bắc” giai đoạn 2011 - 2015. Do Chủ nhiệm đề tài Lê Mậu Túy cùng thực hiện. Đây là chương trình cải tiến giống cao su tiếp nối những thành quả giai đoạn trước và tạo cơ sở cho tiến bộ về lâu dài cho các tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc. Trong giai đoạn này, mạng lưới khảo nghiệm giống được mở rộng kết hợp với thực tế sản xuất và theo dõi, đánh giá mạng lưới khảo nghiệm giống đã được thiết lập nhằm từng bước điều chỉnh cơ cấu giống khuyến cáo thích hợp cho vùng.
 

Kết quả thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 của đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống cao su thích hợp cho các tỉnh Trung bộ và miền núi phía Bắc” đạt và vượt những nội dung về khối lượng, tiến độ và chất lượng của kế hoạch đăng ký. Những kết quả nổi bật đạt được với các nội dung cụ thể như sau:

- Thực hiện công việc chăm sóc, duy trì 2 vườn Lai hoa tại Lai Khê (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) gồm LH 6 và LH 8; thiết lập vườn Lai hoa mới LHLK 13 tại Lai Khê năm 2013. - Trong giai đoạn 2011- 2015 đã thu được 2.562 con lai nhân tạo từ 55 dòng mẹ với 31 dòng bố và 12.763 con lai tự do từ 66 dòng mẹ (vượt kế hoạch 500 con lai nhân tạo có kiểm soát và 1.000 con lai tự do/năm) .  Tuyển chọn giống lai tạo mới:

 - Đánh giá giống lai mới trên 07 thí nghiệm Tuyển non tại Lai Khê (TNLK 08, TNLK 09, TNLK 10, TNLK 11, TNLK 12, TNLK 13 và TNLK 14). Các thí nghiệm này đã được đánh giá về các chỉ tiêu nông học như sinh trưởng, sản lượng, bệnh hại và các đặc tính khác.  - Kết quả đánh giá trên 05 thí nghiệm Tuyển non tại Lai Khê (TNLK 08, TNLK 09, TNLK 10, TNLK 11 và TNLK 12) đã gạn lọc được 376 dòng vô tính có thành tích xuất sắc về sinh trưởng (vượt 147,4 - 164,8% so với giống đối chứng), sản lượng (vượt 350 - 593% so với đối chứng) và đa dạng hóa nguồn di truyền để đưa vào khảo nghiệm bước tiếp theo ở Sơ tuyển. 

Thiết lập thí nghiệm Tuyển non mới - Đã xây dựng 05 vườn tuyển non tại Lai Khê từ các con lai qua các vụ lai 20102014 (1 ha/năm).

 - Thiết lập 03 thí nghiệm đánh giá khả năng chịu rét từ cây lại tự do tại các vùng phi truyền thống:

+ Năm 2011: thiết lập thí nghiệm đánh giá khả năng chịu rét tại Yên Bái với diện tích 2,3 ha gồm 1.456 cây lai tự do từ các tổ hợp của 6 dòng mẹ. 

+ Năm 2012: thiết lập thí nghiệm đánh giá khả năng chịu rét tại Lào Cai với diện tích 2,0 ha gồm 1.200 cây lai tự do từ các tổ hợp của 6 dòng mẹ.

Năm 2013: thiết lập thí nghiệm đánh giá khả năng chịu rét tại Lai Châu với diện tích 2,0 ha gồm 1.000 con lai tự do từ các tổ hợp của 15 dòng mẹ.

Kết quả đánh giá trên các thí nghiệm Sơ tuyển cho thấy các dòng vô tính chọn lọc đạt mục tiêu của đề tài: 

-  Các dòng vô tính chọn lọc đạt năng suất khởi đầu cao, vượt mức 2,5 tấn/ha năm ởvùng thuận lợi (3 - 6 năm cạo) và đạt mức 2 tấn/ha/năm ở vùng ngoài truyền thống (3 năm cạo).

- Một số dòng vô tính có năng suất cao nhất vượt 3 tấn/ha/năm ở vùng thuận lợi, đặc biệt dòng vô tính RRIV 209 có thể đạt đến 4 tấn/ha/năm ở năm cạo đầu tiên trên mặt cạo thứ 2 (BO-2); trong cùng điều kiện, các dòng vô tính RRIV 217, RRIV 219 và RRIV 220 đều vượt mức năng suất 3 tấn/ha/năm. 

- Một số dòng vô tính có thành tích xuất sắc trên nhiều địa bàn khác nhau chứng tỏ khả năng thích ứng với nhiều vùng. Thông thường các giống có xu hướng giảm thành tích về năng suất ở vùng bất thuận, tuy nhiên dòng vô tính RRIV 230 lại cho năng suất cao hơn trong điều kiện tới hạn tại Phủ Quỳ so với ở Lai Khê (Đông Nam Bộ), điều này chứng tỏ khả năng chọn lọc được giống cho thành tích năng suất cao cao ngay trong điều kiện tới hạn.

- Nhiều dòng vô tính mới có khả năng sinh trưởng khỏe, vượt hẳn so với các giống phổ biến giúp rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bàn từ 1 - 2 năm ở từng vùng trồng.

 - Các dòng vô tính chọn lọc ngoài thành tích năng suất, sinh trưởng cũng thể hiện đặc tính chống chịu bệnh hại đặc trưng ở từng vùng có điều kiện khác nhau trong đó một số dòng vô tính đã thể hiện khả năng chịu rét tốt cho thấy khả năng thích hợp ở các vùng trồng cao su phía Bắc.

 - Đã thiết lập hệ thống thí nghiệm Sơ tuyển với nhiều giống mới ở các vùng khác nhau, đây là tiền đề quan trọng cho việc chọn lọc được giống cao su xuất sắc thích hợp với từng vùng trong đó có các vùng trồng cao su ở phía Bắc.

Cơ cấu giống cao su khuyến cáo giai đoạn 2016 - 2020 đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ban hành vào ngày 30/10/2015 cho các vùng trồng cao su khác nhau trong đó có cơ cấu giống cho vùng Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc. Danh sách giống trong cơ cấu giống 2016 - 2020 đã bổ sung 16 giống chọn lọc trong giai đoạn thực hiện đề tài, gồm các giống từ RRIV 216 đến RRIV 231 và 2 dòng nhập nội cho hướng sản xuất gỗ là RO 20/100 và RO 25/254.

Các giống cao su do Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam tạo tuyển: RRIV 206, RRIV 209, RRIV 230, RRIV 231 và giống nhập nội IAN 873 đã  được công nhận giống sản xuất thử - tiên đối với vùng Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc.

- Bài báo đăng tải tạp chí khoa học: 03 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành. 

- Báo cáo khoa học trình bày tại hội nghị: 06 báo cáo khoa học trình bày tại hội nghị và hội thảo trong nước, 10 báo cáo trình bày tại các hội nghị cao su quốc tế liên quan đến nội dung đề tài.  

- Đào tạo: Hướng dẫn thực hiện nội dung nghiên cứu cho 11 luận văn cao học (08 luận văn đã hoàn thành) và 16 luận văn tốt nghiệp đại học.


Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13922/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3003

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)