Thứ năm, 15/08/2019 23:45 GMT+7

Hành lang pháp lý về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng được hoàn thiện

Ngày 15/8/2019, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã diễn ra phiên chất vấn, trả lời chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành về những nội dung liên quan đến thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên chất vấn. Tham gia trả lời chất vấn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, các Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Các Bộ trưởng tham gia giải trình gồm Bộ trưởng: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông - Vận tải, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt của Chính phủ tổng hợp tình hình thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của UBTVQH khóa XIV về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn

 

Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KH&CN

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thực hiện Chương trình công tác năm 2019 và Kế hoạch số 377/KH-UBTVQH14 ngày 08/3/2019, Chính phủ đã gửi 10 báo cáo chuyên đề và 01 báo cáo tổng hợp về việc thực hiện các Nghị quyết và Kết luận của UBTVQH về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 trên các lĩnh vực: KH&CN; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài; lao động, thương binh, xã hội; thông tin và truyền thông; xây dựng, phát triển đô thị; xây dựng pháp luật; công tác dân tộc; an ninh trật tự.

Trong lĩnh vực KH&CN, cụ thể về việc thực hiện Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 ngày 02/11/2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý; tập trung xây dựng chính sách phát triển về công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KH&CN đáp ứng yêu cầu hội nhập và cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Các cấp các ngành đã triển khai việc rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại mạng lưới tổ chức KH&CN công lập theo hướng cân đối giữa các vùng, miền và đẩy mạnh hoạt động tự chủ theo tinh thần các Nghị quyết số 18 và 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước, đồng thời tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động KH&CN.

Hoạt động của các Quỹ trong lĩnh vực KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ; tập trung triển khai các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, các dự án KH&CN quy mô lớn và 13 dự án hỗ trợ phát triển ngành cơ khí trong nước, mang lại hiệu quả thiết thực đối với ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, góp phần nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo dây chuyền đồng bộ ngành cơ khí.

Tiềm lực KH&CN quốc gia được củng cố, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng và địa phương, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KH&CN trong từng giai đoạn. Nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, VinGroup, TH, Thaco… đang chuyển hướng chiến lực, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo.

Về thực hiện Thông báo số 1672/TB-TTKQH ngày 09/4/2018 của Tổng Thư ký Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KH, CN và đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển thị trường KH&CN; ban hành các chính sách cụ thể để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tăng cường kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tiếp tục thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao; Đẩy mạnh hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực công nghệ cao; Tập trung xây dựng Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về cuôc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát nhập khẩu công nghệ, thiết bị đã qua sử dụng, xử lý nghiêm vi phạm.

Nhờ việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, năm 2019 tăng 3 bậc so với năm 2018, lên xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ; tăng 17 bậc so với năm 2016, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp. Số bài báo quốc tế giai đoạn 2014 - 2018 tăng gấp 2 lần, từ 4.071 lên 8.821 bài.


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh giải đáp các vấn đề về KH&CN

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã trả lời các câu hỏi liên quan đến các vấn đề: nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, những vấn đề khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ; công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch; ngân sách chi cho hoạt động KH&CN địa phương; khó khăn khi thực thi sở hữu trí tuệ đằng sau các Hiệp định FTA và CPTPP, những giải pháp để Việt Nam áp dụng hiệu quả nội dung về sở hữu trí tuệ.



Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội

 

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) về những kết quả đạt được, các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, KH&CN muốn đi vào cuộc sống thì chính sách cần đồng bộ. Bức tranh công nghiệp hỗ trợ nhìn chung khó khăn, đặc biệt là lĩnh vưc cơ khí. Năm 2002, Chính phủ ban hành Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đã tạo ra một số kết quả trong việc nâng cao năng lực chế tạo nội địa.

Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2012 chúng ta tiếp tục gặp những khó khăn. Cơ khí là nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hoá nên đòi hỏi tập trung đầu tư lâu dài, sự quan tâm của Nhà nước và kèm với đó là quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hầu hết doanh nghiệp gắn với công nghiệp chế tạo đều là doanh nghiệp nhà nước. Có thể do nhiều yếu tố nên ảnh hưởng đến kết quả.

Gần đây Bộ KH&CN phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương theo tinh thần Nghị quyết Quốc hội để thúc đẩy hoạt động này. Hiện chúng ta có Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị đã định hướng cụ thể xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung cụ thể cho cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Mới đây, hai Bộ cũng rà lại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 319/2018/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam; Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ để có thể giải quyết một cách đồng bộ hơn.

Theo Bộ trưởng, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua cũng đã góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Mặc dù chưa đáp ứng được hết những yêu cầu đặt ra nhưng có thể thấy, đó là những chuyển động tích cực.

Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, hiện có trên 25.000 doanh nghiệp (khoảng 1/3 doanh nghiệp nội địa), xuất khẩu gần 20 tỷ USD/năm nhưng mới đáp ứng được 30% nhu cầu nội địa. Hiện nay một số doanh nghiệp đã vươn lên về công nghệ, đạt trình độ trung bình trong khu vực, nắm bắt được một số khâu quan trọng như tư vấn thiết kế công trình, hạ tầng đồng bộ, kết cấu thép các công trình lớn…

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung cùng Bộ Công thương thực hiện các giải pháp đồng bộ, và “ngành cơ khí, chế tạo cần được giao nhiều nhiệm vụ hơn đối với các công trình lớn, trọng điểm của đất nước”.

Đối với công nghiệp hỗ trợ (hiện có 3.500 doanh nghiệp nhưng mới đáp ứng được 10% công việc của các tập đoàn tại Việt Nam), Bộ KH&CN đã định hướng các quỹ tập trung hỗ trợ đầu tư cho đối tượng này, và bước đầu đã có chuyển động nhất định. Nếu như năm 2015 chỉ có 31 đầu mối cấp 1, cấp 2 phụ trợ SamSung thì đến năm 2017 là 201 đầu mối, tăng gấp 7 lần trong 3 năm.

