Thứ ba, 16/07/2019 17:05 GMT+7

Đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn Psammoperca waigiensis (Cuvier và Valenciennes, 1828) thông qua thời điểm thu mẫu, tiêm hormone và bảo quản lạnh

Nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Nha Trang do ông Lê Minh Hoàng làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn Psammoperca waigiensis (Cuvier và Valenciennes, 1828) thông qua thời điểm thu mẫu, tiêm hormone và bảo quản lạnh” trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2017. Đề tài nhằm mục tiêu đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn thông qua thời điểm thu mẫu, tiêm hormone và bảo quản lạnh tinh trùng.

Một số kết quả nghiên cứu nổi bật:

Nội dung 1: Đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn thông qua thời điểm thu mẫu khác nhau.

Kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt lực tinh trùng cá chẽm mõm nhọn trong nghiên cứu này chỉ rõ, với những giá trị ở các yếu tố sau thì hoạt lực tinh trùng là tối ưu cho từng mùa vụ sinh sản: Tỷ lệ pha loãng 1:100 ở giữa mùa vụ và 1:150 (tinh dịch: nước biển nhân tạo) ở đầu và cuối mùa vụ; NDTT 400mOsm/kg trong chính giữa mùa vụ và NDTT 450mOsm/kg trong đầu và cuối mùa vụ; Ca2+=0,1M ở đầu và giữa mùa vụ, Ca2+=0,15M ở vuối mùa vụ; Mg2+=0,1M ở cả 3 mùa vụ; K+ =0,6M ở đầu và giữa mùa vụ, K+=0,65 ở cuối mùa vụ; Na+ =0,55M ở đầu mùa vụ, Na+=0,6 ở giữa mùa vụ và Ca2+=0,65 ở cuối mùa vụ.

Nội dung 2: Đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn thông qua loại, liều lượng và thời gian tiêm hormone khác nhau

­ Ảnh hưởng của hormone kích thích sinh sản đến đăc tính lý hóa của tinh dịch cá chẽm mõm nhọn. HCG với liều lượng 1000 IU/kg tại thời điểm sau 48h tiêm hormone làm tăng đáng kể thể tích tinh dịch và tổng số lượng tinh trùng trên cá thể đực.

­ Ảnh hưởng của hormone kích thích sinh sản lên đặc tính sinh hóa của tinh dịch cá chẽm mõm nhọn. Kết quả nghiên cứu này cho thấy có sự ảnh hưởng không đáng kể của loại, liều lượng, thời gian sau khi tiêm các loại hormone kích thích sinh sản lên đặc tính sinh hóa dịch tương cá chẽm mõm nhọn đực.

­ Ảnh hưởng của hormone kích thích sinh sản lên hoạt lực của tinh trùng cá chẽm mõm nhọn. Ở nghiên cứu này, hormone tốt nhất để làm tăng đáng kể phần trăm hoạt lực, vận tốc và thời gian hoạt lực tinh trùng cá chẽm mõm nhọn là HCG với liều lượng 1000 IU/kg tại thời điểm sau 48h tiêm hormone.

­ Ảnh hưởng của hormone kích thích sinh sản lên cấu trúc tinh trùng cá chẽm mõm nhọn. Kết quả nghiên cứu này cho thấy có sự ảnh hưởng không đáng kể của loại, liều lượng, thời gian sau khi tiêm các loại hormone kích thích sinh sản lên hình thái tinh trùng cá chẽm mõm nhọn đực.

Nội dung 3: Đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn thông qua bảo quản tinh trùng trong tủ lạnh Các thông số lý học của tinh dịch cá chẽm mõm nhọn thu được tại các thời điểm giữa vụ sinh sản cho kết quả tốt nhất cụ thể: thể tích tinh dịch (1,43 ml/cá đực), mật độ tinh trùng (30,3 x 109 tb/ml), độ quánh (86,67%), hoạt lực (91,67%), vận tốc (140 µm/s), thời gian hoạt lực (225,67 s).

Hoạt lực và vận tốc tinh trùng tốt nhất khi pha loãng với tỷ lệ 1:3 và duy trì thời gian sống lên đến ngày thứ 27 đối với tinh trùng thu ở đầu và giữa vụ sinh sản. Trong khi đó, ở tỷ lệ pha loãng 1:7 tinh trùng chỉ sống đến ngày thứ 9. Đối với tinh trùng ở cuối vụ sinh sản, tỷ lệ pha loãng 1:5 cho kết quả tốt nhất với thời gian sống kéo dài đến ngày thứ 27 và thấp nhất ở tỷ lệ 1:7.

Việc bổ sung kháng sinh Gentamycin ở nồng độ 200ppm cho kết quả tốt nhất đối với tinh trùng thu ở đầu và giữa vụ sinh sản và kéo dài thời gian sống của tinh trùng lên 36 ngày và thấp nhất là 30 ngày với nồng độ 300ppm Gentamycin. Trong khi đó, tinh trùng thu ở cuối vụ sinh sản cho kết quả tốt nhất khi bổ sung 300ppm Gentamycin cũng với thời gian sống là 36 ngày và thấp nhất ở nồng độ 100ppm.

Nội dung 4: Đánh giá chất lượng tinh trùng cá chẽm mõm nhọn thông qua bảo quản tinh trùng trong nitơ lỏng.

Tinh trùng cá chẽm mõm nhọn bảo quản ở tỷ lệ 1:3 cho hoạt lực và vận tốc cao nhất (84,89±1,21% và 137,22±1,12 µm/s) và thấp nhất ở tỷ lệ 1:10 (52,00±1,57% và 135,56±1,79 µm/s).

Hoạt lực và vận tốc tinh trùng là cao nhất khi bảo quản trong ASP (84,89±1,21% và 137,22±1,12 µm/s) và thấp nhất trong RSW (34,78±2,20% và 105,56±2,03 µm/s).

DMSO ở nồng độ 10% là chất chống đông thích hợp cho bảo quản tinh trùng cá chẽm mõm nhọn với kết quả hoạt lực và vận tốc tốt nhất 84,89±1,21% và 137,22±1,12 µm/s. Trong khi đó, tinh trùng bảo quản trong Methanol ở nồng độ 20% cho kết quả thấp nhất 8,78±1,02% và 69,44±2,12 m/s.

Hoạt lực và vận tốc tinh trùng cá chẽm mõm nhọn quan sát được khi bảo quản theo quy trình 2 bước là cao nhất (84,89±1,21% và 137,22±1,12 µm/s) và thấp nhất ở quy trình làm lạnh trực tiếp (7,44±0,82% và 71,78±2,67µm/s).

Tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở sau khi bảo quản thu được: +Sau 1 tuần: tỷ lệ thụ tinh: 66,93 ± 0,93% và tỷ lệ nở: 44,16 ± 1,47%; +Sau 1 tháng: tỷ lệ thụ tinh: 65,40±1,11% và tỷ lệ nở: 43,88±1,54%; và +Sau 1 năm: tỷ lệ thụ tinh 65,13 ± 1,31% và tỷ lệ thụ tinh 43,24 ± 1,41%.

 

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14013) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2264

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)