“Hiện chúng tôi tập trung rà soát lại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP theo tinh thần của Nghị quyết số 23-NQ/TW để có các hành động cụ thể. Với quyết tâm, chủ trương, thể chế, công việc cụ thể với hai nhóm này sẽ có những kết quả khả thi” - Bộ trưởng cho biết.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị) về công nghệ chế biến sau thu hoạch và chi ngân sách cho khoa học công nghệ hiện nay, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, công nghệ chế biến sau thu hoạch thực sự là khâu quan trọng, đặc biệt là với một nước nông nghiệp như Việt Nam. Điều này thể hiện qua chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các chương trình cụ thể của Bộ KH&CN.

“Ngành KH&CN đã tăng cường hợp tác với ngành nông nghiệp để đẩy mạnh vấn đề chế biến sau thu hoạch  bởi đây là khâu quan trọng để khép kín chuỗi sản xuất trong nông nghiệp. Chúng tôi cũng rất quyết liệt trong nội dung này” - Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, công nghệ chế biến sau thu hoạch hiện nay dựa vào kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học, cùng với đó là bản thân doanh nghiệp được hỗ trợ và nâng cao năng lực hấp thụ, chuyển giao công nghệ. Trong tất cả kỳ hội chợ về thiết bị, công nghệ vừa rồi thì có tới 33.000 công nghệ được chuyển giao, trong đó, tỷ trọng cho công nghệ chế biến sau thu hoạch rất cao. Ví dụ như Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Nafoods đã hỗ trợ và chuyển giao công nghệ cho nhiều doanh nghiệp, góp phần đáng kể vào xuất khẩu hoa quả của Việt Nam. Công ty Việt Nam Food đã được chuyển giao công nghệ giúp đẩy mạnh sản xuất cá tra, xử lý phụ phẩm từ tôm...

“Chính sách đóng vai trò quan trọng trong khuyến khích doanh nghiệp. Sau khi có Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, số doanh nghiệp trong lĩnh vực này tang gấp 3 lần (từ 3.700 doanh nghiệp lên đến hơn 10.000), trong số đó có nhiều nhà máy chế biến rau, củ, quả... Đây là những đối tượng chúng tôi quan tâm trong chuyển giao công nghệ và đã có tác động mạnh mẽ”, Bộ trưởng khẳng định.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Đại biểu tỉnh Hưng Yên) về khó khăn khi thực thi sở hữu trí tuệ (SHTT) đằng sau các Hiệp định FTA và CPTPP, những giải pháp để Việt Nam áp dụng hiệu quả nội dung về sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, SHTT, tài sản trí tuệ (TSTT) là một vấn đề rất quan trọng trong hội nhập quốc tế, đặc biệt là làm sao để tận dụng, thực thi hiệu quả những cam kết đã được ký kết.

Với tư cách là cơ quan đầu mối và thường trực về đàm phán Hiệp định CPTPP và các FTA, Bộ Công Thương đã hết sức chủ động, kịp thời trình Thủ tướng ban hành Chương trình hành động thực hiện Hiệp định CPTPP, trong đó có 4 nội dung quan trọng. Thứ nhất, tất cả các Bộ, ngành liên quan phải rà soát các quy định pháp luật để đáp ứng được đúng cam kết trong Hiệp định. Thứ hai, tổ chức tuyên truyền để các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và thành phần kinh tế nắm được tinh thần của các cam kết, đặc biệt là những lợi thế và các áp lực đi kèm. Thứ ba, mỗi Bộ, ngành phải có Chương trình hành động để tổ chức thực hiện cho hiệu quả. Thứ tư, mỗi Bộ, ngành, địa phương phải xem lại cơ cấu ngành, lĩnh vực để làm sao đáp ứng, tận dụng được những cam kết. 

Theo Bộ trưởng, nhìn từ góc độ KH&CN nói chung và SHTT nói riêng, thì đây là một vấn đề rất lớn. Hiệp định CPTPP có hơn 20 nội dung cam kết về SHTT, trong đó có 11 nội dung cam kết được gia hạn thời hạn thực hiện cam kết.

Ví dụ, ta có thêm ân hạn 5 năm đối với cam kết về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm đối với dược phẩm. Hiệp định FTA giữa Việt Nam và châu Âu cũng có 1 Chương về SHTT với 63 điều. Hiệp định quy định công nhận có 169 chỉ dẫn địa lý từ châu Âu và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Theo đó, ngay lập tức chúng ta phải tìm hiểu rõ những mặt hàng này để có chương trình hành động đi kèm.

Bộ trưởng cho biết, ngành KH&CN cũng có các Chương trình hành động riêng và bước đầu mang lại hiệu quả. Minh chứng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng đơn đăng ký quyền SHCN đã tăng 28%, và 67% trong số đơn đó được cấp văn bằng bảo hộ, điều đó có nghĩa là hoạt động đổi mới sáng tạo đang diễn ra một cách tích cực. Số lượng hợp đồng chuyển nhượng các đối tượng SHTT cũng tăng tới 23%.

“Trách nhiệm của Bộ KH&CN là tập trung triển khai hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT để thực thi Hiệp định CPTPP với 5 nội dung trọng tâm là quy định về thủ tục xác lập quyền SHTT, ân hạn đối với đơn đăng ký sáng chế, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thì riêng khâu thực thi bảo vệ quyền cần có sự nỗ lực phối hợp của của các cơ quan liên quan. Bộ KH&CN đã tập trung xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia để định hướng cho sự phát triển của hệ thống SHTT đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

Cuối giờ chiều phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4651

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)